(GD&TĐ) - Đó là nhận xét về đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay của thầy Phạm Gia Mạnh – Giáo viên Văn Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội.
Tự tin sau môn thi đầu tiên. Ảnh: NN |
Nhận xét chung về đề, thầy Mạnh cho biết, đề năm nay vùa sức với các đối tượng học sinh, khá cân đối về nội dung kiến thức, có cả kiến thức văn học Việt Nam và nước ngoài, trọng tâm vào chương trình lớp 12 theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Điểm nhấn khá đặc biệt của đề thi là câu thứ 2 (đề văn nghị luận xã hội). Đề thi lấy một câu chuyện thực tế, mới diễn ra gần đây và có sức lay động lớn. Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương, Nghệ An đã dũng cảm, hy sinh quên mình cứu 4 em học sinh trên sông Lam vào hôm 30/4 là câu chuyện cảm động, lay động sâu sắc đối với học sinh cả nước.
Có thể nói, đây là một đề thi đạt, khơi gợi về lòng dũng cảm, tinh thần vị tha, có ý nghĩa giáo dục tích cực. Có thể ai đó cho rằng, hiện nay còn có nhiều vấn đề xã hội cần bàn đến, nhưng với lứa tuổi học sinh lớp 12, bài học truyền tải từ đề thi là hết sức cần thiết.
Cũng theo thầy Phạm Gia Mạnh, ngoài câu nghị luận xã hội, câu 1 (2 điểm) cũng khá hay. Câu hỏi đưa ra chi tiết nhân vật bà mẹ Hạ Du (trong truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình. Đây là một chi tiết đẹp, giầu sức gợi, tạo cảm hứng cho học sinh viết.
Tuy nhiên, đối với những học sinh ở vùng sâu, xa, đây có thể là một câu hỏi hơi khó một chút. Bởi trong thời lượng có hạn của chương trình, có thể các thầy cô không quá đi sâu vào chi tiết mà chỉ chú trọng đến tác giả, nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật.
HIếu Nguyễn (ghi)