Như vậy, dinh dưỡng tốt, sống trong môi trường an toàn, có sự kích thích phát triển từ bé sẽ giúp trẻ phát huy tối đa nhận thức sau này. Lý thuyết thì vậy, nhưng không phải người lớn nào cũng hiểu và thực hiện, nên nhiều trẻ bị bạo lực hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ...
Những thống kê đáng báo động
Số liệu thống kê mới được các tổ chức quốc tế công bố gần đây cho thấy, khoảng 43% trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang có nguy cơ không phát triển hết được tiềm năng nhận thức của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc trẻ bị bạo lực trong gia đình, nhà trường và ngoài cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Omar Abdi, bạo lực trẻ em là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Không chỉ là vấn đề liên quan đến đạo đức, các nghiên cứu chỉ ra rằng, bạo lực trẻ em còn dẫn tới phí tổn về kinh tế và y tế công cộng. Theo đánh giá, khoảng hơn 1 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực mỗi năm, tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếm trải hoặc chứng kiến bạo lực thời thơ ấu có tác động nguy hại lâu dài đến cá nhân. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia bằng việc tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, tỷ lệ bạo lực, tội phạm, khuyết tật, thậm chí tử vong cao hơn.
Nghiên cứu của UNICEF cho thấy, bạo lực trẻ em gây thiệt hại 209 tỷ USD mỗi năm ở các quốc gia thuộc khu vực này, tương đương 2% GDP của cả khu vực.
Ở Việt Nam, mặc dù là một trong những nước ký Công ước quyền trẻ em sớm, có nhiều đạo luật bảo vệ quyền trẻ em, nhưng bạo lực vẫn diễn ra.
Theo khảo sát nhóm đa chỉ số năm 2011 của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của UNICEF, 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Dạo qua các trang mạng sẽ thấy, trẻ bị bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc. Mới đây, một trẻ 12 tuổi ở Lào Cai bị bố và mẹ kế đánh tím mông. Vùng mặt, đầu, vai và mạng sườn của em cũng có nhiều vết bầm tím.
Được biết, trước khi bị đánh, bé bị mẹ kế không cho vào nhà từ 22 giờ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Nguyên nhân bị đánh bởi bé đã sang nhà ông bà ngoại chơi. Một bé trai khác 13 tuổi ở Thái Nguyên cũng bị bố đánh tứa máu ở mông do trốn học đi chơi.
Ở nhà thì vậy, đến trường, nhiều trẻ cũng bị bạo lực. Hình ảnh được người dân đưa lên mạng gần đây cho thấy giáo viên mầm non (Hà Đông, Hà Nội) bóp mồm, đổ sữa vào mồm học sinh do bé ăn chậm.
Thậm chí, giáo viên này đá vào người em khác do nằm ngủ sai chỗ. Ở bậc tiểu học, do không làm được bài, nam học sinh lớp 4 (Thanh Chương, Nghệ An) bị thầy giáo đánh phải nhập viện.
Rồi việc học sinh lớp 8 (Thanh Hóa) bị thầy giáo tiếng Anh tung cước vào mặt chỉ vì không may làm rơi chai nước vào người thầy… Ngoài đường, tình trạng học sinh lớp lớn bắt nạt lớp bé, bị người khác hành hung diễn ra khá phổ biến.
Không chỉ là vấn đề chấm dứt bạo lực trẻ
Bạo lực trẻ em, dù dưới hình thức nào đều để lại hậu quả nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần. Phần lớn trẻ bị bạo lực sẽ bị ám ảnh tâm lý rất lâu và rất khó quên, thậm chí sẽ theo trẻ suốt cuộc đời khiến các em không phát huy hết khả năng của mình trong học tập, công việc và dễ có xu hướng bắt nạt người khác.
Theo ông Omar Abdi, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho một lực lượng đáng kinh ngạc về nguồn vốn con người chưa được khai thác, đó là những khối óc và tương lai của 1 tỷ trẻ em.
Đây là những nguồn lực mà tất cả chúng ta đều dựa vào để định hình một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn cho tất cả chúng ta nếu ngay từ khi còn bé, các em được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, có sự kích thích phát triển, sống trong môi trường có sự hỗ trợ và an toàn có nhiều khả năng đạt được tiềm năng tối đa nhất.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển chỉ ra rằng, chăm sóc y tế toàn dân đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, như góp phần giảm tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi, đóng vai trò chủ chốt trong nâng cao tuổi thọ trung bình của quốc gia. Cứ tăng tuổi thọ bình quân 10%, nền kinh tế có thể tăng trưởng thêm 0,3 - 0,4%/năm.
Ngoài ra, việc bảo đảm tiếp cận được các bác sỹ gia đình và cán bộ y tế (được đào tạo bài bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em) cũng vô cùng cần thiết. Nó giúp người lớn, trẻ em hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc, tạo môi trường an toàn cho trẻ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.