Để thư viện trường học đáp ứng nền giáo dục tiên tiến

Để thư viện trường học đáp ứng nền giáo dục tiên tiến

(GD&TĐ) - Thư viện nhà trường là nguồn cung cấp sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, hơn thế nữa, còn là nơi hình thành văn hóa đọc, hình thành kỹ năng tra cứu và nghiên cứu khoa học cho giáo viên và học sinh. Khi nhắc tới thư viện, theo suy nghĩ truyền thống là kho chứa sách, nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế lại là kho dữ liệu dưới dạng số hóa. Trên con đường thực hiện chức năng của mình, thư viện trường học đang đứng trước những thách thức về cơ sở vật chất, tài chính, công nghệ, nhân lực và cả những chính sách…

Kỳ I: Thư viện, nguồn tri thức mở

Thư viện phải thực sự là lớp học ngoài giờ cho học sinh (Trong ảnh: Giờ giới thiệu sách mới tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội)
Thư viện phải thực sự là lớp học ngoài giờ cho học sinh (Trong ảnh: Giờ giới thiệu sách mới tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội)
 

Đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với việc tạo sự chủ động linh hoạt cho GV và HS trong quá trình tiếp cận với tri thức. Với vai trò của mình, thư viện trong các nhà trường đã góp phần hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong việc giảng dạy và học tập. Về phương diện này thư viện chính là nguồn tri thức mở mang đến những hiểu biết về mọi lĩnh vực.

Quy định về tiêu chí thư viện chuẩn

Chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Thư viện chuẩn cũng là một trong những điều kiện để đánh giá các trường học đạt chuẩn. Với tiêu chuẩn 1 về các loại sách trong thư viện phải bao gồm các sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ và các loại tài liệu khác nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của các nhà trường.

Mỗi thư viện cần đảm bảo diện tích tối thiểu là 50 m2 để làm phòng đọc và kho sách đáp ứng đủ điều kiện cho thư viện hoạt động. Để đảm bảo và duy trì công tác thư viện, sách hiện được huy động từ nhiều nguồn. Trước hết là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước của các trường. Sách còn được quyên góp từ các tổ chức từ thiện, từ quỹ công đoàn, từ các đơn vị cá nhân…

Theo cô Phạm Đàm Thục Hạnh, Chuyên viên của Phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội), sách tại thư viện các nhà trường được đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước với tổng số 2%  kinh phí hàng năm của các trường. Hàng năm, các trường đều có kế hoạch bổ sung các danh mục sách phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của GV và HS. Đặc biệt các loại  sách tham khảo ngoài những cuốn theo quy định của Bộ GD&ĐT, GV các khối lớp còn đề nghị nhiều cuốn sách hay để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng về công tác chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

Mô hình thư viện thân thiện đã phát huy tính ưu việt tại nhiều trường phổ thông
Mô hình thư viện thân thiện đã phát huy tính ưu việt tại nhiều trường phổ thông
 

Nhân rộng thư viện trường học

Hiểu được tầm quan trọng của công tác thư viện trong việc thúc đẩy chất lượng giáo dục, nhiều năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã mạnh dạn áp dụng việc xây dựng các mô hình thư viện thân thiện tại 29 quận huyện trong thành phố. Ở tất cả các cấp học và các loại hình trường phổ thông, trường TCCN, TTGDTX đều có thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến và thư viện xuất sắc. Khoảng cách chênh lệch về thư viện giữa hai khu vực đã dần được thu hẹp, nhận thức về công tác xây dựng thư viện đạt chuẩn và phát huy hiệu quả thư viện trường học đã được nâng cao.

Cơ sở vật chất, chất lượng, số lượng, loại hình tài liệu trong thư viện trường học đã được quan tâm đầu tư phù hợp với cấp học bằng nguồn ngân sách Nhà nước và công tác xã hội hóa. Tổ chức hoạt động thư viện trường học đã được củng cố, kiện toàn  với các hình thức hoạt động khá phong phú. Phần lớn các trường học 2 buổi/ngày đã bố trí thời khóa biểu để học sinh được đến thư viện đọc và làm việc với sách 1 tiết/ tuần. Nhiều thư viện trường học năng động, có nhiều sáng tạo trong công tác thư viện trường học đem lại hiệu quả giáo dục cao và nét đẹp văn hóa - sư phạm cho các nhà trường.

Từ năm 2003, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Trong đó 5 tiêu chuẩn để các thư viện được công nhận thư viện chuẩn cụ thể: Tiêu chuẩn 1 về sách báo tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa. Tiêu chuẩn 2 là cơ sở vật chất, tiêu chuẩn 3 về nghiệp vụ, tiêu chuẩn thứ 4 về tổ chức, hoạt động. Và tiêu chuẩn thứ 5 về  việc quản lý thư viện.

Cô Chu Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay thì thư viện tại các trường chính là những kho sách quý. Với thư viện ngoài trời, tại các ghế đá ở sân trường dưới bóng cây mát rượi và những chiếc ô đủ màu sắc các em đọc sách rất hăng say.

Một mô hình nữa cũng mang lại hiệu quả đó là nhà trường còn bổ sung tủ sách lưu động, sách ở đây được sắp xếp theo chủ đề và liên tục thay đổi, xe có thể được đưa đền mọi chỗ thuận lợi để cho các em có thể dễ dàng tìm đọc sách mà mình yêu thích.

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước song đối với công tác thư viện, phòng GD&ĐT Tân Sơn rất quyết tâm xây dựng mô hình thư viện theo tiêu chuẩn quy định. Đến nay tất cả các thư viện trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn, các nhà trường đã xây dựng được phòng thư viện với các hàng nghìn đầu sách báo. Cô Hà Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Với những địa phương ở những vùng khó khăn như Tân Sơn thì thư viện nhà trường đã trợ giúp rất nhiều cho GV trong công tác soạn giảng, cập nhật lượng kiến thức mới. Đối với các em HS đây chính là nơi để các em được tiếp cận nhiều hơn với tri thức, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn.

Như vậy, thư viện trong trường học chính là người bạn đồng hành tin cậy của giáo viên và học sinh. Vấn đề là chúng ta cần phát triển, xây dựng các mô hình thư viện như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của GV và HS ở các vùng miền khác nhau. Đối với các nhà trường tại thành phố và những vùng phát triển nên mạnh dạn mở rộng hình thức thư viện điện tử để có thể cập nhật được nhiều lượng thông tin kịp thời tới GV và HS. Còn đối với những nơi khó khăn hơn lại rất cần sự trợ giúp về nguồn sách để mọi HS đều có thể tiếp cận được vốn tri thức nhân loại.

Điều 3: Quy định về báo, tạp chí, bản đồ và tranh ảnh giáo dục, bảng giá giáo khoa

1. Báo, tạp chí: Báo Nhân dân, báo Giáo dục và Thời đại, tạp chí Giáo dục, tạp chí Thế giới mới và các loại báo, tạp chí, tâp san của ngành phù hợp với ngành học, cấp học.

2. Bản đồ và tranh ảnh giáo dục, bảng giá giáo khoa: Đảm bảo đủ các loại bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng, đĩa giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản và phát hành từ sau năm 1998.

Mỗi tên bản đồ, tranh ảnh được tính tối thiểu theo lớp, cứ 2 lớp cùng khối có 1 bản. 

(Trích Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2003 của  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ