Đề thi phát huy được tư duy, kiến thức xã hội của thí sinh

Đề thi phát huy được tư duy, kiến thức xã hội của thí sinh

(GD&TĐ) - *Ông Trần Thế Trung (phụ huynh có con thi tại hội đồng thi trường Nguyễn Hồng Đào (Huyện Hóc Môn-TPHCM): Kỳ thi quá nghiêm ngặt và an ninh chặt chẽ

Tôi có hai đứa con, năm ngoái cháu lớn cũng thi tốt nghiệp ở trường này, năm nay cháu nhỏ lại thi nên hơn ai hết tôi thấy rõ sự chuyển biến trong  công tác tổ chức kỳ thi của ngành giáo dục. Năm nay có thể nhận thấy kỳ thi được Sở GD-ĐT tổ chức quá chặt chẽ và nghiêm ngặt. Buổi thi đầu tiên con tôi để quên CMND vậy mà tôi không thể vào trường để đưa cho cháu vì lực lượng an ninh, bảo vệ vòng ngoài quá nghiêm, tôi phải nhờ bảo vệ gửi vào cho cháu. Ngoài lực lượng bảo vệ hai lớp trong và ngoài hội đồng thi, phía trước cổng trường lúc nào cũng có 3-4 anh công an cùng đội ngũ CSGT túc trực. An ninh chặt chẽ, kỷ luật trường thi được thực hiện nghiêm túc như thế này thì không thể có những chuyện tiêu cực nảy sinh, tôi rất hài lòng với công tác tổ chức kỳ thi năm nay.

2.jpg

*Cô Phạm Ngọc Thùy Trang, tổ trưởng tổ Văn trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM: Đề Văn khá tốt

Tôi thấy đề Văn năm nay khá tốt. Với cách dạy đọc hiểu văn bản như hiện nay việc đề thi bám vào phân môn, bám vào phương pháp giảng dạy là hết sức phù hợp. Tổng quan đề đều nằm trong kiến thức chung của SGK. Tuy có sự phân loại và đòi hỏi kỹ năng hành văn (câu 2 và 3)… nhưng theo tôi, học sinh chỉ cần hiểu, tập trung chú ý theo dõi, hiểu bài trên lớp trong quá trình học và ôn thì sẽ làm tốt. Câu số 1 rất mang tính đổi mới phương pháp giảng dạy rất rõ. Câu hai mang tính thời sự, lại hay nên học sinh đón nhận là điều dễ hiểu. Bởi các em sẽ có nhiều đất thể hiện và có lối viết, thể hiện chính kiến của mình hơn. 

Thực chất, dạng đề như câu 2 của đề thi năm nay, các sách nghị luận xã hội cũng đã bàn luận tới, học sinh cũng được tIếp cận nhiều trong quá trình học. Tuy nhiên, kiểu ra đề mang tính hơi thở cuộc sống, thời sự, gợi mở như đề Văn vừa qua tôi đánh giá rất cao, Bộ GD cần tiếp tục phát huy…vì nó phù hợp với thực tế chương trình giảng dạy hiện nay khi đảm bảo được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng hành văn của học sinh.

Đề thi năm nay được đánh giá hay không chỉ vì phù hợp học sinh, đề thi hướng được tới 3 đối tượng học sinh, mà còn chính ở cách ra đề phù hợp với tiêu chí bám sát chương trình, bám sát đặc thù bộ môn Văn, phân loại học sinh. Với dạng để mở như thế này, học sinh trung bình cũng có thể làm bài tốt, còn với học sinh giỏi thì chắc chắn sẽ được điểm cao.

*GV Huỳnh Thị Kim Hoa- Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Nguyễn Việt Hồng- TP. Cần Thơ:  “Đề thi yêu cầu về tư duy, nhận thức và kiến thức xã hội của thí sinh”

Đề thi môn Văn năm nay vừa sức với thí sinh, trong đó câu 1 về phần văn học nước ngoài khá thú vị. Làm câu này thí sinh không chỉ học thuộc bài mà còn vận dụng kiến thức xã hội và khả năng cảm nhận tác phẩm của mình. Câu này không phải thí sinh nào cũng làm tốt vì phần chi tiết nhỏ trong tác phẩm dễ bị bỏ qua. 

Nhìn chung đề bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và nằm trong nội dung chương trình. Theo đó đề vẫn ra theo kiểu truyền thống, đặc biệt ở phần nâng cao vừa sức thí sinh, phần này thí sinh học theo chương trình chuẩn vẫn làm được vì tác phẩm nằm trong chương trình. Nhìn chung đề thi nhẹ nhàng, tuy nhiêu có yêu cầu về tư duy, nhận thức và kiến thức xã hội của thí sinh, điều đặc biệt là kỹ năng phân tích đề ở phần nghị luận xã hội. Câu giáo khoa đáp ứng yêu cầu tái hiện vận dụng kiến thức, phần đi sâu vào tác phẩm Số phận con người, đòi hỏi thí sinh vận dụng khả năng hiểu bài và cảm tác phẩm, nhất là HS nghe giảng và làm bài tập trong sách. Phần này chúng tôi đánh giá cao và thấy rất hay.     

Phần nghị luận xã hội nghiêng về trình độ nhận thức của thí sinh, vấn đề thói dối trá đang là vấn đề nóng, được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên thí sinh không đọc kỹ đề sẽ diễn đạt không vào trọng tâm vấn đề là dối trá xét về đạo đức con người trong đời sống xã hội. Câu này về kỹ năng đảm bảo nhưng hơn thua nhau ở kiến thức dẫn chứng. Hai câu nghị luận văn học so với đề thi những năm trước không khó hơn. Rất hay là ở chỗ em nào giỏi về dẫn chứng chọn làm đề bài về tác phẩm Người lái đò sông Đà, em nào giỏi phân tích sẽ làm tốt đề về tác phẩm Việt Bắc. Tôi nghĩ HS đạt được điểm 8 trở lên không nhiều và sẽ có nhiều em đạt điểm 5- 6… 

GV Phạm Văn Dũng- Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.3, TP. HCM: “Đề thi giữ được chuẩn kiến thức ở môn học”   

Đề thi môn Văn năm nay nằm trong nội dung chương trình, không gây bất ngờ cho các em HS. Nội dung đổi mới của đề thi Văn năm nay là đi vào chi tiết tác phẩm của Văn học ngước ngoài và câu 5 điểm phần nghị luận văn học, đi vào vấn đề trọng tâm của tác phẩm. So với những năm trước đề năm nay không khó hơn và giữ được chuẩn kiến thức ở môn học này, không đánh đố học sinh. Trong đó phần kiến thức sách giáo khoa và kiến thức văn học vẫn giữ được nội dung cốt yếu, cần nắm của HS phổ thông. Riêng phần nghị luận xã hội có phần nhẹ nhàng và thiết thực hơn. Các em HS rất thú vị về vấn đề đặt ra: thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội… Theo tôi HS trung bình sẽ làm được 5- 6 điểm, các em muốn đạt trên trung bình thì ít nhất hoàn thành 3 câu trong đề.

* Thầy Nguyễn Thế Hợi, phó hiệu trưởng trường THPT Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cấu trúc đề toán rành mạch, phân loại học sinh

Đề thi Toán  năm nay “cứng” và có độ khó hơn so với đề thi năm ngoái một chút. Tuy nhiên, toàn bộ năm câu hỏi đều nằm trong chương trình lớp 12. Với đề này, học sinh cẩu thả không cẩn thận trong lúc làm bài có thể sẽ bị nhầm ở câu 4b. Còn với học sinh khá và nắm chắc kiến thức, đề này không có gì khó cả. Cấu trúc đề Toán năm nay khá rành mạch và có tính chất phân loại thí sinh. Đối với đề này thí sinh học tốt chỉ mất 2/3 thời gian là có thể hoàn thiện. Năm nay, chắc chắn sẽ có nhiều điểm tối đa ở môn này. Riêng về cấu trúc đề thi, tôi thấy đây là một đề thi hay, các phổ điểm và phân phối lượng kiến thức trong đề rất hợp lý, đề có tính phân loại nên tôi thấy như vậy là ổn.

Anh Tú-Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ