Đề thi môn Lịch sử: Ngắn gọn, súc tích

GD&TĐ - Lần đầu thi trắc nghiệm nhưng cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của ban đề thi vì các câu hỏi Lịch sử khá ngắn gọn, súc tích. Ở các mã đề độ dễ - khó có sự tương đồng.

Đề thi môn Lịch sử: Ngắn gọn, súc tích

Cô Trần Thị Mỹ Hương, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM): Đề Lịch sử gắn với thực tế

Đề thi trắc nghiệm Lịch sử khá hay, có tính phân loại cao. Câu hỏi theo các chuyên đề lịch sử khá sát. Các câu chủ yếu mang tính vận dụng tư duy, không quá thiên về kiến thức học thuộc. Điều này khiến các thí sinh “dễ thở” hơn, nếu nắm vững kiến thức, sẽ làm bài tốt. 

Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa nhưng câu hỏi theo kiểu thông hiểu là chính. Đề  bao gồm cả kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới. Đề không đánh đố học sinh. Nếu các em có kiến thức cơ bản thí điểm 5 dễ dàng.

Phần Lịch sử thế giới thì gắn liền với thực tế nhiều. Các em có hiểu biết thực tế tình hình hiện nay thì làm được.

Phần Lịch sử Việt Nam chủ yếu những nội dung chính của chương trình. Học sinh không khó khăn trong lựa chọn đáp án. Chỉ vài câu vận dụng cao hơi khó bởi  kiến thức trải rộng ở các bài, đòi hỏi các em phải đọc sách giáo khoa nhiều và phải biết suy luận từ lý thuyết. Phải hiểu rõ câu mới làm được.

Với đề thi này, phổ điểm 8, 9 cũng tương đối nhiều nhưng để đạt điểm tuyệt đối thì ngoài hieur bài, các em phải biết vận dụng kiến thức để rút ra đáp án ở một số câu vận dụng  như nhận xét, so sánh. Ví dụ như mã đề 319, câu 11, câu 19 (học sinh phải có kiến thức cơ bản và biết sự hiểu biết thực tế). (Lê Đăng)

Ths Lê Quốc Học - giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội):

Đề thi Lịch sử năm nay khá cơ bản, lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 50 phút làm bài. Đề có nội dung kiến thức bao quát chương trình lịch sử Việt Nam và thế giới. Mức độ đề thi tương đối dễ và vừa sức với học sinh, chỉ cần nắm các kiến thức cơ bản là sẽ đạt 6 – 7 điểm

Trong đề có có nhiều câu hỏi hay đòi hỏi thí sinh phải nhớ mốc thời gian và xâu chuỗi sự kiện mới có thể chọn đúng đáp án. Có một vài câu hỏi tư duy, suy luận nhưng không khó, không nhiều.

Tóm lại, đề thi đã đáp ứng được bốn mức độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Cô Lê Thị Thu – giáo viên Tuyensinh247.com:

Nhìn chung, đề thi môn Lịch sử kì thi THPT quốc gia được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất.

Trong đó nội dung phần Lịch sử thế giới (1945-2000) đã bám sát được nội dung quan trọng và các sự kiện tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế: Chiến tranh lạnh, phong trào giải phóng dân tộc, cách mạng Khoa học – công nghệ, Liên Hợp Quốc,…Trong đó, chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp Quốc đều chiếm 2 câu (10% đề thi). Ngoài ra, đề thi còn đảm bảo tính đầy đủ với một số câu hỏi có nội dung về quốc gia, khu vực: Mĩ, Nhật, Liên Xô. Xét về số lượng câu hỏi của phầnlịch sử thế giới (12 câu) và nội dung bao quát thìđề thi đảm bảo tính khoa học và hợp lí về nội dung, mức độ nhận thức.

Phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 28 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó:

Giai đoạn từ 1919 – 1945: Chiếm 13 câu (32% đề thi) đề cập đến các vấn đề về các đảng phái chính trị, vai trò của Đảng và và các cao trào cách mạng. Giai đoạn này được chú trọng, xoáy sâu vào mức độ hiểu và vận dụng của học sinh.

Giai đoạn 1945 – 1975: Số lượng câu hỏi được tập trung ở giai đoạn 1945 – 1975 chiếm 12 câu (30% đề thi). Nội dung các câu hỏi đề cập đến những vấn đề chủ chốt như: âm mưu của Pháp và Mỹ với các chiến lược chiến tranh: “chiến tranh đặc biệt”,“chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”; chủ trương của Đảng; các chiến dịch quân sự lớn (Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh); ….Đồng thời cũng có sự so sánh giữa các nội dung trong cùng một chủ đề. Đây là giai đoạn trọng tâm với nhiều kiến thức khó, nhiều kiến thức có ảnh hưởng quốc tế lớn. Chính vì thế, các em học sinh trong quá trình học tập và ôn luyện cần nắm vững kiến thức để đạt được điểm cao.

Giai đoạn 1975 – 2000 chiếm 3 câu (7.5 % đề thi) tập trung vào vấn đề đổi mới và thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Nhìn chung, đề thi THPT quốc gia năm 2017 môn Lịch sử được công bố vào sáng ngày 24/6/2017 là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, nhằm phân loại chất lượng học sinh. Tuy nhiên, số lượng các câu hỏi ở mức độ vận dụng chưa nhiều trong đề thi. Vì thế, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm được 7 điểm dễ dàng. (Hiếu Nguyễn ghi)

Cô Phạm Thị Hương Xuân - Giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng): Đề thi Lịch sử có tính phân loại cao.

Nội dung đề nằm trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. So với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi chính thức nhiều câu hỏi khó, mức độ phân loại cao hơn.

Cấu trúc đề hợp lý, đảm bảo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các câu hỏi mang tính phân loại học sinh khá giỏi khá nhiều. Kể cả ở nhưng câu hỏi thông hiểu, nhận biết.

Ví dụ: Câu 19 (mã đề 320)

Trong những năm 1950-1953, “phục vụ kháng chiến” là một trong 3 phương châm được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định trong công cuộc cải cách giáo dục. Nội dung này có trong SGK trang 143. Tuy nhiên nhiều học sinh chỉ nhớ mốc tiếp tục cải cách giáo dục (từ năm 1950), ít nhớ được đủ 3 phương châm “Phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất” để lựa chọn đáp án mặc dù cũng đã có đề minh họa tương tự câu hỏi này.

Một số câu hỏi đòi hỏi tư duy rất cao mới có thể làm được. Nhiều học sinh không hiểu câu hỏi và không chọn được phương án đúng; Đáp án còn khá gần nhau có nhiều cách lý giải hợp lý với từng đáp án.

Ví dụ: - Câu 29 (mã đề 320): Một trong điểm khác biệt giữa phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi với châu Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai;

- Câu 38 (mã đề 320): Nhận xét nào dưới đây về phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam là không đúng?

- Câu hỏi đòi hỏi tư duy, khả năng phân tích như: Câu 25 (mã đề 320), câu 30 (mã đề 320),

câu 40 (mã đề 320)…

Nhìn chung cách ra đề năm nay mới mẻ, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm kiến thức cơ bản mà phải có tư duy Lịch sử, hiểu biết xã hội.

Dự đoán phổ điểm: trải đều, song phổ biến từ 4 - 6 điểm; Những học sinh thực sự nắm chắc kiến thức, có tư duy lịch sử thật tốt, có kỹ năng làm bài thi thành thạo, cẩn trọng mới có thể đạt các mức điểm cao hơn.(Kim Thoa ghi)

Cô Hồ Thị Dung Thủy – Giáo viên Lịch sử trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) – cho biết:

Về nội dung kiến thức của đề thi môn Lịch sử năm nay bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, và nhiều nội dung phù hợp với chương trình mà giáo viên ôn tập cho học sinh. Cấu trúc đề thi rất rõ ràng, không đánh đố và gây khó cho thí sinh. Ở đề này, học sinh nếu nắm kiến thức cơ bản có thể đọc đề và nhanh chóng có đáp án ngay ở những câu đầu.

Đề thi có nhiều tình huống hay, có tính thực tiễn cao, phân loại được học sinh ở những câu cuối. Ở những câu này, học sinh cần nắm chắc kiến thức, có tư duy logic để hoàn thành tốt bài thi.

Những  tình huống đưa ra ở trong các câu nói trên có độ phức tạp nhất định. Do đó, trên cơ sở kiến thức đã nắm vững, các em phải đọc thật kĩ để phân tích được từng vấn đề để có đáp án chính xác nhất.

Việc thi môn Sử theo hình thức trắc nghiệm được học sinh rất thích thú, không bị căng thẳng với môn học này. Với đề thi rõ ràng và kiến thức bám sát chương trình như năm nay sẽ không có nhiều học sinh bị điểm thấp, tuy nhiên để đạt điểm tuyệt đối cho môn Lịch sử cũng không phải dễ dàng. (Ngọc Trang ghi)

Lê Thị Lý, giáo viên trường THPT Trần Văn Quan huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu:

Nội dung bám sát chương trình sách giáo khoa, độ khó và cấu trúc đề thi giống cấu trúc đề minh họa lần 3 của bộ: 20 câu đầu là mức độ nhận biết, từ 20 câu sau là theo độ khó tăng dần.

Với học sinh thi để xét tốt nghiệp thì lấy điểm 5 không quá khó. Đề thi có độ phân loại cao, dạng câu hỏi nghiêng về học thuộc không nhiều mà đòi hỏi học sinh phải hiểu kiến thức mới chọn được đáp án đúng.

Tuy nhiên, phần kiến thức vận dụng để liên hệ thực tiễn ít. Theo cô Lý nhận định, phổ điểm năm nay trung bình khoảng 5 đến 6 điểm. Các em có học lực giỏi có thể đạt điểm 9, nhưng không nhiều. (Thanh Thủy ghi)

Thầy giáo Lê Văn Cường - Trường THPT Cảm Ân (thôn Đoàn Kết, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) : Câu hỏi đề thi môn Lịch sử mang tính chất vận dụng nhiều

Là giáo viên 10 năm giảng dạy môn Lịch sử cho HS, trực tiếp ôn luyện thi tốt nghiệp cho HS lớp 12, tôi rất tâm đắc với cách ra đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT. Bởi lẽ đề ra đảm bảo được yêu cầu đề chuẩn của Bộ, đảm bảo phân loại được học sinh, bao quát được nội dung chương trình học, đủ các giai đoạn lịch sử trong chương trình Sử lớp 12. Vì vậy, với đề này, thí sinh nào học chắc là làm được tương đối.

Tôi cũng đã tham khảo nhanh với một số đồng nghiệp, ai cũng khen cách ra đề hay. So với các đề tham khảo, đề ra khó hơn, câu hỏi mang tính chất vận dụng nhiều. Tuy nhiên, với đề thi không đánh đố học sinh này, bản thân học sinh cũng không thể học vẹt, học tủ. Mức độ khó ở một số câu dùng để phân loại học sinh khá giỏi thực ra tương đối khó. Với học sinh học lực “non” sẽ không thể làm được nếu như quá trình ôn tập không chăm. Với câu phân loại cao, học sinh cần phải tư duy tốt mới làm được bởi lẽ hai đáp án đưa ra gần như là đúng, thí sinh khó phân biệt rạch ròi.

Trường THPT Cảm Ân cũng như nhiều địa phương tỉnh lẻ, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, đa số học sinh chọn thi bài tổ hợp Khoa học Xã hội. Toàn trường chỉ có 9-10 em chọn thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên mà thôi. Do vậy, quá trình dạy học và ôn tập cho học sinh lớp 12 của trường giáo viên thuận lợi hơn nhiều. Cộng với 3 lần Bộ đưa ra đề tham khảo, sau khi cho học sinh làm thử, chấm, rút kinh nghiệm, giáo viên đã tập trung dạy tổng quát, khái quát kiến thức cho các em. Cụ thể, tập trung vào phần lớn lịch sử Việt Nam, ôn chắc các mốc lịch sử, các giai đoạn lịch sử. Việc bao quát chương trình sẽ ôn theo tuần tự tiến trình lịch sử chứ không nặng vào một giai đoạn nào đó, buộc học sinh phải học cả tiến trình lịch sử chứ không học tủ.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, học sinh của trường đạt điểm 6-7 là khá nhiều. Đối tượng đạt điểm 8 cũng có một số em. Tuy nhiên để đạt điểm 9 môn Lịch sử trong kỳ thi năm nay thì rất khó. (Việt Hoa ghi)

Cô Hoàng Thị Lan Hương - Giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - nhận xét về đề thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2017:

Đề thi không quá khó, không đánh đố thí sinh, nếu được ôn luyện tốt, nhiều khả năng học sinh sẽ đạt được điểm cao.

Cấu trúc đề thi theo đúng chuẩn của Bộ GD&ĐT, bố cục rõ ràng, kiến thức toàn diện, bao phủ toàn bộ phạm vi kiến thức trong chương trình học, các giai đoạn, các vấn đề của chương trình Lịch sử lớp 12.

Mức độ đề thi không quá khó, đảm bảo học sinh trung bình có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT dễ dàng.

Đề thi có sự phân hóa dành cho học sinh khá giỏi, học sinh sẽ không học tủ, học lệch mà cần phải có khả năng tư duy, phân tích, khái quát, tổng hợp, so sánh. Thường 4 cuối là câu đòi hỏi vận dụng cao, học sinh phải học rất chắc kiến thức mới có thể trả lời được.

Ví dụ câu 37, mã đề 301, để trả lời được học sinh phải hiểu được tính chất của Cách mạng tháng Tám. Muốn hiểu được tính chất cách mạng tháng Tám phải soi vào tiêu chí của cuộc cách mạng trên, như nhiệm vụ mục tiêu đặt ra, giai cấp lãnh đạo, hình thức thực hiện, kết quả đạt được…

Trong đề thi cũng có câu vận dụng kiến thức thực tiễn. Ở mã đề 301 là câu 38. Câu này đòi hỏi học sinh phải cập nhật thông tin thời sự hàng ngày.

Hình thức thi trắc nghiệm phù hợp với xu thế hiện nay và có một số ưu điểm như: Giảm bớt áp lực, căng thẳng thi cử; học sinh bị điểm kém môn Lich sử sẽ giảm. Với cách thi này, khả năng học sinh sẽ thêm yêu thích môn Lịch sử và chọn môn thi này nhiều hơn. Cũng với cách thi trắc nghiệm, học sinh sẽ được hiểu biết toàn diện, đầy đủ về kiến thức Lịch sử phổ thông, tránh học lệch, học tủ. Hiếu Nguyễn (ghi)

Dựa trên một số mã đề - Tổ Lịch sử – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định về đề thi môn LỊCH SỬ kỳ thi THPT quốc gia 2017: Đề xuất hiện nhiều dạng bài mới; chủ đề quen thuộc; tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực. 

Nhận định chung:

Năm 2017 là năm có nhiều sự biến đổi của kì thi THPT quốc gia nói chung, trong đó đặc biệt có môn Lịch sử. Theo đó, bài thi môn Lịch sử sẽ chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút. Đây có lẽ sẽ là trải nghiệm đầu tiên, khác lạ của lứa học sinh sinh năm 1999.

Về phạm vi và nội dung đề thi:

Đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK Lịch sử 12, các vấn đề và nội dung câu đều không có gì xa lạ với học sinh và bao gồm hai phần Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.

Về độ khó và sự phân bổ kiến thức:

Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi, nội dung của kì thi THPT quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Lịch sử, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch nhưng học sinh sẽ bị áp lực về mặt thời gian. Sự phân bổ số lượng câu hỏi giữa hai mảng Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam cũng vẫn tương tự như các đề hàng năm (28 câu Lịch sử Việt Nam và 12 câu Lịch sử thế giới). Mức độ phân bổ độ khó/dễ cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, các câu còn lại có độ khó tăng dần dùng để phân loại thí sinh.

Đề thi năm nay có sự xuất hiện dạng bài mới là trích dẫn các văn bản lịch sử: Ví dụ câu 7, 10 mã 310, không thấy xuất hiện lại dạng sắp xếp các sự kiện như dạng thức đề minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời các câu hỏi có tính thời sự vẫn có mặt như câu hỏi về xu thế toàn cầu hóa (câu 37 mã 310); vấn đề quan hệ quốc tế trong giai đoạn sau kết thúc chiến tranh lạnh như câu 29 mã 301. Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề không mới.

Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, cách ra đề cũng hạn chế những câu hỏi ở mức học thuộc lòng, góp phần thay đổi dần cách nhìn của xã hội đối với môn Lịch sử. (Kim Phượng tổng hợp)

Thạc sỹ Bùi Thị Phượng - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM):

Sau khi xem xong 3 mã đề, tôi nhận thấy đề Lịch sử so với đề môn Địa lý và Giáo dục công dân có phần khó hơn một chút. Đề này đảm bảo độ phân hóa thí sinh

Ở mã đề 316 cho thấy đề đảm bảo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Từ câu 1 đến câu 24 không quá khó. Những câu sau đó mới bắt đầu tăng dần độ khó. 

Với đề này các em đạt điểm 4-5 điểm là không khó, nhưng để đạt điểm 7 thì phải nắm chắc kiến thức, ôn tập thật kĩ. Và để đạt điểm 8-9 đòi hỏi các em học sinh giỏi, biết liên hệ thực tiễn và đòi hỏi sự nhanh nhẹn trong làm bài.

Lần đầu thi trắc nghiệm nhưng cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của ban đề thi vì các câu hỏi Lịch sử khá ngắn gọn, súc tích. Ở các mã đề độ dễ - khó có sự tương đồng.

Đề nằm trong chương trình lớp 12, bám sát với đề minh họa của Bộ GD&ĐT trước đó, thậm chí là đề hay hơn đề minh họa. Với sự thay đổi về hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, nhưng đề như vậy đã đảm bảo về mặt lượng kiến thức, thời gian để kiểm tra đánh giá HS, vừa phải, không đánh đố các em. (Phan Nga ghi )

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ