Đề thi môn Giáo dục công dân: Đảm bảo chuẩn kiến thức, có tính phân hóa cao

GD&TĐ -Việc đưa Giáo dục công dân vào thi là hợp lí vì đây là bộ môn giúp học sinh có những kiến thức cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống. 

Đề thi môn Giáo dục công dân: Đảm bảo chuẩn kiến thức, có tính phân hóa cao

Cô Trần Thị Kim Phượng - Giáo viên GDCD Trường THPT Bình Lục A, Hà Nam – nhận xét đề thi môn Giáo dục công dân:

Có thể thấy đề thi Giáo dục công dân (GDCD) có các câu hỏi không gây nhiễu, đánh đố học sinh. Đọc đề xong là học sinh làm được ngay. Với đề này, học sinh của trường kiếm điểm 7-8 không quá khó. Thậm chí, tôi cho rằng lượng học sinh đạt điểm 9, thậm chí 9,5 chiếm 15-20%.

Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa. Việc bám sát đề thi tham khảo, đã giúp cho giáo viên GDCD chúng tôi tập trung ôn luyện lý thuyết, cho HS làm bài tập tình huống, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, đặc biệt phải tăng cường dạy bài tập tình huống cho HS. Ngay cả với 4 mức độ, trong đó mức độ thông hiểu, đòi hỏi HS phải nắm chắc kiến thức mới làm được bài. Chính vì được trang bị kỹ kiến thức kỹ năng nên tôi thấy thí sinh không quá khó khi làm bài thi môn GDCD.

Cái hay của đề thi môn GDCD khiến tôi tâm đắc đó là đã đưa được nhiều tình huống thiết thực, mang tính thời sự cao, gắn bó với đời sống thực tế đã và đang diễn ra. Ví dụ, kiến thức thực tiễn là cuộc sống hàng ngày, có tính thời sự, gắn với các quyền công dân như bảo đảm quyền ứng cử, bầu cử của công dân, thời sự biển đảo… Vì thế, HS nắm chắc kiến thức xã hội là làm được bài.  Việt Hoa ghi

Đó là nhận định của cô giáo Đỗ Thị Mây - giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Đề thi Giáo dục công dân tạo cảm hứng cho thí sinh

Đề thi bao trọn kiến thức Giáo dục công dân lớp 12; có chất lượng tốt, độ phân hóa rõ, có nhiều câu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, vừa sức để xét tốt nghiệp cho thí sinh đại trà, vừa đảm bảo độ phân hóa cho các trường có xét tuyển bằng điểm thi môn này.

Nội dung kiến thức phân bố đều trong các chuyên đề, mức độ từ dễ đến khó.

Các câu hỏi trong đề thi đã đưa vào nhiều tình huống thực tế, học sinh không chỉ dùng kiến thức đã học để giải quyết mà có thể căn cứ vào tình hình thực tế đề trả lời câu hỏi.

Đề thi có độ phủ kiến thức trên tất cả các chuyên đề được học, vì vậy học sinh cần học toàn bộ, nắm kiến thức đồng đều để có thể giải quyết những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Về tình huống, hệ thống các bài tập đưa ra theo phân phối chương trình. Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản đã học và vận dụng tốt các phương pháp lập luận chọn đáp án đúng.

Điểm khác biệt lớn nhất của đề thi lần này so với đề thi các môn thi trắc nghiệm những năm trước là các câu hỏi được sắp xếp theo trật tự từ lần lượt từ dễ đến khó ở tất cả các mã đề (đối với môn Ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu nhất theo quy luật trên).

Việc sắp xếp câu hỏi như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh, các em làm bài thi theo tuần tự câu hỏi trong đề mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề thi và tạo cảm hứng cho các em làm trong quá trình làm bài thi; điều này cũng sẽ đánh giá sát thực hơn nữa với năng lực của các thí sinh.

Có thể nói là đề thi khá " dễ chịu" vì rất cơ bản, rất sát với những gì mà các e đã ôn tập! Và tôi tin kết quả của các em sẽ rất tốt! (Hiếu Nguyễn ghi)

Thầy Lê Văn Diên, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục Công Dân, Trường THPT C Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam:

Các mã đề thi có mức độ tương đối đồng đều. Đề có cấu trúc hợp lí, bao quát các nội dung kiến thức, có bố cục rõ ràng thể hiện tính phân hóa cao.

Cấu trúc đề thi môn GDCD kỳ thi THPT quốc gia 2017 bao quát kín và bám sát chương trình GDCD 12;  Đề thi cân đối giữa kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật. Đề có cấu trúc và hình thức tương tự với các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố, phù hợp với chương trình học và ôn tập của thí sinh nên các thí sinh không bị bỡ ngỡ.

Bố cục đề khá rõ ràng, phát huy năng lực của thí sinh, có tính phân loại cao. Cụ thể, 60% nội dung đề (24 câu) ở mức độ nhận biết, thông hiểu; dùng để xét tốt nghiệp THPT. Nội dung này nằm ở ngay phần đầu đề thi, chủ yếu là các câu kiểm tra các kiến thức pháp luật, học sinh chỉ cần nắm vững các khái niệm là trả lời tốt, với đề này các học sinh có học lực trung bình chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì sẽ không khó đạt 5 - 6 điểm.

40% nội dung đề (16 câu) ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Đề thi đã đưa rất nhiều tình huống trong đời sống thực tiễn đã diễn ra để học sinh vận dụng kiến thức đã học và giải quyết. Có thể nói đây là phần khá hay trong đề, các tình huống vừa gần gũi vừa có tính sự kiện đã giúp các em có tâm lý nhẹ nhàng khi làm bài, tuy nhiên có rất nhiều sự kiện pháp lý – hành vi trong tình huống đòi hỏi học sinh phải nắm thật chắc mới có thể xử lý được. Minh Châu (ghi)

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu - giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) – nhận xét:

Năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi nhưng các mã đề có nhiều câu hỏi rất hay, bám sát với thực tiễn cuộc sống. Điều này cho thấy ban ra đề đã rất kĩ lưỡng, chu đáo. Độ khó giữa các đề cũng khá là tương đương. Đề thi mang tính giáo dục cao.

Đi sâu một chút vào mã đề 318, nội dung các câu hỏi sát với chương trình học của các em, cấu bám sát với đề minh họa của Bộ GD&ĐT trước đó. Độ phân hóa rõ ràng. Các câu hỏi đọc là có thể hiểu được ngay, không đánh đố HS. Ở khoảng 4 câu cuối là những câu nâng cao, các em phải nắm chắc kiến thức, biết liên hệ thực tiễn qua các tình huống. Ví dụ như về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân…

Qua quá trình ôn tập cho các em rất kĩ lưỡng thì tôi nghĩ HS sẽ làm tốt. Dù là lần đầu tiên thi nhưng qua trao đổi với HS thấy các em làm bài tốt, khen đề hay. Thời gian làm bài cũng vừa phải, nhiều em còn dư thời gian.

Từ đề thi này, các giáo viên bộ môn cũng sẽ đúc rút kinh nghiệm  cho bản thân để chuẩn bị tốt cho việc dạy học ở bộ môn này trong năm học tới, không chỉ đảm bảo về kiến thức mà đòi hỏi phải đổi mới trong phương pháp, cập nhật nhiều cái mới, đưa ra nhiều tình huống cho các nhóm HS nghiên cứu và thảo luận. (Thảo Nguyên ghi) 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng): Đề thi Giáo dục công dân phù hợp nhận thức của học sinh THPT.

Đề thi huy động toàn bộ nội dung kiến thức cơ bản của 9 bài trong chương trình GDCD 12. Đúng chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản.

Cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức phù hợp với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Cách ra đề phù hợp với nhận thức của học sinh, không đánh đố, lắt léo. Có những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao mang tính thực tế đời sống xã hội.

Đối với câu vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ , tư duy để tránh nhầm lẫn (4 câu)

Giáo viên và học sinh đều rất hào hứng với lần đầu tiên GDCD được chọn làm môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Việc tổ chức thi môn GDCD đòi hỏi học sinh phải tập trung học tập bộ môn một cách nghiêm túc, từ đó học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về luật pháp, về quyền công dân, về nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, học sinh được tiếp nhận những vấn đề cốt lõi về đạo đức, kỹ năng sống, về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước.... những điều rất cơ bản và cần thiết để bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, đạt điểm 10 là rất khó đối với các thí sinh. (Kim Thoa ghi)

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông):  Đề thi môn Giáo dục công dân: Đảm bảo chuẩn kiến thức, có tính phân hóa

Cô Nguyệt cho rằng cấu trúc đề thi năm nay đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, sát với các đề minh họa đã công bố.

Về nội dung kiến thức: Bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, phổ đều tất cả các bài trong chương trình Giáo dục công dân. Ở đề này, 24 câu đầu là nhận biết và thông hiểu, học sinh nếu nắm kiến thức cơ bản có thể đọc đề và nhanh chóng có đáp án ngay. Nếu nắm được kiến thức cơ bản, học sinh hoàn toàn có thể làm bài được 6 - 7 điểm

Đề thi có nhiều tình huống hay, có tính thực tiễn cao. Ví dụ như mã đề 316, từ câu 117 đến 120 là những câu vận dụng với những tình huống rất thực tế trong cuộc sống, cũng là câu có tác dụng phân hóa. Để làm được những câu hỏi này, học sinh ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, cần vận dụng những kiến thức đó trong thực tế mới có đáp án đúng.

Tuy nhiên, những tình huống đưa ra ở trong các câu nói trên có độ phức tạp nhất định, có từ ngữ “đánh lừa” học sinh. Do đó, trên cơ sở kiến thức đã nắm vững, các em phải đọc thật kĩ để phân tích được chuẩn tình huống mới đưa ra chuẩn đáp án.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng chia sẻ thêm: Việc đưa Giáo dục công dân vào thi là hợp lí vì đây là bộ môn giúp học sinh có những kiến thức cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống. Cách thức thi trắc nghiệm cũng là phù hợp, vì có tính phổ quát kiến thức rộng. Một đề thi, ngoài các kiến thức trong chương trình học còn có thể bao quát được rộng rãi các nội dung kiến thức thực tiễn.Hiếu Nguyễn (ghi)

Dựa trên một số mã đề Tổ Giáo dục công dân – Hệ thống giáo dục HOCMAI đã có  nhận  định về đề thi môn  GIÁO DỤC CÔNG DÂN

Đề xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm.

 Nhận định chung:

Năm 2017 là năm đầu tiên đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi THPT quốc gia. Theo đó, bài thi môn Giáo dục công dân thi theo hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút, là một trong ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học xã hội đồng thời cũng là môn thi cuối cùng kết thúc kì thi THPT quốc gia năm nay.

Về phạm vi đề thi:

Đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.

Về độ khó và sự phân bổ kiến thức:

Tương tự như các môn thi khác, học sinh sẽ làm bài thi môn Giáo dục công dân trong 50 phút với 40 câu hỏi. Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, bám sát mục tiêu của kì thi THPT quốc gia là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch. Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi đầu ở mức độ cơ bản thuộc các vấn đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản; pháp luật và đời sống; thực hiện pháp luật…. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt là 4 câu cuối cùng có độ khó hơn hẳn dùng để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Về cơ bản, giữa các mã đề có sự lặp lại các câu hỏi khó nhưng có sự điều chỉnh thứ tự câu hỏi.

Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó”, “lạ”, là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9, 10. Riêng với đặc thù môn Giáo dục công dân, các câu hỏi có tính phân loại thường rơi vào các tình huống thực tiễn, các vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật như các câu 117, 118, 119 và 120 của các mã đề. Các câu hỏi này là các tình huống rất gần gũi, thú vị với các em học sinh: vấn đề hôn nhân gia đình (câu 117, mã đề 303); vấn đề an toàn giao thông (câu 117 mã đề 311); vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội (câu 110 – mã đề 303); vấn đề bầu cử, ứng cử (câu 119 mã 304)…

Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là “phụ” này, đồng thời cho thấy Bộ thực sự đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện. Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Điểm 10 về cơ bản sẽ không nhiều. (Kim Phượng tổng hợp)

Cô Nguyễn Thị Hà Tuyên - Phó Hiệu trưởng, đồng thời giảng dạy Giáo dục công dân Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội):Đề thi Giáo dục công dân phổ đều kiến thức lớp 12

Đề thi Giáo dục công dân có 40 câu, trong đó khoảng 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, hầu hết học sinh có thể làm được, một số câu hỏi không có đáp án nhiễu. 16 câu tiếp theo yêu cầu có vận dụng, nhưng ở mức độ thấp, học sinh cần tư duy thì mới trả lời đúng. 4 câu cuối cùng mức độ vận dụng cao, học sinh đọc kĩ đề và phải hiểu bản chất của vấn đề thì mới chọn đáp án đúng.

Nội dung kiến thức bao quát chương trình pháp luật của lớp 12, phổ đều ở các bài học. Với đề này, học sinh dễ dàng đạt được điểm trung bình, khá.

Đề thi bám sát mẫu đề minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố, đặc biệt là đề minh họa lần 3. Với số lượng câu hỏi trong đề phù hợp với thời gian 50 phút làm bài, thậm chí học sinh tư duy tốt, nhớ được kiến thức, có thể hoàn thành bài sớm.

4 câu cuối (từ câu 117 đến 120), đề đưa ra những tình huống rất sát với thực tế cuộc sống, có tính thời sự. Những tình huống này không có trong sách giáo khoa. Học sinh khi đọc tình huống, phải tái hiện lại được kiến thức, nắm sâu kiến thức và vận dụng kiến thức đó để trả lời câu hỏi.

Nhìn chung, đề thi môn Giáo dục công dân đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng và có một số câu phân hóa để phục vụ xét tuyển vào ĐH, CĐ. 

Hiếu Nguyễn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.