Đưa ra nhận xét cụ thể, ThS Nguyễn Thị Diễm An đưa ra phân tích về tính phân hóa tốt của đề thi minh họa khi có đầy đủ các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
"Đề thi minh họa THPT quốc gia lần 3 môn Ngữ văn mang tính phân hóa cao. Cấu trúc đề thi hay. Phần Đọc hiểu 4 câu tương ứng với bốn mức độ phân hóa rõ ràng.
Đối với học sinh khá, giỏi thì đây sẽ là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng. Nhưng đối với học sinh trung bình - yếu không nắm vững kĩ năng làm bài thì rất khó đạt 5 điểm" - ThS Diễm An lưu ý.
Lưu ý học sinh từ đề thi minh họa, cô Diễm An cho rằng, ở phần Nghị luận xã hội, đề không ra vào những vấn đề nóng mà tập trung vào việc học sinh bày tỏ quan điểm suy nghĩ của mình; vừa đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức và hiểu biết xã hội, vừa biết cách trình bày quan điểm cá nhân.
Phần Nghị luận văn học là hai ý kiến bàn về nhân vật. Học sinh trung bình và yếu cần hết sức lưu ý, nếu không sẽ rất dễ viết lan man xa đề, lạc đề.
"So với kỳ thi năm 2016, đề thi Ngữ văn giảm đi 1/3 thời lượng. Ở phần Nghị luận xã hội, dù đề minh họa yêu cầu viết một đoạn văn ngắn 200 chữ, tuy nhiên, thí sinh vẫn phải viết rất ngắn gọn mà đủ ý, do đó không dễ để viết sáng tạo và đánh giá vấn đề.
Ở phần Nghị luận văn học, đòi hỏi học sinh phải vững kĩ năng làm văn nghị luận theo từng dạng đề và phải thật sự có thời gian để các em chủ động sáng tạo trên tác phẩm của mình.
Nhìn chung, đề minh họa lần này tính phân hóa và yêu cầu kĩ năng rất cao đòi hỏi thí sinh phải chủ động phân bố thới gian hợp lí và tránh lối viết dài dòng lan man" - cô Diễm An lưu ý thêm.