Đề thi minh họa: Đảm bảo yêu cầu phân hóa người học

GD&TĐ - Điểm mới của các đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay được đánh giá là kiến thức được trải rộng ở cả lớp 11, chứ không chỉ riêng lớp 12 như mọi năm.

Đề thi minh họa: Đảm bảo yêu cầu phân hóa người học

Đề Văn hay, có tính phân hóa cao

Đánh giá về đề thi minh họa môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên Trường THPT Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, đề thi đảm bảo được yêu cầu kiểm tra kiến thức của học sinh để tốt nghiệp THPT và có sự phân hóa để sàng lọc thí sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Phần Đọc hiểu không có gì là lắt léo, khó hiểu. Tư liệu, dẫn chứng để làm rõ cho phần Đọc hiểu có liên quan đến phần Làm văn.

Ở phần Đọc hiểu, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm ngay nhưng cũng chiếm một số lượng thời gian bao gồm đọc hiểu và viết trả lời 4 câu hỏi. Phần Làm văn với câu hỏi 2 điểm cũng yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ nữa đã chiếm khoảng 1/3 thời gian làm bài thi.

Trong khi đó, điểm mới và khó ở câu 3 là đề yêu cầu học sinh nêu cảm nhận và so sánh hình tượng Người lái đò vượt thác (Người lái đò sông Đà) và cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù). Đây là hai hình tượng của hai tác phẩm khác nhau nhưng của chung một tác giả, thế nhưng mỗi tác phẩm nằm ở hai lớp 11 và 12. Cảnh cho chữ và hình tượng người lái đò vượt thác là hai phần rất hay trong 2 tác phẩm của Nguyễn Tuân nhưng để tiếp cận và hiểu hết ý học sinh cần nhiều thời gian mới thể hiện hết được.

Với học sinh chuyên về các môn xã hội thì đề thi không quá khó nhưng với học sinh thiên về các môn khoa học tự nhiên thì tương đối khó. Bởi học sinh phải có những đánh giá và nhận định về hai hình tượng trong hai giai đoạn khác nhau để đưa ra nhận xét, bình luận. Đây cũng câu hỏi phân hóa trình độ của học sinh khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Đề thi minh họa có cả chương trình lớp 11 và 12 cũng là yêu cầu học sinh học tập, ôn luyện toàn diện hơn, tránh học tủ, học lệch.

Theo cô Tuyết, đề Văn tương đối dài so với thời gian, vì thế khi ôn luyện, học sinh cần rèn luyện cách làm bài, viết văn ngắn gọn, súc tích, tránh dàn trải. Khi kết nối các ý trong đoạn văn, các em cần biết chuyển ý để sao cho vẫn đề cập đầy đủ ý trong một dung lượng chỉ khoảng 200 chữ.

Học sinh cần liên hệ giữa một tác giả với những tác phẩm đã học trong chương trình THPT, có sự liên hệ các tác phẩm văn học với đời sống thực tiễn phong phú để đạt điểm cao.

Đề thi môn Vật lý cần thêm bài tập vận dụng

Chia sẻ về đề thi minh họa môn Vật lý, TS Bùi Đình Tú - giảng viên Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho biết, về mặt nội dung đề thi nằm trong chương trình Vật lý THPT kiến thức trải rộng từ lớp 11 đến hết lớp 12.

Đề thi gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất câu hỏi trả lời nhanh, chỉ cần học sinh nắm vững các nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa, phần này gồm khoảng 20 câu; Phần thứ 2 các câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức để giải các bài tập.

Về mặt phân bổ các câu (Cơ, Điện, Quang, Vật lý hạt nhân) là tương đối đồng đều. Tuy nhiên đề thi minh họa có thể chưa đạt được sự phân loại giữa học sinh khá và giỏi. Vì mỗi phần nội dung chưa có được câu hỏi ở mức khó để phân loại. Về mặt này nên thay mỗi phần nội dung 1 câu hỏi, 1 bài tập ở mức vận dụng sâu hơn để phân loại.

Về mặt ưu điểm, học sinh có thể hình dung ra được dạng đề thi và những nội dung sẽ được đề cập trong đề thi để định hướng tốt hơn cho học sinh trong quá trình chuẩn bị kỳ thi.

TS Bùi Đình Tú cho biết, đề thi Vật lý cần đề cao khả năng vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết vào bài tập thực tế. Đề thi minh họa không quá dễ với học sinh trung bình và trung bình khá nhưng để phân loại học sinh khá và giỏi có vẻ chưa đạt được.

Thầy Tú đề xuất liên quan đến phần nội dung chưa có được câu hỏi ở mức khó để phân loại. Theo đó, nên thay mỗi phần nội dung (Cơ, Quang, Điện, Hạt nhân) 1 câu hỏi, 1 bài tập ở mức vận dụng sâu hơn để phân loại. Cần có thêm những câu hỏi để phân loại học sinh khi xét tuyển vào đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.