Nghiên cứu đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn, cô Trương Thị Ngọc Hân - giáo viên Ngữ văn trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa phân tích: Phần “Đọc hiểu”, các câu hỏi yêu cầu kiến thức rất cơ bản, không đánh đố hay hỏi hóc búa thí sinh. Ở phần này, các câu hỏi đảm bảo 3 cấp độ nhận thức là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Học sinh chỉ cần đọc kĩ ngữ liệu là có thể "kiếm điểm" và không lo mất điểm ở phần này.
Phần “Làm văn, ở câu hỏi viết đoạn vẫn sử dụng cấu trúc viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ mà học sinh đã được rèn luyện thuần thục trong ba năm học THPT. “Nội dung yêu cầu gần gũi, trọng tâm, bám sát chủ đề của ngữ liệu; đồng thời có khả năng gợi mở những suy nghĩ riêng, mang tính cá nhân độc đáo của từng thí sinh”, giáo viên Ngọc Hân đánh giá.
Bài nghị luận văn học trong phần “Làm văn” này là dạng đề cảm nhận, phân tích nhân vật, rất quen thuộc và truyền thống trong các đề thi, kiểm tra. Học sinh đã được làm quen với dạng đề này từ cấp THCS, vì thế chắc chắn các em sẽ không bỡ ngỡ mà vận dụng tốt kỹ năng đã được học để thực hiện bài.
“Giới hạn của đề chỉ nằm trong một phần trọng tâm của văn bản là Cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài. Điều này phù hợp với mặt bằng chung về mức độ nhận thức của học sinh cả nước nên tất cả các em sẽ dễ viết, dễ lấy điểm. Những học sinh có học lực giỏi, vẫn có nhiều "đất diễn" ở câu hỏi này khi đi sâu phân tích, cảm nhận về nhân vật; đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả; lồng ghép kiến thức lí luận vào bài viết để có thể đạt 9.0 đến 9.5 điểm”, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa đánh giá.
Giáo viên Vũ Thị Dung, THPT Xuân Phương, Hà Nội cũng nhận xét, đề tham khảo thi THPT Quốc gia 2020 môn Ngữ văn đã đảm bảo đúng yêu cầu tinh giản chương trình mà Bộ GDĐT mới công bố. “Nhìn tổng thể, đề tham khảo thể hiện những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng cơ bản mà học sinh đã và sẽ được tiếp nhận. Đề cũng đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá năng lực người học, đảm bảo được mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng”, cô Dung nói.
Về cấu trúc, đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 giống đề thi chính thức năm 2019 nhưng độ khó-dễ có sự điều chỉnh. Đề gồm hai phần: Đọc hiểu (3,0 điểm) và Làm văn (7,0 điểm). Ở phần đọc hiểu có 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Tuy nhiên, nếu đề thi năm 2019 có 01 câu hỏi nhận biết, 02 câu hỏi thông hiểu và 01 câu hỏi vận dụng, thì đề tham khảo năm 2020 lại có 02 câu hỏi nhận biết, 01 câu hỏi thông hiểu và 01 câu hỏi vận dụng. Mức độ yêu cầu đối với học sinh theo đó được giảm nhẹ.
Ở phần “Làm văn”, câu nghị luận xã hội thể hiện rõ sự phân hóa khi đòi hỏi học sinh phải nắm vững kĩ năng viết đoạn văn, bằng trải nghiệm và hiểu biết về đời sống để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận. Câu nghị luận văn, nếu các đề thi năm trước thường yêu cầu nâng cao thì đề tham khảo năm nay dừng lại ở yêu cầu cơ bản cả về kiến thức và kĩ năng, là yêu cầu "cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài" (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài).
“Điểm thú vị của đề tham khảo năm 2020 là ở ngữ liệu Đọc hiểu được lựa chọn có chủ đề về anh hùng. Đề đã "khai thác" được những quan niệm của tác giả Anthony Robbins về người anh hùng trong cuộc đời để đặt các câu hỏi 2,3,4 ở phần Đọc hiểu.
Từ đó, đề "lẩy" ra "ý tưởng" thành câu nghị luận xã hội suy nghĩ về hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Có thể thấy đây là vấn đề rất thời sự và cũng rất giàu ý nghĩa giáo dục”, giáo viên Vũ Thị Dung nói. Theo cô, vấn đề này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến nhận thức và tình cảm của học sinh, để các em hướng tới trân trọng, tôn vinh những con người ngày hôm nay đang trở thành chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19 như những anh hùng.
Nhìn chung đề tham khảo năm 2020 sẽ giúp học sinh bình tĩnh, tự tin học tập và hướng tới một kì thi thành công”, nữ giáo viên nhận xét.