Để tài năng luôn tỏa sáng: Trên hành trình phát triển toàn diện

GD&TĐ - Thông qua các cuộc thi tin học, ngoại ngữ khu vực, quốc tế, học sinh, sinh viên Việt Nam đã gặt hái những thành tích ấn tượng và trau dồi kỹ năng để trưởng thành và phát triển toàn diện hơn.

Ngô Minh Long (bên trái) cùng cô giáo Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Ngô Minh Long (bên trái) cùng cô giáo Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đây cũng là tiền đề để các em tiếp tục phấn đấu và khẳng định bản thân trong thời gian tới.

Cơ hội để thử sức

Tháng 11/2021, Nguyễn Quốc Huy, sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội, giành Huy chương Vàng lĩnh vực Microsoft Word tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới (MOS World Championship).

Trong những năm học cấp ba tại Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), Huy đã say mê các phần mềm tin học văn phòng được dạy theo chương trình Tin học chuẩn đánh giá quốc tế MOS. Năm lớp 10, Huy tham gia cuộc thi Tin học văn phòng quốc gia dành cho lứa tuổi 13 - 22 ở lĩnh vực Microsoft Excel.

Tuy nhiên, em không thể tiến vào vòng chung kết quốc gia. Nhờ nhà trường phát động cùng sự kèm cặp của thầy Đào Hải Tiệp - giáo viên môn Tin học, Huy quyết định quay lại cuộc thi vào đầu năm lớp 12. Nam sinh mong muốn được thử sức và tranh thủ cơ hội học hỏi nhiều hơn về các ứng dụng tin học văn phòng.

Huy bộc bạch: Do dịch bệnh, cuộc thi Tin học thế giới 2020 bị hoãn hơn một năm. Đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với em bởi đang ôn thi cuối cấp. Em buộc phải tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp trước khi toàn tâm chuẩn bị cho vòng chung kết thế giới.

Cuộc thi Tin học văn phòng thế giới được tổ chức lại vào tháng 11/2021, khi Huy đã trở thành sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Thí sinh phải hoàn thành hai phần thi. Phần một là bài thi trắc nghiệm lý thuyết dài 30 phút. Phần hai, kéo dài 3 tiếng, yêu cầu thí sinh hoàn thành dự án thông qua việc trình bày luận điểm, kết luận bằng Word, Excel hoặc PowerPoint. Do dịch Covid-19, đội tuyển Việt Nam thi trực tuyến dưới sự quản lý của đại diện ban tổ chức. Song Huy không cảm thấy áp lực. Trái lại, em tự nhủ làm bài nghiêm túc và giữ bình tĩnh. Kết quả, nam sinh giành Huy chương Vàng ở hạng mục Microsoft Word 2016.

“Ngoài việc trở nên tự tin hơn, cuộc thi đã giúp em trau dồi khả năng tìm hiểu, khám phá, làm quen với các phần mềm tin học văn phòng và phần mềm công nghệ. Từ đó, em nhận ra tiềm năng của công nghệ để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày và là động lực để tiếp tục học hỏi, tìm tòi phát triển bản thân” – Huy cho biết thêm.

Nói về học trò của mình, thầy Đào Hải Tiệp nhận xét: “Quốc Huy là học sinh thông minh, chăm chỉ, luôn nỗ lực vượt qua thử thách do tôi đặt ra. Huy chương Vàng là phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của em. Chứng kiến học sinh yêu thích môn Tin học do mình giảng dạy, tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào và thêm gắn bó với nghề”.

Nguyễn Thị Hà Ngân (giữa) cùng các thí sinh tham gia cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ 2021. Ảnh: NVCC
 Nguyễn Thị Hà Ngân (giữa) cùng các thí sinh tham gia cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ 2021. Ảnh: NVCC

Không ngừng trau dồi kiến thức

Là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Thị Hà Ngân, 20 tuổi, đã giành hạng 2 châu Á, hạng 10 thế giới trong cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ năm 2021. Những năm cấp 3, Ngân theo học lớp chuyên tiếng Trung tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hoà Bình. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm, em đăng ký cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho lứa tuổi học sinh THPT. Nữ sinh là 1 trong 2 đại diện của Việt Nam lọt vào vòng thi quốc tế.

Ngân cho biết ban đầu không dự định tham gia cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ vì cảm thấy bản thân còn nhiều chỗ cần học hỏi. Nhưng nhờ có sự dìu dắt, động viên của các thầy cô trong khoa, Ngân đã quyết tâm trở lại với 100% nỗ lực.

Sau khi giành quán quân cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho sinh viên miền Bắc và Trung, Ngân giành suất tham gia thi thế giới. Với 125 thí sinh tham gia, cuộc thi diễn ra trong một tháng, chia thành 5 vòng đấu để lần lượt lấy tốp 30, 15, 10, 5 và tìm ra quán quân. Ở mỗi vòng thi, ngoài câu hỏi kiến thức chung, thí sinh sẽ quay video giới thiệu bản thân, thuyết trình về một bức tranh ngẫu nhiên và diễn thuyết về chủ đề bất kỳ.

Để tham gia cuộc thi, Ngân luôn cố gắng trau dồi nhiều nhất có thể kiến thức trên nhiều lĩnh vực như văn hoá, địa lý, chính trị… đến kỹ năng diễn thuyết, phản ứng nhanh, giữ bình tĩnh.

“Em vẫn nhớ như in đã phải học thuộc rất nhiều bài luận, câu nói hay trích dẫn hay. Em cũng không quên những lần đứng trước gương luyện tập nét mặt, nụ cười suốt nhiều năm qua để có thể cải thiện những kỹ năng còn yếu kém”, Ngân nói. Thời gian tới, Ngân tiếp tục trau dồi kiến thức để hoàn thành năm học cuối cùng và chuẩn bị cho chương trình nghiên cứu sinh. Được truyền cảm hứng từ các thầy cô, nữ sinh sẽ tích luỹ kinh nghiệm chuẩn bị cho hành trình giảng dạy của mình.

Giành giải Nhất bài thi cá nhân ở trình độ B1 cho đoàn học sinh Việt Nam tại Kỳ thi Olympiad tiếng Pháp 2021, Ngô Minh Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh, chia sẻ: Em vốn yêu thích môn tiếng Pháp và muốn thử điều mới lạ nên đặt quyết tâm cao độ tham gia cuộc thi Olympiad tiếng Pháp. Đối với em, giải thưởng chỉ là một phần, quan trọng hơn là cơ hội giao lưu, tương tác với các bạn học sinh nước ngoài.

Để trau dồi tiếng Pháp, Long thường tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp mỗi ngày, nghe và xem phim bằng tiếng Pháp. Nam sinh cũng dành thời gian tìm hiểu về văn hoá, địa lý và danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại “đất nước của tình yêu”.

“Cuộc thi đã giúp em rèn luyện nhiều kỹ năng bổ ích như làm việc nhóm, vận dụng tiếng Pháp trong giao tiếp, từ đó cải thiện trình độ ngôn ngữ của bản thân. Trước khi tham gia cuộc thi, em không thành thạo công nghệ và tin học nhưng nhờ thầy cô hướng dẫn, em được làm quen với các ứng dụng học tập trực tuyến để tham gia tranh luận với các thí sinh khác và họp trực tuyến trên nền tảng Teemee. Sau hơn một tháng, kiến thức và kỹ năng công nghệ của em đã tiến bộ rất nhiều”, Minh Long chia sẻ.

Một cô giáo từng nói với em rằng, quan trọng là phải chủ động trong kiến thức, quan tâm đến thế giới xung quanh. Do đó, em luôn động viên bản thân và cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn xung quanh hãy cố gắng hết mình để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. - Sinh viên Nguyễn Thị Hà Ngân 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...