Đề phòng lũ quét, lũ ống từ cơn bão số 2

Đề phòng lũ quét, lũ ống từ cơn bão số 2

(GD&TĐ) - Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 2 ngày qua, nhận được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2, Văn phòng đã khẩn trương báo tới chủ phương tiện, thuyền trưởng của gần 8.000 tàu, thuyền đánh cá của ngư dân Thanh Hóa

Tàu, thuyền tránh trú ở cảng Lạch Hới – Sầm Sơn – Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Tàu, thuyền tránh trú ở cảng Lạch Hới - Sầm Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Trước dự báo của cơn bão số 2, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã gửi công điện khẩn đến 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa yêu cầu thông báo cho tất cả các tàu cá, nhất là tàu có công suất từ 90CV trở lên, tàu khai thác bằng nghề lưới rê khơi sát đáy, nghề câu khơi, nghề mành chụp... nắm được diễn biến của cơn bão số 2 để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn cho các tàu đã vào bờ neo đậu, tránh trú ở khu vực an toàn, tránh tình trạng bị va đập khi bão đổ bộ vào đất liền.

Đến 17h ngày 22/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc được với tổng số 6.047/6.067 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn tại các cảng cá, âu thuyền trong tỉnh hoặc đã vào tránh trú bão tại các khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ.

Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 20 phương tiện/80 lao động còn đang hoạt động trên biển. Hiện, tất cả chủ của 20 phương tiện này đã nhận được thông tin về cơn bão, đang chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Cùng với việc phòng, chống cơn bão số 2 tại các địa phương ven biển, công tác phòng chống lũ quét, lũ ống có thể xảy ra cũng được các huyện miền núi ở Thanh Hóa đã và đang triển khai quyết liệt.

Nhiều hộ dân sinh sống ven sông, suối - nơi có nguy cơ sạt lở đất đá cao tại các huyện vùng cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn… đã được di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra.

Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ