Buổi họp tổng kết sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại cả một quá trình công tác |
(GD&TĐ) - Hiện đang là thời điểm các cấp, ngành, địa phương “chạy đua” với thời gian tập trung gấp rút thực hiện nốt những phần việc còn lại, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Dịp cuối năm cũng là lúc các cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc họp tổng kết nhằm đánh giá công tác, hoạt động trong năm mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao của cá nhân, tập thể.
Như vậy, hoạt động tổng kết cuối năm là cần thiết, giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị nhìn nhận lại kết quả công việc đã làm, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Từ đó, có cơ sở đề xuất những phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện các kế hoạch trong năm tới đạt kết quả cao hơn. Tổng kết cuối năm thường gắn liền với việc đánh giá các phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể điển hình tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị.
Lợi ích, tác dụng từ các cuộc họp tổng kết cuối năm là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tổ chức các cuộc họp tổng kết sao cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả là điều cần phải bàn.
Bởi trên thực tế, có không ít cuộc họp tổng kết được tổ chức theo “phong trào”, hình thức, chiếu lệ, chủ yếu chỉ để thông qua các báo cáo, gây lãng phí thời gian. Đó là chưa kể một số cơ quan, đơn vị còn tổ chức các buổi liên hoan, gặp mặt, giao lưu “hậu tổng kết” gây tốn kém không nhỏ về kinh phí.
Để các cuộc họp tổng kết cuối năm thực sự mang lại hiệu quả, chỉ khi việc tổng kết cần được tiến hành nghiêm túc, trang trọng, thực chất trên tinh thần tiết kiệm. Thay vì dành thời gian để đọc và nghe những bản báo cáo dài, tô đậm thành tích, các cuộc họp tổng kết nên đi sâu vào những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ của cơ quan, đơn vị mình.
Điều quan trọng là qua hoạt động tổng kết, phải thẳng thắn nhìn nhận được những ưu điểm, nhược điểm, những kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành.
Từ đó, xác định rõ mục tiêu phấn đấu, những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà cơ quan, đơn vị sẽ thực hiện trong năm sau, nhất là phải đề xuất được những giải pháp đồng bộ để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ ấy.
Trong các cuộc họp tổng kết, việc bình xét, đánh giá thi đua nhất thiết phải được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, không xuê xoa, dễ dãi, qua loa. Việc bình xét các danh hiệu thi đua phải đúng người, đúng việc, góp phần tôn vinh, nhân rộng những cá nhân, tập thể dám nghĩ, dám làm, có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cuộc họp tổng kết cần được tổ chức tiết kiệm, giảm thiểu tối đa những chi phí không thực sự cần thiết như: In lịch, in thiếp chúc mừng tràn lan; tổ chức các cuộc liên hoan sau tổng kết…
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thu nhập và đời sống của người dân cũng như của người lao động có chiều hướng giảm mạnh, việc thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí trong các cuộc họp tổng kết càng cần thiết, có ý nghĩa.
Một mặt, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động ở chính cơ quan, đơn vị mình, mặt khác, có thêm nguồn để bổ sung kinh phí cho các hoạt động phúc lợi xã hội khác.
Bùi Minh Tuấn