Đề Ngữ văn cấu trúc quen thuộc, độ khó 'đúng tâm'

GD&TĐ - Nhiều giáo viên dạy Văn cho rằng đề thi môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc quen thuộc, độ khó rất 'đúng tầm' .

Thí sinh đầu tiên tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) hoàn tất bài thi môn Ngữ văn sáng 7/7 sớm nhất.
Thí sinh đầu tiên tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) hoàn tất bài thi môn Ngữ văn sáng 7/7 sớm nhất.

NGƯT Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay, đáp ứng được những yêu cầu của chuẩn kiến thức và kĩ năng, phù hợp với trình độ học sinh (HS) và có tính phân loại tốt. Các dạng đề bài không xa lạ với HS nhưng vẫn gợi mở và khá thú vị.

NGƯT Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) và các HS.

NGƯT Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) và các HS.

Phần Đọc hiểu bao gồm 4 câu hỏi trong đó có 2 câu hỏi nhận biết, một câu hỏi ở cấp độ thông hiểu và một câu vận dụng, có độ tương thích cao với đề bài tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố trước đây. Các dạng câu hỏi khá quen thuộc, không đánh đố HS nên tôi tin rằng các em dễ dàng đạt được điểm ở phần này. Ngữ liệu được chọn thuộc văn bản nghệ thuật cùng với các câu hỏi khá nhẹ nhàng sẽ tạo được tâm thế thoải mái cho HS khi làm bài.

Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu HS viết đoạn văn ngắn (200 chữ) yêu cầu trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Ngoài dạng thức quen thuộc, đề bài còn khơi gợi tới một vấn đề liên quan tới tuổi trẻ cho nên vừa mang tính giáo dục cao vừa dễ tạo hứng thú với người viết. Tuy nhiên, nếu không xuất phát từ những suy nghĩ chín chắn, nghiêm túc, HS có thể bị sa vào sự sáo rỗng, hay gò ép.

“Câu nghị luận văn học là một đề bài hay. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm có tầm tư tưởng cao, trên thực tế không dễ cảm thụ đối với một số HS. Tuy nhiên, với cách hỏi này, đề bài năm nay đã khơi gợi khá khéo léo để HS có cơ sở trình bày được, chạm được đến thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống mà tác giả gửi gắm.

Tính phân loại của đề khá cao khi yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích (đầu truyện) với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió (cuối truyện) để từ đó rút ra thông điệp của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Để giải quyết được phần này, HS phải thực sự hiểu bài, cảm nhận được một cách sâu sắc ẩn ý của hình tượng chiếc thuyền trong mỗi cảnh huống, từ đó biết xâu chuỗi, tổng hợp lại để khái quát vấn đề. Những học sinh khá giỏi sẽ làm tốt yêu cầu này...” - NGƯT Triệu Thị Huệ nhận định.

Phổ điểm Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây

Năm 2020, đề Ngữ văn được nhận xét "quen thuộc" và phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Học sinh cũng quen thuộc với cấu trúc này nên không bất ngờ, bỡ ngỡ. Năm 2020, điểm trung bình bài thi môn Ngữ văn là 6,62. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, đề Ngữ văn rơi vào tác phẩm "Sóng" và yêu cầu thí sinh cảm nhận về 3 khổ thơ 2, 3, 4 và nhận xét về sự nữ tính của tác giả Xuân Quỳnh. Đề thi được nhận xét phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và học sinh cảm thấy không quá bất ngờ về cấu trúc đề thi năm nay.

Năm 2021, Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước cho thấy có 978,027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6.47 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117,915 (chiếm tỷ lệ 12.06%).

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 diễn ra vào 2 ngày 7-8/7. Theo đó, ngày 7/7, buổi sáng thí sinh thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi Toán. Ngày 8/7, buổi sáng thí sinh thi bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), buổi chiều thi Ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.