Đề nghị nhanh chóng làm rõ “đúng, sai” chuyện kêu gọi từ thiện

GD&TĐ - Các hoạt động kêu gọi vận động từ thiện trong phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt vừa qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ĐBQH đề nghị nhanh chóng làm rõ đúng, sai.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam

Tất cả các tội phạm điều là lực cản cho việc phòng, chống Covid-19

Tham gia và giám sát của cộng đồng trên từng địa bàn dân cư được xem là yếu tố quyết định đến hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy của toàn xã hội. Phải có biện pháp cụ thể, căn cơ trong tình hình cai nghiện ma túy ở cộng đồng, phân rõ trách nhiệm và chế độ đối với những người ở đơn vị giúp người cai nghiện, có chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tạo việc làm, ổn định thu nhập để bảo đảm cuộc sống, giúp người cai nghiện sớm tái hòa nhập.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – đoàn Ninh Thuận nhìn nhận, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế của xã hội.

Liên quan đến đại dịch này, một số tội phạm, vi phạm pháp luật xuất hiện nổi lên như: việc lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin giả gây hoang mang trong dư luận.

Các tội phạm về kinh tế, tham nhũng như: buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh đất nước của chúng ta vừa trải qua một thời gian dài để dồn sức cho việc phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả.

Tất cả các tội phạm điều là lực cản cho việc phòng, chống Covid-19. Trong năm 2021, khi các lực lượng tập trung vào công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn quyết liệt, quyết tâm, có biện pháp hữu hiệu, kiên quyết tấn công, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả các nhóm tội phạm. Đối với tội phạm ma túy, đây là nhóm tội phạm có xu hướng phát triển nhanh ở nước ta trong những năm gần đây.

Theo số liệu báo cáo, toàn quốc đã có khoảng 247.300 người nghiện ma túy có hồ sơ đang quản lý. Phần lớn số này ở ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, số đối tượng có liên quan đến ma túy chắc chắn sẽ còn lớn hơn.

Những đối tượng này đa số ở ngoài xã hội sẽ dẫn đến các tội phạm khác như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp dẫn đến mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bất an trong nhân dân.

Nhóm đối tượng này đang hủy hoại một bộ phận không nhỏ đến giới trẻ, gây bất an cho nhiều gia đình và toàn xã hội, là nguồn gốc phát sinh của tội phạm trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận

“Do vậy, chúng tôi đề nghị các lực lượng công an, biên phòng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn các nguồn cung từ các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh biên giới miền Trung, biên giới phía Nam, tại các cảng và hàng không” - đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề xuất.

Theo đại biểu, cùng với việc chặn đứng nguồn cung, việc tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.

Cần vào cuộc mạnh mẽ

Quan tâm đến vấn đề công tác phòng chống tệ nạn; ĐB Trần Đình Văn (Lâm Đồng) viện dẫn: cả nước hiện nay có 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, thực tế con số này còn nhiều hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc quản lý người nghiện lại càng khó khăn. Người nghiện gây nhiều lo ngại gây mất trật tự an toàn xã hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại cộng đồng. Việc đưa người nghiện vào các trại cai nghiện theo pháp lý trong bối cảnh dịch bệnh không đảm bảo được tính cấp thiết.

Thống kê trong thời gian qua, cả nước vẫn phát hiện nhiều vụ việc buôn bán ma túy, các khách sạn, karaoke tổ chức sử dụng ma túy bất chấp quy định phòng chống dịch bệnh.

Để vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo quyền con người, đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần sớm khảo sát, thống kê, nắm bắt tình hình người nghiện ma túy để kịp thời kiến nghị sớm ban hành cơ chế, pháp lý hành lang chặt chẽ để xử lý phù hợp với tình hình mới.

Đề cập đến tình hình gây rối trật tự công cộng, và chống người thi hành công vụ thời gian qua; đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nêu dẫn chứng, từ báo cáo của Chính phủ, các vụ việc gây rồi trật tự trong năm tăng hơn 18%, các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng 20%.

Đại biểu đặt vấn đề vì sao tỉ lệ lại tăng đột biến như vậy, cần làm rõ có bao nhiêu vụ việc liên quan đến phòng, chống dịch.

Liên quan đến hoạt động nhân đạo, đại biểu đoàn Quảng Nam trao đổi, các hoạt động kêu gọi vận động từ thiện trong phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt vừa qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.

“Các cơ quan cần vào cuộc mạnh mẽ vấn đề này một cách kịp thời hơn để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai” – đại biểu Phan Thái Bình đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ