Đề nghị miễn thuế đất trồng lúa và làm muối

Đề nghị miễn thuế đất trồng lúa và làm muối

Miễn, giảm để thu hút và khuyến khích đầu tư

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn của hộ nông dân, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn theo tinh thần của Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra.

Đề nghị miễn thuế đất trồng lúa và làm muối ảnh 1
Miễn giảm thuế để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thu hút, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn và nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Mặc dù định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua luôn đề cao đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn song đến nay, kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực chậm phát triển, đời sống của nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân đã được thực thi; chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng trong giai đoạn 2003 - 2010 đã mang lại những kết quả tích cực song sản xuất nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; mức sống của nông dân so với các thành phần khác trong xã hội còn thấp; sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới còn yếu. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì việc miễn, giảm thuế chỉ thực hiện đến hết năm 2010.

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện không phải là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn so với các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng không cao.

Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thu hút và khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn và nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tới và đề nghị xem xét, ban hành Nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước mắt có thể áp dụng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì: Thứ nhất, về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Thứ hai, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian dài, bên cạnh việc đưa lại những kết quả tích cực cũng làm nảy sinh những tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất đai như tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương; Thứ ba, cần hạn chế tối đa quy định miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người sử dụng đất đối với Nhà nước, bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của chính sách thuế.

Cụ thể các đối tượng được miễn giảm thuế

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định cụ thể “các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này” bao gồm những đối tượng nào để bảo đảm minh bạch, tránh vận dụng tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật. Đồng thời, đề nghị quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết nội dung “đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp”.

Về đất giao khoán: Điểm b Khoản 1 Điều 1 quy định về “đất giao khoán ổn định của doanh nghiệp”. Mặc dù Nghị quyết số 15/2003/QH11 có quy định về nội dung này. Tuy nhiên, để bảo đảm thuận tiện trong việc thực thi pháp luật, đề nghị quy định rõ “đất giao khoán ổn định của doanh nghiệp” là loại đất nào, của loại hình doanh nghiệp nào.

Về việc xác định đối tượng áp dụng miễn, giảm trong tình hình mới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, các quy định về đối tượng miễn, giảm thuế về cơ bản giữ nguyên như quy định trong Nghị quyết số 15/2003/QH11 hiện hành. Tuy nhiên, đến nay đã qua một quá trình khá dài triển khai áp dụng chính sách (17 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và 7 năm thực hiện theo Nghị quyết số 15), theo đó là những biến động trong quá trình vận hành nền kinh tế, những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị: (1) Rà soát quá trình thực thi việc miễn, giảm; căn cứ vào tình hình mới, đặc biệt là những định hướng trong phát triển kinh tế nông nghiệp được Đảng và Nhà nước xác định để có những điều chỉnh phù hợp. (2) Việc miễn, giảm thuế thực chất là chính sách ưu đãi về thuế; vì vậy, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần có trọng tâm, trọng điểm trong thể chế hóa chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, tập trung vào những lĩnh vực cụ thể, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Theo đó, cần phân loại đối tượng được miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất (đất trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp,…), phân kỳ sử dụng đất (mới đưa vào sử dụng hoặc đã canh tác lâu năm) để có chính sách miễn, giảm thuế phù hợp.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích làm muối và trồng lúa (không phân biệt diện tích trong và ngoài hạn mức) để góp phần giảm bớt khó khăn cho diêm dân và nông dân, nhất là trong điều kiện thu nhập thấp, giá cả biến động bất thường; giữ vững an ninh lương thực quốc gia; phù hợp với chủ trương của Đảng được thể chế hóa tại Nghị quyết số 26/NQ/TW về việc “duy trì diện tích lúa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài”.

Đất nông nghiệp dùng cho nghiên cứu cũng được miễn, giảm thuế

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị miễn toàn bộ số thuế phải nộp đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất thử vì vai trò to lớn của khoa học, kỹ thuật đối với nông nghiệp; các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong quá trình hoạt động hiện nay còn nhiều khó khăn, do đó cần có chính sách động viên, hỗ trợ hợp lý.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với tất cả các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không lớn (chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm), khó có thể bù đắp chi phí hành thu; việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo được tâm lý đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc giảm bớt khó khăn cho nông dân, khuyến khích nông dân yên tâm tham gia sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo động lực mạnh mẽ hơn để thực hiện chính sách “tam nông”.

Có ý kiến đề nghị, đối với những đối tượng thuộc diện miễn thuế theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết (vừa thuộc diện miễn thuế trong hạn mức, vừa thuộc diện được miễn thuế trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp) thì quy định rõ là được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Về mức thuế miễn, giảm đối với từng đối tượng,Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết quy định: Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều này và hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp khác.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc áp dụng mức giảm 50% số thuế phải nộp đối với toàn bộ phần diện tích đất sản xuất vượt hạn mức là chưa bảo đảm công bằng. Do đó, đề nghị quy định theo hướng: giảm 50% số thuế phải nộp đối với phần diện tích vượt hạn mức được giao nhưng không vượt quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp; không giảm thuế (thu 100% số thuế phải nộp) đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21/6/2007 của UBTVQH.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ