Đề nghị lao động nặng nhọc được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn quy định

Đề nghị lao động nặng nhọc được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn quy định

(GD&TĐ)-Theo đó, đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng bổ sung thêm quy định đối với lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc có thể nghỉ hưu sớm và lao động có chuyên môn cao thì có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra hôm nay (23/5), bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Qua đó, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tiền lương và mức lương tối thiểu; về hợp đồng lao động; chính sách đối với lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động và một số vấn đề khác.

Lao động nặng nhọc được nghỉ hưu ở tuổi  thấp hơn quy định (ảnh MH)
Lao động nặng nhọc được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn quy định (ảnh MH)

Thảo luận về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đa số các ý kiến tán thành để như dự thảo Bộ luật là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến khác nhau về quan điểm.

Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến đại biểu từ kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thêm nội dung (tại Điều 189 Bộ luật Lao động sửa đổi) Chính phủ quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo… có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Ngoài ra, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc quy định tuổi nghỉ hưu dựa trên những tính toán để phù hợp với nội dung của Công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), phù hợp với xu hướng già hóa dân số trong từng giai đoạn, mục tiêu cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, cân bằng giữa nhóm lao động và nhóm phụ thuộc…

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị An, phát biểu ý kiến
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Bùi Thị An, phát biểu ý kiến

Đề nghị nên quy định bình đẳng độ tuổi về hưu giữa nam và nữ, chỉ nên ưu tiên cho nữ đối với những vùng miền, nghề nghiệp đặc thù, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm về mặt kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm được tích lũy và sức khỏe ở độ tuổi này, phụ nữ không kém nam giới. Để trở thành một cán bộ lành nghề, người phụ nữ cũng cần nhiều thời gian học tập, lao động phát triển nghề nghiệp như nam giới, vì vậy nếu về hưu sớm sẽ là lãng phí sức lao động.

Không cùng quan điểm này, cũng có ý kiến phát biểu cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ, vì vậy trường hợp lao động nữ muốn về hưu sớm thì phải tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi cho họ.

Hầu hết các ý kiến đại biểu đều đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (đoàn Bắc Ninh) và đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các điều khoản thực hiện quy định trên để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Cụ thể, để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tổ chức, thi hành luật.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ