Sáng 28/5, phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, đánh giá, quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối phân bổ nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Quy hoạch là cần thiết, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc tổ chức bộ máy mới và mở rộng địa giới hành chính.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy chưa có quy định để làm rõ cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch và Hội đồng thẩm định.
Theo đại biểu, trong thủ tục hồ sơ trình phê duyệt, thẩm định lập quy hoạch có một nội dung là kết luận của Hội đồng thẩm định.
Đại biểu đặt vấn đề, nếu quá trình thực hiện, cơ quan lập kế hoạch không hoàn thiện các nội dung kết luận trên thì sẽ giải quyết ra sao, phản hồi thế nào để trình cấp có thẩm quyền nếu có vướng mắc trong thực tiễn...
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc hoàn thiện các cơ quan lập quy hoạch đối với 3 loại quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia thì trình Quốc hội, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ trình Chính phủ, nhưng chưa đề cập đến quy hoạch ngành quốc gia.
Bà nhận định, dự thảo luật có quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch đối với quy hoạch ngành quốc gia do Thủ tướng quy định. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý nội dung đồng bộ phù hợp trong quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định với các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt quyết định các quy hoạch này.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu, thực tế thời gian qua, có tình trạng địa phương xin ý kiến các bộ, ngành chủ quản liên quan về điều chỉnh quy hoạch cấp huyện nhưng để chuẩn bị trình HĐND tỉnh phải mất ít nhất 3 tháng mới thực hiện được.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu theo hướng chỉnh lý lại quy định thành: Các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ gửi xin ý kiến.
Nếu quá thời hạn trên, các cơ quan không trả lời thì xem như đồng ý.