Đổi mới PPDH theo hướng thay đổi vai trò của giáo viên
Theo ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) môn Toán cấp THPT trên địa bàn khó khăn như tỉnh Kon Tum không nằm ngoài những định hướng, tổng quát về đổi mới PPDH các môn học thuộc chương trình giáo dục THPT.
Ngoài ra, do đặc thù bộ môn và để phù hợp với đối tượng học sinh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) triển khai hàng loạt các giải pháp đổi mới PPDH.
Theo đó, cùng với việc quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành nhận thức đúng đắn về đổi mới PPDH, nhấn mạnh cải tiến các PPDH truyền thống trong các đợt tập huấn bồi dưỡng giáo viên về đổi mới PPDH hàng năm, Sở GD&ĐT đặc biệt chú trọng đổi mới PPDH môn Toán theo hướng thay đổi vai trò của giáo viên từ hoạt động dạy làm trung tâm đến cách tiếp cận hoạt động học làm trung tâm để tạo ra môi trường học tập tích cực.
Ông Nguyễn Hóa chia sẻ: Ở môn Toán, đã thay đổi tư duy truyền đạt kiến thức một chiều, áp đặt, học các dạng toán luyện thi, sa đà vào các dạng toán mẹo mực, lắt léo.
Khi dạy các kiến thức mới, khái niệm mới người thầy có hoạt động dẫn dắt để học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo viên giao, thảo luận, trao đổi, phát hiện ra kiến thức mới dưới dạng cụ thể để từ đó khái quát hóa lên.
Đặc biệt, một số giáo viên đã tổ chức hoạt động học tập của học sinh theo PPDH theo dự án, ở đây học sinh lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn - dự án, kết thúc dự án sẽ cho ra sản phẩm cụ thể.
Việc đổi mới PPDH đã giúp học sinh tiếp nhận kiến thức và phát triển các kỹ năng, trở thành chủ thể mọi mặt hoạt động và là mục đích hướng tới của việc học tập. Đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số, các em tiếp thu các kiến thức Toán học nhanh, dễ dàng, năng động hơn, tham gia tự giác và bình đẳng vào quá trình học tập.
Tăng cường tính thực tiễn trong dạy Toán
Việc tăng cường tính thực tiễn trong dạy học Toán đã được nhiều nước tiên tiến như Pháp, Mỹ thực hiện từ lâu. Các kỳ thi Olympia Toán học dành cho học sinh phổ thông cũng theo định hướng này, đề thi không quá lắt léo nhưng yêu cầu học sinh phải biết vận dụng những kiến thức thực tiễn để giải quyết.
Với quan điểm này, Phó Giám đốc Nguyễn Hóa khẳng định: Theo xu thế hội nhập, tăng cường tính thực tiễn trong dạy Toán là tất yếu.
Sở GD&ĐT Kon Tum đã có những chỉ đạo trong phương pháp giảng dạy thông qua cuộc thi kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp, cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning”. Áp dụng kiến thức Toán vào giải quyết các bài toán thực tiễn thông qua cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay trong các năm học qua.
Đặc biệt, đối với học sinh dân tộc thiểu số, khả năng học Toán, đặc biệt khả năng nhận biết và tư duy về khái niệm Toán học của các em còn rất nhiều hạn chế.
Để thực hiện tốt việc đổi mới PPDH môn Toán cho học sinh dân tộc thiểu số, ngay từ đầu năm học các trường phổ thông DTNT tiến hành khảo sát môn Toán để có cơ sở xếp lớp, phân loại đối tượng.
Trên cơ sở này, các trường phân công giáo viên dạy Toán cho phù hợp. Cùng với đó, tiến hành biên soạn nội dung dạy học chính khóa, phụ đạo, bồi dưỡng ở từng lớp và từng khối lớp một cách cụ thể; thực hiện tốt việc hướng dẫn học sinh tự học vào ban đêm (các trường phổ thông DTNT có phân công giáo viên trực và hướng dẫn học sinh tự học).
Phát huy vai trò “đồ dùng dạy học thông minh”
Ông Nguyễn Hóa cho rằng, việc sử dụng đầy đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học được trang bị, tăng cường công tác làm và sử dụng đồ dùng dạy học có vai trò quan trọng trong đổi mới PPDH môn Toán.
Theo đó, giáo viên tăng cường sử dụng các hình ảnh trực quan, đồ dùng trực quan, hình ảnh liên hệ thực tế vào giảng dạy. Học sinh chủ động trong việc tìm tòi, xây dựng kiến thức, chủ động trong việc hệ thống hóa kiến thức dưới sự dẫn dắt của giáo viên thông qua hệ thống câu hỏi mở, câu hỏi mang tính tư duy.
Việc sử dụng bản đồ tư duy vào giảng dạy và học tập được coi là phương pháp hiệu quả để tăng cường khả năng tư duy, khả năng ghi nhớ và vận dụng kiến thức, khả năng sáng tạo cho học sinh; ứng dụng Toán học vào thực tiễn cũng như liên kết Toán với các môn học khác cũng được chú trọng.
Đặc biệt, giáo viên sử dụng công nghệ thông tin như một “đồ dùng dạy học thông minh” để hỗ trợ hợp lý cho từng bài dạy hoặc có thể thông qua bài giảng E-learning để học sinh học tập trực tuyến...
“Một số học sinh khá, giỏi của tỉnh được giáo viên hướng dẫn để tiếp cận với một số phần mềm Toán học hỗ trợ cho việc học như: Graph, Sketchpad, Geogebra, Yenka…; hoặc một số trang web hỗ trợ cho việc học môn Toán.
Một số học sinh cũng bước đầu đã tiếp cận việc học Toán bằng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế. Ngoài ra, học sinh còn được khuyến khích tham gia các cuộc thi giải Toán qua internet như: Violympic Toán, Violympic Toán Tiếng Anh các cấp” - ông Nguyễn Hóa cho biết thêm.
Đổi mới PPDH gắn liền đổi mới kiểm tra, đánh giá
Tại Kon Tum, hoạt động đổi mới PPDH môn Toán còn gắn liền với đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn và đổi mới PPDH theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá.
Ông Nguyễn Hóa cho rằng: Kiểm tra đánh giá phải đồng bộ với đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đổi mới PPDH Toán. Giáo viên Toán phổ thông được tập huấn trong đánh giá định lượng, đó là ra đề kiểm tra theo ma trận; được tập huấn khá kỹ về cách thiết lập ma trận đề nhận thức, từ đó xây dựng ma trận đề và bảng mô tả câu hỏi.
Kon Tum cũng bước đầu đưa các dạng Toán đánh giá PISA vào các bài kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ để học sinh tiếp cận; sử dụng đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá mang tính thực tiễn và sáng tạo.
Điều này, một mặt nâng cao chất lượng các bài kiểm tra trên giấy nhằm đánh giá mức độ nắm vững và vận dụng kiến thức; kỹ năng trình bày, diễn đạt, lập luận logic, kỹ năng giải quyết vấn đề… của học sinh.
Mặt khác, tăng cường các hình thức kiểm tra nhằm đánh giá những kỹ năng như trình bày vấn đề trước đám đông, xử lý tình huống, kỹ năng hợp tác, độc lập sáng tạo, kỹ năng xử lý thông tin… nhằm thúc đẩy sử dụng các PPDH tích cực.
Kiểm tra, đánh giá linh hoạt theo hướng “mở” cũng được Sở này tăng cường nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh.