Để môn tạo hình luôn hấp dẫn đối với trẻ

GD&TĐ - “Môn tạo hình luôn hấp dẫn đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, giúp trẻ phản ánh thế giới xung quanh một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo”.

Để môn tạo hình luôn hấp dẫn đối với trẻ

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Nam – Giáo viên Trường Mầm non Hạ Long (Quảng Ninh). Cô Nam là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và vinh dự là một trong số ít giáo viên của Quảng Ninh được tham dự “Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014”.

Giáo viên là người hướng lái cho trẻ 

Hoạt động tạo hình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho trẻ. Vì vậy việc giúp trẻ đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động này là một việc làm vô cùng cần thiết.

Theo kinh nghiệm của cô Nam, giáo viên cần biết dựa vào đặc điểm tâm, sinh lý và đặc điểm nhận thức môn học của trẻ đó là: trẻ ham mê hoạt động tạo hình, song niềm ham mê đó mới chỉ là cảm hứng ban đầu nếu như không được sự hướng dẫn của cô giáo thì sản phẩm của trẻ tạo ra sẽ không được như mong muốn hoặc có thể sai lệch về chủ đề.

Vì ở lứa tuổi này chưa xác định được mục tiêu và phương hướng hành động một cách chính xác, trẻ có thể hành động một cách ngẫu nhiên theo sự cảm tính và sự hứng thú. Vì vậy trong giờ tạo hình cô giáo là người hướng lái cho trẻ tham gia”.

Cô Nam dẫn giải, ví dụ ở chủ đề thế giới động vật với đề tài bài học là nặn theo ý thích. Để gây hứng thú cho trẻ và giúp trẻ có thêm kiến thức về các con vật cô giáo có thể cho trẻ hát và vận động theo bài hát “Đố bạn” hoặc bài đồng dao về các con vật; sau đó mới để cho trẻ nêu lên ý định của trẻ bằng câu nói: Con đang học chủ đề gì? Với chủ đề này con sẽ nặn con gì? Cô có thể nêu gợi ý cho trẻ nói về đề tài của trẻ. Tuy nhiên vẫn còn có những trẻ cần đến sự gợi ý hướng dẫn của cô.

Chẳng hạn như: Cô gợi ý bằng cách sử dụng sa bàn và kể một đoạn truyện… Từ đó giúp trẻ sẽ tạo nhiều sản phẩm mang lại cho trẻ những cảm xúc thật. 

Bởi việc tạo cảm xúc cho trẻ là rất quan trọng, khi trẻ đã có những cảm xúc thật sự về đối tượng thì trẻ sẽ say mê học tập và thực hiện theo cảm xúc của mình.

“Có thể nói, khi đã hiểu và nắm được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau để gây hứng thú, tạo cảm xúc kích thích trẻ sáng tạo, hứng thú và tập trung khi tạo sản phẩm.

Do đó giáo viên cần thay đổi cách vào bài phù hợp với từng đề tài, gây hứng thú ngay từ đầu giờ cho trẻ. Ngoài ra có thể lồng ghép thích hợp các môn học khác vào bài. 

Chẳng hạn như: Có thể dùng câu đố, đọc thơ, đồng dao, kể chuyện hay hát cho trẻ nghe hoặc dùng búp bê, con rối…. Mục đích là nhằm tạo cho các học trẻ nên sôi nổi, trẻ cảm thấy hứng thú thật sự”- cô Nam trao đổi.

Hình thành biểu tượng tạo hình cho trẻ

Tạo hình là một trong những môn học chính của trẻ ở trường mầm non. Vì vậy nếu giáo viên biết cách tổ chức một cách khoa học và sử dụng các biện pháp một cách hợp lý thì hiệu quả sẽ được nâng lên.

Cũng theo cô Nam, tạo cảm xúc cho trẻ là bước đầu cho trẻ tiếp nhận đối tượng tạo hình. 

Song về hình thức và nội dung, có thể trẻ chưa có những biểu tượng cụ thể và chính xác về đối tượng. 

Nếu không có những biểu tượng chính xác đó thì sẽ làm hạn chế tính tích cực và sáng tạo của trẻ, trẻ không có sự chủ động mà trẻ tạo hình bằng cách rập khuôn theo mẫu của cô.

Vì vậy việc tích lũy các biểu tượng cần phải thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi và thông qua các hoạt động như: hoạt động ngoài trời, hoạt động vui chơi, hoạt động dạo chơi tham quan. Giáo viên nên tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc với đối tượng ở bất kỳ thời điểm nào.

Ví dụ: Ở chủ đề “thế giới thực vật” với đề tài “Vẽ vườn cây ăn quả”. Đây là loại thực vật thuộc thể loại đề tài, trẻ chủ động sáng tạo và ra được bức tranh về “vẽ vườn cây ăn quả” theo trí tưởng tượng và tư duy của trẻ. Cô giáo có thể cho trẻ đi tham quan vườn cây ăn quả.

Khi cho trẻ quan sát, cô đưa hệ thống câu hỏi về vườn cây ăn quả nhằm giúp trẻ có biểu tượng về vườn cây đó như: về hàng cây, loài cây, đặc điểm của cây v.v...

Say khi đã có những biểu tượng chính xác một cách có hệ thống về đối tượng trẻ sẽ về và tạo ra được sản phẩm đúng với đề tài.

“Cô giáo nên khuyến khích cho trẻ tự tạo ra bức tranh theo trí tưởng tượng và cách suy nghĩ của mình. Song muốn cho bức tranh sinh động hơn, đẹp hơn thì giáo viên nên gợi ý sáng tạo thêm và cũng nên hướng dẫn, gợi ý thêm cho trẻ” - Cô Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ