Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích.
Kỹ năng đọc sách
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Tri thức tăng trưởng nhiều hay ít, nhanh hay chậm không hẳn nằm ở chỗ ta đọc nhiều hay ít. Đã có ai đó nói rằng, người suốt đời chỉ đọc có một cuốn sách cũng đáng nể không kém người đọc vạn cuốn sách. Sao vậy? Cuốn sách mà người đó đọc suốt đời phải là một cái gì đó ghê gớm, sâu thẳm khôn cùng nên người đọc thu hoạch gặt hái mãi mà không hết, càng đọc càng ham mê, càng muốn đọc thêm, đọc nữa, đọc rồi thể nghiệm áp dụng vào đời sống, chiêm nghiệm đúc rút rồi lại đọc.
Người đọc nó hẳn cũng phải là người muốn tìm hiểu điều gì đó thì tìm đến nơi đến chốn, biết đam mê lâu dài, thâm nhập kiến thức tới chỗ tột cùng uyên áo. Nếu đó là cuốn sách mà vì lý do không hiểu được mà người đọc phải đọc cả đời thì đó là điều hiếm có, vì đã không hiểu, đọc mãi không hiểu thì không thể có đam mê lâu dài. Dĩ nhiên, việc tôn sùng kẻ cả đời chỉ đọc một cuốn sách là một ý nghĩ cực đoan, khó có trong thực tế, nhưng câu chuyện có nhiều hàm nghĩa lý thú!”.
PGS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thêm, ông có một người bạn hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà tránh dịch hỏi mượn và sưu tầm mấy chục cuốn sách về cổ học để đọc trong vài tuần. Thấy bạn khoe mỗi ngày có thể đọc ba bốn cuốn, ông mừng cho văn hóa đọc vẫn còn ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội, nhất là giới học thuật. Mừng vì các doanh nhân cũng ham đọc và ngày càng có nhiều doanh nhân trí thức. Duy trì được văn hóa đọc sách đã là quý, nhưng đọc sách một cách có văn hóa thì còn là vấn đề cần trao đổi thêm nữa.
Nhân việc này, ông nhớ lại một status đã ngẫu thư từ năm 2014, chạy chuyến xe bán tải lên đây cho đỡ buồn ngày dịch: Đọc những cuốn sách do những bộ óc lớn viết ra, nếu thấu triệt được, người đọc sẽ nhanh chóng lớn lên cùng với những tri thức trong cuốn sách đó. Đọc những cuốn sách thuộc loại “dưa rau cà muống”, thì đọc nhiều chỉ thêm rối rắm, không những ít có ích lợi mà người đọc còn dễ bị nhiễm thói quen suy nghĩ nông cạn dễ dãi. Dĩ nhiên, đọc được nhiều sách tốt thì lý tưởng nhất. Trong thực tế, làm thế nào để biết sách nào tốt, sách nào không? Phải tự suy ngẫm và đánh giá thôi, cần tự biết lựa chọn, đọc một cách có hệ thống và suy ngẫm trên cơ sở các đánh giá của người khác và phán xét của bản thân. Sự hỗ trợ của thầy, của bạn, của đồng nghiệp hết sức quan trọng.
Câu chuyện của PGS Nguyễn Kim Sơn cũng nhằm gửi thông điệp đến bạn hữu và những ai yêu quý sách và văn hóa đọc: Sách hay thường là khó đọc, khó nắm bắt. Nhưng sách khó đọc không đương nhiên là sách hay. Muốn cho sách khó trở thành không khó đọc, cần hiểu mạch lạc, nắm cái toàn thể, cái gốc rễ. Rất nhiều người đọc sách không thèm đọc lời mở đầu, lời giới thiệu, không lướt qua cấu trúc tổng thể mà lao vào đọc từng phần chi tiết ngay, lối ấy đương nhiên không phải là phép đọc tốt.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, sự tìm kiếm tri thức khá dễ dàng, người biết đọc sách cần chú ý tới việc thu nhận tư tưởng, học tập phương pháp, cách tư duy của người viết, tìm xem đâu là cái quán xuyến của cuốn sách, triết lý sâu xa của nó hơn là chú ý ghi nhớ tiểu tiết, sự kiện, vấn đề. Đọc sách phải dần hình thành nên tầm nhìn mới từ các tri thức có được. Đọc một cuốn sách, theo kinh nghiệm cổ nhân, cần phải “hư tâm”, tức không định hình trước một thành kiến, một thiên kiến có sẵn nào thì cái mới mới có thể vào. Một cái thùng đã đầy thì không thể đổ thêm mảy may. Chỉ có khoảng rỗng mới chứa thêm được cái mới. Kỹ năng đọc sách chỉ có thể hình thành trong chính quá trình đọc sách.
Francis Bacon - triết gia người Anh có câu nói: “Đọc sách làm cho con người đầy đủ, luận đàm tạo thành con người sẵn sàng và viết lách tạo thành con người đúng đắn”. Thời nào cũng vậy, đọc sách đã và đang làm cho con người ta trở nên hoàn thiện hơn về mọi mặt từ tri thức đến nhân cách. Tất nhiên để đọc và cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của một cuốn sách là điều khó với nhiều người. Tuy nhiên, điều đầu tiên mà mỗi người cần có là hãy hình thành một thói quen đọc. Chỉ khi có thói quen đọc, cùng với lòng yêu sách sẽ giúp ta tiệm cận và lĩnh hội tri thức mới, đọc nhiều mới cảm nhận được cái hay, dở của mỗi cuốn sách để mà chọn lựa đọc.
Lan tỏa văn hóa đọc, khó không?
Thư viện Hồng Châu của nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện ở xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) mở cửa với sự trợ giúp của anh em đồng đạo trong làng báo và làng văn. Thư viện được lập ra hoàn toàn miễn phí cho bạn đọc, với mục đích lan tỏa tình yêu sách, dứt được các cháu nhỏ ra khỏi sự lệ thuộc vào smartphone, mạng xã hội và những trò chơi điện tử vô bổ... Đến nay số đầu sách mà Thư viện Hồng Châu có được là chục nghìn cuốn thuộc nhiều lĩnh vực, thể loại, trong đó có nhiều tư liệu thuộc loại quý hiếm.
Đó đều là những quà của bạn bè gần xa từ Nam chí Bắc, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học và cả một số nhà xuất bản, nhà in... gửi tặng. Trong đó có những bản thảo sách quý hiếm, một số tài liệu về chủ quyền biển đảo. Đặc biệt là tấm bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” do Giám mục Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Đây là một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ 19, là một trong những bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Có nhà thơ, nhà văn ở Hà Nội còn tin yêu Thiện mà gửi gắm “sau này khi ông mất đi sẽ hiến tặng Thư viện Hồng Châu toàn bộ tác phẩm và tủ sách gia đình”… Tất cả những cuốn sách, tài liệu ở thư viện đều đang được đông đảo bạn đọc mượn, nghiên cứu, đông nhất là các bạn học sinh địa phương, rồi cả những bác nông dân và giáo viên, sinh viên khu vực lân cận cũng tìm đến.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm (Hưng Yên) chia sẻ: “Thư viện Hồng Châu với sự phong phú của các đầu sách tham khảo đã giúp chúng tôi rất nhiều trong hoạt động chuyên môn. Tôi và các thầy cô giáo trong trường cùng nhiều đồng nghiệp khác đã đến mượn sách. Thật vui là tinh thần lan tỏa văn hóa đọc của Thư viện Hồng Châu không chỉ đến với các thầy cô giáo mà còn đến với đông đảo học sinh, nhiều em đã biết đến đọc sách để khai thác những thông tin liên quan đến bài học.
Tôi cho rằng, ở những vùng quê nghèo, nếu có nhiều những Thư viện Hồng Châu chắc chắn sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc tốt hơn. Thực tế dạy học trên lớp tôi thấy, không hẳn là học sinh chểnh mảng với việc đọc, mà nguyên nhân là do thư viện trường học còn quá sơ sài, không có nhiều đầu sách hấp dẫn. Đơn giản như sách tham khảo cho các môn học Địa lý hay Lịch sử, Văn học, đều thiếu và ít. Nhưng đến Thư viện Hồng Châu chúng tôi thấy có đủ các thể loại sách. Nhìn những bạn học sinh từ nhỏ đến lớn tuổi chăm chỉ tới đọc sách thời gian qua, danh sách người mượn cũng dài thêm lên. Có lẽ đây là câu trả lời chính xác nhất là làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc”.
Văn hóa đọc nói thì cao xa, nhưng thực ra cũng chỉ là tạo thành thói quen đọc sách hàng ngày của mỗi người. Cứ suy từ Thư viện Hồng Châu của nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện. Đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng Thiện và những người bạn đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc đi nhiều nơi, đã tặng sách cho nhiều trường học, triển khai những hoạt động khuyến học, khuyến đọc tới nhiều địa phương, tỉnh, thành khác… Mô hình tạo dựng văn hóa đọc cho người dân quê hương từ Thư viện Hồng Châu của Khúc Hồng Thiện cũng đã khiến những người bạn thân thiết của anh ở nhiều nơi khác nảy ý làm tủ sách, thư viện để góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Khi nhận được những tin nhắn, email gửi về Thiện xin sách cho những thư viện mới mở, Thiện luôn sẵn lòng chia sẻ ngay những đầu sách cho các thư viện bạn. Thiện luôn tâm niệm rằng: Sách là một thế giới rộng lớn mà mỗi trang sách, mỗi bước chân đi lại mở ra một chân trời mới. Thế giới ấy có thể là tri thức hay những tấm lòng và nhân cách cao đẹp. Mong rằng mọi người hay ham thích nhiều hơn với việc đọc sách, để sách - túi khôn của nhân loại, sẽ giúp mở ra cánh cửa tri thức cho mọi người.
Đọc sách là một trong những phương thức tự học hiệu quả nhất mà Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã thúc đẩy trong nhiều năm nay, đặc biệt là đọc sách điện tử và tối ưu hóa nguồn tài nguyên giáo dục mở trong bối cảnh toàn xã hội đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 như hiện nay. Để giúp mọi người thuận lợi cho việc đọc sách, các thầy cô và các anh chị, kho lưu trữ lớn nhất, với hàng triệu đầu sách nhiều thứ ngôn ngữ và nhiều hình thức, có thể mượn đọc trực tuyến, hoặc đăng ký để free download về đọc trên máy tính cá nhân qua Thư viện Khẩn cấp quốc gia (National Emergency Library).
Các thầy cô, phụ huynh và học sinh hãy tranh thủ tìm kiếm sâu, đọc và tải về, đối với tất cả các tài nguyên quan trọng phục vụ cho học tập, nghiên cứu và công việc của chúng ta, trong đó có nhiều cuốn sách ngày thường trên Amazon có giá rất đắt đỏ tới hàng nghìn USD/cuốn, không dễ mua được. - Chuyên viên Tống Liên Anh, Vụ Giáo dục Thường xuyên - Bộ GD&ĐT