Sau 150 phút, hơn 310 thí sinh đã kết thúc bài thi môn Toán và Ngữ văn vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Hầu hết các thí sinh sau khi kết thúc buổi thi đầu tiên vào trường chuyên đều đánh giá đề thi khó. Nhiều em thậm chí bật khóc ngay sau khi rời phòng thi.
Thí sinh bật khóc vì không hoàn thành tốt bài thi. |
Thí sinh Vũ Trọng Nam (học sinh Trường THCS Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh), cho biết, đề thi Toán vào trường chuyên năm nay khó hơn mọi năm. "Câu 5 và câu 6 về bất đẳng thức và tổ hợp em không kịp làm và nếu có làm chưa chắc đã giải được. Em thấy đây là 2 câu khó mang tính giao lưu đề giữa các tỉnh với nhau. Vì vậy em tập trung làm chắc và lấy điểm những câu còn lại", Nam chia sẻ.
Đề thi môn Toán lớp 10 THPT chuyên Hà Tĩnh. |
Thí sinh Gia Như (Trường THCS Bắc Hồng) cho biết: "Em thấy câu 2 về phương trình dễ hơn những năm trước, những câu còn lại thì khó hơn. Nhất là câu 6, phần lớn các bạn trong phòng thi em đều bỏ dở".
Rời phòng thi với tâm trạng không vui, em Khánh Huyền cho biết: “Em rất buồn. Đề năm nay khá là khó. Em cũng mất thời gian khá nhiều ở câu 2 về hệ phương trình. Em chỉ làm được khoảng một nửa".
Nhận xét về đề thi môn Toán, cô giáo Phương Thảo (GV Toán - Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà) cho rằng cấu trúc đề thi theo mô típ quen thuộc, không quá lạ nhưng lại ở mức độ tư duy nâng cao. Nhiều câu tương đối khó như câu 4c, câu 5 và câu 6. Những câu này, nhiều học sinh bỏ để dành thời gian hoàn thành các câu khác.
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc thi môn chuyên. |
Trong khi đó, ở môn Ngữ văn dù đánh giá đề thi hay, thú vị nhưng nhiều thí sinh cũng cho rằng đề thi khó. Theo đó, đề thi Ngữ văn vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh có 2 câu, câu 1 nghị luận xã hội (4 điểm) về lòng bao dung và sự khác biệt của mỗi người. Câu 2 nghị luận văn học (6 điểm) trình bày suy nghĩ của thí sinh về ý kiến trong đoạn trích của bài thơ "Nghĩ về thơ" của tác giả Vương Trọng.
Đề thi môn Ngữ văn lớp 10 THPT chuyên Hà Tĩnh. |
Chia sẻ về bài làm, thí sinh Mai Trang (Trường THCS Sơn Kim, huyện Hương Sơn) cho biết: "Dù đã đoán trước đề thi vào chuyên sẽ khó nhưng em vẫn hơi ngợp. Em đã cố gắng tận dụng tối đa 150 phút để hoàn thành bài thi song vẫn chưa được ưng ý".
Cô Tú Oanh - giáo viên dạy Văn Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (huyện Đức Thọ) đánh giá, đề bám sát yêu cầu của việc tuyển sinh vào lớp chuyên, không có thay đổi về cấu trúc. Yêu cầu phần nghị luận xã hội đề cập đến một vấn đề được quan tâm hiện nay: biết chấp nhận sai sót và ủng hộ sự khác biệt của người khác. "Còn về phần nghị luận văn học có nhiều ngữ liệu, thí sinh cần phải có nền văn học vững vàng, vận dụng vào thực tiễn. Tin là các em có năng khiếu nổi bật sẽ có đất để thể hiện quan điểm của bản thân", cô Tú Oanh chia sẻ.
Chiều nay, các thí sinh sẽ bước vào thi các môn chuyên còn lại. |
Cùng chung nhận định trên, cô giáo Võ Ngọc Hà (GV dạy Ngữ văn - Trường Albert Einstein, TP Hà Tĩnh) nhận xét: Câu nghị luận xã hội đặt ra một vấn đề rất nhân văn và thời sự đó là ứng xử trước sai lầm, lỗi lầm của người khác và ứng xử với sự khác biệt ở người khác. Một điều mà những người trẻ tuổi vốn đang có nhiều hạn chế. Đến cả người lớn nhiều khi cũng khó bao dung và bình đẳng (nhất là với sự khác biệt).
"Tất nhiên, khi phản biện, học sinh sẽ nhận ra nếu có những sai lầm khủng khiếp thì sao? Nếu không chỉ là khác biệt mà là dị biệt thì sao? Với phần nghị luận xã hội, tôi nghĩ học sinh có phông kiến thức xã hội rộng sẽ nhìn ra điều đó", cô Hà nhìn nhận.