Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Dân lập Phú Xuân

GD&TĐ - Dưới đây là Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Dân lập Phú Xuân. Mời bạn đọc quan tâm nghiên cứu và góp ý.

Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Dân lập Phú Xuân

ĐỀ ÁN TUYỂN SINH ĐH-CĐ NĂM 2014

CỦA TRƯỜNG ĐHDL PHÚ XUÂN

Thực hiện Quy định của Bộ GD&ĐT về nội dung đề án tuyển sinh riêng của các Trường ĐH-CĐ năm 2014, trường ĐHDL Phú Xuân xin báo cáo nội dung Đề án tuyển sinh riêng năm 2014 của trường như sau:

 Phần thứ nhất

CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đề án tuyển sinh của trường Đại học Dân lập Phú Xuân (gọi tắt là trường Phú Xuân) được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý sau đây:

- Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật Giáo dục Đại học năm 2012;

- Quyết định số 221/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 09 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Chương trình Quốc gia phát triển nhân lực đến năm 2020;

- Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 06 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020";

- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

- Công văn số 2955/KTKĐCLGD ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Bộ GD&ĐT về việc tuyển sinh riêng vào đại học và cao đẳng hệ chính quy;

- Dự thảo Quy định về tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2014 - 2016 ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Bộ GD&ĐT,

Nay Trường Đại học Phú Xuân xây dựng đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy với các nội dung sau:

Phần thứ hai

MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC LỰA CHỌN

PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH 

I. Mục đích của phương án tuyển sinh.

1/ Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2/ Nhằm tuyển được người học có năng lực và phẩm chất cần thiết, đủ ngưỡng chất lượng đầu vào, đảm bảo đào tạo được đội ngũ lao động có chất lượng đầu ra, phù hợp ngành nghề đào tạo, thực tiễn địa phương đáp ứng yêu cầu của xã hội.

3/ Thực hiện chuyển dần phương thức tuyển sinh chung sang phương thức tuyển sinh riêng theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Trường Phú Xuân chú trọng sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia “3 chung” do Bộ GD&ĐT tổ chức, coi đây là tiêu chí quan trọng nhất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quá trình xét tuyển. Bên cạnh đó trường kết hợp xét kết quả quá trình học tập 3 năm ở THPT của thí sinh. Dựa vào kết quả này, cho phép tuyển được những thí sinh có lực học từ khá trở lên nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, sơ suất trong khi thi nên chưa đạt kết quả cao trong kỳ thi “3 chung”. Trên cơ sở đó, trường Phú Xuân tiến tới tự chủ tuyển sinh riêng từ năm 2017.

4/ Mục đích của phương án tuyển sinh của trường nhằm khắc phục những khó khăn khách quan, rất đặc thù mà trường ĐHDL Phú Xuân đã chịu thiệt thòi trong những năm tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua: Chỉ trong khu vực thành phố Huế có đến 14 cơ sở đào tạo ĐH-CĐ công lập thuộc ĐH Huế và tỉnh TT-Huế đã lấy điểm trúng tuyển rất nhiều ngành xuống đến tận điểm sàn của Bộ. Các cơ sở đào tạo công lập này vừa có chỉ tiêu lớn, vừa không thu học phí hoặc học phí thấp nên hầu như đã thu nhận hầu hết thí sinh có kết quả thi ĐH-CĐ ngang điểm sàn, do đó số lượng thí sinh còn lại để có thể vào trường ĐHDL Phú Xuân là rất ít ỏi.

II. Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh:

1/ Tuân thủ luật giáo dục; Quy chế Tuyển sinh và các quy định khác về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

2/ Đảm bảo lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh và tuân thủ các Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT). Cam kết tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3/ Không gây mất ổn định cho công tác điều hành chung của nhà trường trong công tác đào tạo; không tạo dư luận không tốt cho xã hội; không tạo cơ hội để làm phát sinh tiêu cực trong công tác tuyển sinh ở địa phương.

4/ Tạo được sự đồng thuận của cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường về công tác tuyển sinh; được Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt và lãnh đạo địa phương ủng hộ.

5/ Đảm bảo đủ năng lực và kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, về đội ngũ và cơ sở vật chất để thực hiện công tác tuyển sinh, đảm bảo an toàn, công bằng, công khai, rõ ràng, minh bạch.

Phần thứ ba

PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH 

I. Phương thức tuyển sinh.

- Trường ĐHDL Phú Xuân đăng ký tuyển sinh theo hai phương thức: tuyển sinh theo hình thức xét tuyển theo kết quả thi ba chung và theo hình thức xét tuyển riêng.

- Thí sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành xét tuyển riêng của Trường Phú Xuân vẫn được đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kỳ thi tuyển sinh chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.

- Xét tuyển từ trên xuống dưới cho đến hết chỉ tiêu.

1. Hình thức xét tuyển theo kết quả thi ba chung        

- Năm 2014, Trường Phú Xuân vẫn đăng ký thực hiện xét tuyển theo kết quả kỳ thi ba chung do Bộ GD&ĐT tổ chức, áp dụng đối với tất cả các ngành.

- Nguồn tuyển: Tuyển sinh trong cả nước.

- Việc tổ chức xét tuyển được thực hiện theo các quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành.

- Chỉ tiêu: 60% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của trường.

2. Hình thức xét tuyển riêng

2.1. Tiêu chí xét tuyển

Trường Phú Xuân xin đăng ký xét tuyển riêng, áp dụng đối với tất cả các ngành với các tiêu chí sau:

- Thí sinh có nguyện vọng, làm đơn và nộp hồ sơ xét tuyển.

- Thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT)

- Thí sinh có hạnh kiểm xếp loại loại khá trở lên.

- Xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập ở bậc THPT:

+ Cách tính điểm xét tuyển:

Điểm xét tuyển = (M1+M2+M3+Điểm UT)/3

Với:       Mi là trung bình cộng của điểm TRUNG BÌNH CẢ NĂM của môn học thứ i thuộc khối xét tuyển ở 3 năm lớp 10, 11 và 12 .

Điểm UT: là Điểm ưu tiên Khu vực và Đối tượng (theo quy chế TS).

* Điểm xét tuyển được làm tròn đến 1 chữ số thập phân.

+ Ngưỡng điểm xét tuyển:

* Hệ Đại học      : Điểm xét tuyển    6.0

* Hệ Cao đẳng   : Điểm xét tuyển   5.5 

- Chỉ tiêu: 40% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của trường

Ví dụ: thí sinh xét tuyển khối A1 có trung bình cộng điểm tổng kết năm học ở 3 năm lớp 10, 11 và 12 của môn Toán là 6,0; môn Vật lý là 6,0; môn Ngoại ngữ là 6,0 và có điểm ưu tiên là 0,5.

Thí sinh nói trên có Điểm xét tuyển là: (6+6+6+0,5)/3 = 6,2 điểm.

Thí sinh này đã đủ điều kiện xét tuyển.

2.2. Xác định điểm trúng tuyển

- Căn cứ vào chỉ tiêu của ngành xét tuyển, lấy thí sinh có điểm xét tuyển từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của ngành xét tuyển.

- Điểm xét trúng tuyển của đợt xét sau không thấp hơn điểm xét trúng tuyển của đợt xét trước.

2.3. Nguồn tuyển

Xét tuyển thí sinh trong cả nước

2.4. Hồ sơ xét tuyển

- Đơn xin xét tuyển, theo mẫu của trường Phú Xuân (phụ lục kèm theo).

- Bản photo công chứng học bạ THPT.

- Bản photo công chứng bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời.

-  Bản photo công chứng các giấy tờ chứng nhận ưu tiên (nếu có).

- Hai phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ và số điện thoại liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển;

- Lệ phí xét tuyển 30.000 đ/ hồ sơ.

Thí sinh có thể cùng lúc nộp nhiều hồ sơ xét tuyển cho nhiều ngành.

3. Hình thức, địa điểm nộp hồ sơ

3.1. Hình thức

- Nộp trực tiếp tại các cơ sở đào tạo của trường Phú Xuân.

- Gửi phát nhanh qua đường bưu điện.

3.2. Địa điểm nộp hồ sơ

- Phòng Tổ chức - Hành chính, trường ĐHDL Phú Xuân, địa chỉ số 28 Nguyễn Tri Phương, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: (054) 3.845.885.

- Phòng GV-CTSV, trường ĐHDL Phú Xuân, địa chỉ số 176 Trần Phú, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: (054) 3.829.770

4. Thời gian tuyển sinh, phương thức đăng ký của thí sinh:

4.1. Thời gian nộp hồ sơ, xét tuyển và công bố kết quả

a. Đợt 1:

- Nhận hồ sơ: từ ngày 15/05/2014 đến 30/06/2014.

- Xét tuyển: từ ngày 01/08/2014 đến 20/08/2014.

- Công bố kết quả xét tuyển: từ ngày 25/08/2014.

b. Đợt 2:

- Nhận hồ sơ từ ngày 10/07/2014 đến 10/11/2014.

- Xét tuyển liên tục từ ngày 21/08/2014 đến 20/11/2014 hoặc đến khi hết chỉ tiêu.

- Công bố kết quả xét tuyển liên tục từ ngày 22/08/2014.

Thí sinh trúng tuyển các đợt làm thủ tục nhập học từ tháng 10/2014.

4.2. Phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh.

- Thực hiện quảng bá rộng rãi công khai các thông tin có liên quan đến tuyển sinh của trường trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong và ngoài Tỉnh.

Mọi thông tin về tuyển sinh đều được thể hiện trên trang thông tin điện tử - website của Trường: www.phuxuanuni.edu.vn.

- Nhận đăng ký xét tuyển qua bưu điện hoặc trực tiếp tại trường, hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: GCN kết quả hoặc phiếu báo kết quả thi ĐH-CĐ năm 2014 (bản dấu đỏ), kèm theo bản photo công chứng học bạ THPT của thí sinh của thí sinh; Hai phong bì thư có dán tem, ghi địa chỉ của thí sinh và lệ phí xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT .

5. Chính sách ưu tiên:

Thực hiện theo quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2014 của Bộ GD&ĐT.

6. Lệ phí Tuyển sinh:

Thực hiện đúng quy chế hiện hành của Nhà nước.

II. Phân tích ưu nhược điểm của phương thức tuyển sinh riêng

1/ Ưu điểm

+ Sự phù hợp của phương thức tuyển sinh với các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông:

 + Phù hợp với các ngành đào tạo của trường và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

+ Thuận lợi: Về đội ngũ, kinh nghiệm và cơ sở vật chất, thiết bị, thông tin của trường rất đảm bảo cho phương thức xét tuyển của trường.

+ Các hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh: Không làm phát sinh tiêu cực.

+ Điều kiện về nguồn lực để thực hiện phương thức tuyển sinh: Đủ điều kiện.

Với phương thức tuyển sinh như trên của trường xem xét đến năng lực của thí sinh trong cả quá trình học THPT, vừa tăng thêm yếu tố khách quan, chính xác, giúp trường tuyển chọn được các thí sinh có năng lực, có kiến thức và phẩm chất tốt vừa coi trọng chính sách vì quyền lợi của người học đối với con em miền Trung gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội.

2. Nhược điểm:

Thí sinh có thể vừa tham gia thi 3 chung, vừa nạp hồ sơ xin xét tuyển riêng nên số lượng hồ sơ ảo lớn, quá trình xử lý phức tạp.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

I. Đối với xét tuyển theo kết quả thi ba chung

Nhà trường thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng do Bộ GD&ĐT ban hành.

II. Đối với xét tuyển riêng

1.  Công tác chuẩn bị

- Căn cứ quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh, trường ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh:

+ Hội đồng tuyển sinh của nhà trường do Hiệu trưởng làm chủ tịch Hội đồng và Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo / Trưởng phòng GV-CTSV làm Ủy viên thường trực. Hội đồng tuyển sinh chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo toàn bộ hoạt động tuyển sinh của trường.

+ Hội đồng tuyển sinh có các Ban giúp việc: Ban thư ký (Ủy viên thường trực HĐTS làm trưởng ban); Ban thanh tra, Ban cơ sở vật chất, Ban tài chính (do lãnh đạo các đơn vị chức năng làm trưởng ban).

- Ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh, các Ban giúp việc cho Hội đồng; các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác tuyển sinh; mẫu đăng ký xét tuyển. Những công việc trên do phòng GV-CTSV chịu trách nhiệm thực hiện.

- Trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng phương án tuyển sinh. Thông tin tuyển sinh của trường bao gồm: tên trường, ký hiệu trường, địa chỉ liên hệ, trình độ đào tạo, ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, khối xét tuyển, ngành xét tuyển, thời gian xét tuyển và các thông tin khác liên quan.

- Chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, văn phòng phẩm... cho việc tổ chức tuyển sinh. Những công việc trên do phòng TC-HC chính chịu trách nhiệm.

2. Quy trình tuyển sinh

Bước 1: Các công tác chuẩn bị

Bước 2: Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng tuyển sinh, các ban giúp việc sẽ thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của mình như Quy chế tuyển sinh mà nhà trường ban hành.

Bước 3: Ban thư ký tập hợp, thống kê và nhập dữ liệu đầy đủ các hồ sơ của các thí sinh tham gia xét tuyển, báo cáo Hội đồng tuyển sinh để tổ chức xét tuyển.

Bước 4: Tiến hành xét tuyển 

- Việc xét tuyển được tiến hành trong hai đợt.

-  Căn cứ vào dữ liệu điểm của thí sinh đã được Ban thư ký nhập vào máy tính, tiến hành tính điểm xét tuyển hệ ĐH, CĐ của thí sinh theo công thức sau:

Điểm xét tuyển = (M1+M2+M3+Điểm UT)/3

Với:       Mi là trung bình cộng của điểm TRUNG BÌNH CẢ NĂM của môn học thứ i thuộc khối xét tuyển ở 3 năm lớp 10, 11 và 12 .

Điểm UT: là Điểm ưu tiên Khu vực và Đối tượng (theo quy chế TS).

* Điểm xét tuyển được làm tròn đến 1 chữ số thập phân.

+ Ngưỡng điểm xét tuyển

* Hệ Đại học      : Điểm xét tuyển    6.0

* Hệ Cao đẳng   : Điểm xét tuyển   5.5 

Bước 5: Tổng hợp thông tin báo cáo HĐTS ra quyết định điểm trúng tuyển và công nhận thí sinh trúng tuyển

Bước 6: Công bố kết quả xét tuyển cho thí sinh theo lịch đã thông báo.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện công tác tuyển sinh.

- Ban Thanh tra sẽ thường xuyên giám sát quá trình thu nhận hồ sơ, thống kê, nhập dữ liệu hồ sơ, cũng như công tác xét tuyển để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực (nếu có).

- Ban Thanh tra của trường chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh; kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm và đề xuất các hình thức xử lý theo đúng quy định.

4. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo

- Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về các hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển sinh:

+ Hội đồng tuyển sinh của trường.

+ Ban thanh tra.

+ Hòm thư góp ý của nhà trường.

- Trách nhiệm của người tố cáo các hiện tượng tiêu cực phải có bằng chứng cụ thể và được xác minh về tính chính xác.

- Các cá nhân và tổ chức tiếp nhận thông tin tố cáo phải bảo vệ nguyên trạng bằng chứng và xác minh tính chân thực của bằng chứng, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và báo cáo với Hội đồng tuyển sinh để có biện pháp xử lí thích hợp. 

5. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo qui định

Nhà trường thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kịp thời trong từng giai đoạn triển khai nội dung đề án tuyển sinh 2014. Kết thúc kỳ tuyển sinh, nhà trường tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ GD&ĐT theo quy định.

6. Sự phối hợp và hỗ trợ của các ban, ngành địa phương trong các khâu của công tác tuyển sinh

- Nhà trường sẽ mời lực lượng công an PA83 tham gia giám sát quá trình tuyển sinh, đặc biệt là thời gian xét tuyển, để công tác tuyển sinh được an toàn, bảo mật và tăng tính khách quan.

- Nhà trường sẽ báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để nhận được sự quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ.

- Trường tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Đài phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương, cũng như các đơn vị truyền thông khác.

Phần thứ năm

LỘ TRÌNH VÀ CAM KẾT CỦA TRƯỜNG

I. Lộ trình thực hiện đề án:

1. Năm 2014

- Trường Phú Xuân thực hiện xét tuyển theo kết quả thi ba chung theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển 60% chỉ tiêu.

- Xét tuyển sinh riêng 40% chỉ tiêu còn lại, như trên.

- Kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2014, trường tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ GD&ĐT.

2. Các năm 2015, 2016

- Tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo cả 2 hình thức như năm 2014.

- Tổng kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi phương thức tuyển sinh cho phù hợp.

3. Từ năm 2017 trở đi

- Thực hiện tuyển sinh riêng.

- Tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh.

II. Cam kết của trường

Trường ĐHDL Phú Xuân cam kết:

- Tổ chức tuyển sinh theo đúng Quy chế và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát của Bộ GD&ĐT. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo tới Bộ GD&ĐT.

- Thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy định trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển, đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan và chống mọi hiện tượng tiêu cực. Xử lí nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm Quy chế. Chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật về chất lượng tuyển sinh.

- Công bố rộng rãi, công khai các thông tin về hoạt động tuyển sinh của trường để xã hội, phụ huynh và thí sinh theo dõi, giám sát.

Trường ĐHDL Phú Xuân đã có bề dày đào tạo hơn 10 năm, đã có trên 7.000 sinh viên đảm bảo chất lượng ra trường; đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm. Trong mọi hoạt động của trường, nhất là công tác tuyển sinh và đào tạo đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế; có đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Trong những năm qua trường nghiêm chỉnh nộp thuế theo quy định của Nhà nước trên 7 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn, số lượng sinh viên tuyển được quá ít so với chỉ tiêu, ảnh hưởng đến tư tưởng, tổ chức, điều hành, việc làm và đời sống của cán bộ, giảng viên toàn trường.

Kính đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, phê duyệt đề án Tuyển sinh riêng năm 2014 của trường ĐHDL Phú Xuân, tạo điều kiện cho trường tiếp tục ổn định và phát triển.

 Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.                                                                                                          

HIỆU TRƯỞNG

TS NGUYỄN ĐÌNH NGỘ

Download toàn văn đề án tại đây >>>

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.