Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Cốt lõi là con người

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Cốt lõi là con người

(GD&TĐ) - Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG) 2020 hướng tới mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2020 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhìn lại thực tế dạy và học ngoại ngữ ở các tỉnh, thành trong cả nước, có thể thấy rõ những kết quả bước đầu khả quan, đáng mừng. Sau đây là những ý kiến của PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, một trong những cơ sở đào tạo được giao những nhiệm vụ quan trọng của Đề án. 

Theo ông, điểm cốt lõi của Đề án NNQG 2020 nằm ở đâu?

PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHNN Đà Nẵng
PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHNN Đà Nẵng          
 

Tôi cho rằng, đó chính là con người! Trong quá trình thực hiện, Đề án là sự tập hợp của trí tuệ, tâm huyết, trái tim.

Đứng ở phía người dạy, Đề án đã nâng tầm cho họ, đưa phương pháp mới để các giáo viên dạy tốt. Từ đó làm chuyển biến người học, giúp người học vươn lên đạt chuẩn quốc gia, quốc tế về ngôn ngữ, đáp ứng được nhu cầu hội nhập, phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Để đạt được kết quả này đòi hỏi người thực hiện Đề án phải đủ tầm, giỏi cả về chuyên môn lẫn năng lực tổ chức, có kỹ năng ngoại ngữ. Huy động nguồn lực trong nước không thôi thì không đủ mà phải huy động được cả chuyên gia nước ngoài.

Mà muốn huy động được chuyên gia nước ngoài, trước hết, mình phải có uy tín, có sức thuyết phục, biết đặt niềm tin vào họ thì họ mới giúp đỡ được. Một khi có tầm để sử dụng chuyên gia nước ngoài thì mình cũng tránh được sự phụ thuộc quá nhiều ở họ. 

Có người ví tác động của Đề án như  một lực bẩy cực mạnh vào thành trì của chất lượng sử dụng ngoại ngữ ở Việt  Nam. Ý kiến của ông như thế nào?

Trước hết, thông qua thực hiện Đề án, các trường đại học, cao đẳng … tự đánh giá được mình để có hướng phát triển, nâng mình lên. Các trường thông qua khảo sát, đánh giá, tổ chức để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho GV;  từ đó mà thay đổi đáng kể tình trạng trì trệ về chất lượng trong nhiều năm. Thứ hai, phải kể đến sức lan tỏa của Đề án với sự phát triển của xã hội. Hàng nghìn giáo viên được khảo sát, đánh giá để họ tự biết mình ở đâu. Hàng chục ngàn giáo viên tiếng Anh được tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng chương trình tự học, tự rèn luyện. Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ thay đổi từ phương pháp giảng dạy cũ kỹ, lỗi thời “phải” và “đang” chuyển sang phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm được sức lực, thời gian của người dạy, người học, đạt hiệu quả cao; Các cơ sở đào tạo tự nhìn lại mình để đánh giá đầu ra, nhất là ngành sư phạm ngoại ngữ. 

Thưa ông, trong thực tế, cái mới bao giờ cũng đi kèm với cái khó. Chắc hẳn trong quá trình thực hiện Đề án có không ít rào cản phải vượt qua?

Đúng vậy! Đối với những người có cái tâm với chất lượng giáo dục thì thật sự có nhiều cái khó. Chẳng hạn, để đánh giá đúng thì phải khảo sát, mà đã khảo sát thì phải công khai, công bằng. Tâm lý của người thầy chưa được chuẩn bị, chưa quen với việc thường xuyên được đánh giá. Các trường, sở  cũng sợ qua đánh giá biết năng lực giáo viên mình yếu. Chính vì vậy, phải hết sức khéo léo, tế nhị để đả thông tư tưởng, làm cho giáo viên biết đánh giá không phải để phê bình, xếp loại không cho dạy mà để biết được năng lực thực chất mà bồi dưỡng, nâng trình độ lên. 

Khó khăn thứ hai là trong quá trình thực hiện, Đề án đặt mục tiêu cao, vừa cấp bách, vừa lâu dài nhưng kinh phí của Đề án ít nên buộc phải chi li, tiết kiệm. Đề án tầm quốc gia nhưng tiền là của dân mình bỏ ra chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Học với chuyên gia nước ngoài mà chỗ ăn, chỗ ở cho người đi học không tốt thì họ lấy đâu ra sức để học. Đồng tiền phục vụ cho thầy cô giáo vẫn còn khiêm tốn. Tiền thuê chuyên gia nước ngoài, cho giảng viên cao cấp thật khó tính toán, vì có chỗ vướng về thủ tục tài chính. Tiền dành cho quản lý, chỉ đạo Đề án gần như không đáng kể. 

Một hạn chế nữa là thông tin, mức độ hiểu biết giữa các cơ sở chưa rộng rãi, chính xác trong khi rất cần thông qua các cơ quan báo chí để truyền thông rộng rãi, có sự thấu hiểu, chia sẻ với Đề án, nắm được bước đi của Đề án. Sự thiếu hiểu biết cặn kẽ có khi dẫn tới bệnh hình thức. Chẳng hạn, có nơi đề nghị được khảo sát và giảng dạy ngoại ngữ chỉ trong một thời gian ngắn để thi đạt chuẩn 70-100% thì họ mới làm hợp đồng. Trong trường hợp này, họ đã không hiểu được mục tiêu Đề án hướng đến là nâng tầm trình độ, năng lực chứ không phải là phổ cập để đạt chuẩn. 

Với những “cái nhìn gần” như vậy phải chăng là để vươn tới ước mơ xa? Có cơ sở để đặt niềm tin vào thắng lợi của Đề án NNQG 2020 hay không, thưa ông?

Cá nhân tôi 100% tin là Đề án sẽ thành công khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT, của lãnh đạo Đề án.  Đề án được đưa vào các trường ĐH, cơ sở đào tạo lớn, có uy tín trong nước để đào tạo ra đội ngũ giảng dạy. Đề án cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở này, để họ cam kết thực hiện. Bộ GD&ĐT và Thường trực Ban Quản lý Đề án đã xây dựng được 5 trung tâm vùng và các trường đại học trọng điểm để giao nhiệm vụ chính. Mặt khác, cũng xây dựng được một mạng lưới thực hiện Đề án một cách có hệ thống trong cả nước, đồng thời các hiệu trưởng đã cam kết thực hiện. 

Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc ĐHNN Đà Nẵng gặt hái được những mùa vàng từ Đề án!

Nguyễn Thị Thúy Hồng (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ