ĐBSCL: Nhà trường khẩn trương đối phó với dịch cúm A/H5N1

ĐBSCL: Nhà trường khẩn trương đối phó với dịch cúm A/H5N1

(GD&TĐ) - Vụ việc một trẻ 4 tuổi ở ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1 đang làm dấy lên lo ngại nguy cơ dịch cúm bùng phát diện rộng. Để đối phó với tình hình này, ngành GD các địa phương ở ĐBSCL đang tích cực kết hợp cùng ngành Y tế để phòng ngừa dịch cúm xảy ra trong nhà trường. Đặc biệt các địa phương ở vùng biên giới có nguy cơ xảy ra dịch rất cao nên công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ…     

Hậu quả từ sự chủ quan

Em Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi), ngụ ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp bị tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1 là điều rất đáng tiếc và một phần do xuất phát từ chủ quan của gia đình. Trước đó ngày 25/3, gia đình mua gà ngoài chợ về nhà chế biến thức ăn. Khi mang về tới nhà thì phát hiện gà có dấu hiệu bị bệnh nhưng gia đình tiếc không đem tiêu hủy mà vẫn làm thịt. Khi đó em Nguyễn Duy Hoàng Huy trực tiếp ngồi xem bà làm thịt gà. Đây là trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên trên địa bàn Đồng Tháp từ đầu năm 2013 đến nay. Ngay sau đó ngành Y tế và Chi Cục Thú y tỉnh thực hiện các bước xử lý cần thiết để cúm A/H5N1 không lây lan và phát triển ra xung quanh nơi cư trú của nạn nhân.

Người dân thường chăn nuôi gà vịt chạy đồng số lượng lớn nên nguy cơ xảy ra dịch và lây lan dịch bệnh là rất cao
Người dân thường chăn nuôi gà vịt chạy đồng số lượng lớn nên nguy cơ xảy ra dịch và lây lan dịch bệnh là rất cao

Đồng Tháp là tỉnh có số lượng đàn gia cầm nuôi thả rông thuộc vào tốp đầu ở ĐBSCL. Ngay sau khi có trường hợp tử vong vì cúm A/H5N1 xảy ra, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã vào cuộc. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Đồng Tháp, PGS.TS Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế nhận định Đồng Tháp là một trong những địa bàn có nguy cơ cao về xảy ra cúm A/H5N1 vì tình hình gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H5N1 còn rất cao. Ý thức người dân kém, lượng vịt chạy đồng lớn và sự di trú của chim trời bị nhiễm cúm là những nguyên nhân được Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đưa Đồng Tháp vào những tỉnh có nguy cơ cao về xảy ra cúm A/H5N1.

PGS.TS Trần Đắc Phu yêu cầu lãnh đạo địa phương cần phân cấp quản lý, trách nhiệm cụ thể từ tỉnh đến cơ sở trong phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo mạng lưới thú y tiếp tục có biện pháp giám sát đàn gia cầm nhằm sớm phát hiện và xử lý các ổ dịch. Đồng thời, tăng cường quản lý việc mua bán, vận chuyển gia cầm nhất là gia cầm vận chuyển từ biên giới; tỉnh cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về cúm A/H5N1 và lưu ý ngành y tế đối với các trường hợp bị viêm phổi cấp cần được kiểm tra, xét nghiệm kỹ để điều trị kịp thời.

Nhà trường tất bật phòng chống cúm

Trường hợp trẻ 4 tuổi nhiễm cúm A/H5N1 tử vong ở ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp rất may là người nhà không bị nhiễm cúm. Tuy nhiên có một trường hợp là em Nguyễn Mai Tấn Phát, 14 tuổi (cậu của bé Huy) có dấu hiệu viêm hô hấp cấp, được điều trị cách ly tại Bệnh viên đa khoa Đồng Tháp. Hiện nay em Phát đã khỏi bệnh và được bệnh viện cho về nhà, đến ngày 10/4 em đã trở lại trường học. Để đảm bảo an toàn, tại Trường THCS Tân Hội Trung, nơi em Phát đang học, nhà trường đã 3 lần cho HS nghỉ học để ngành y tế phun thuốc dập dịch, xử lý môi trường… Sở GD&ĐT đang tăng cường chỉ đạo việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống cúm A/H5N1 trong trường học, gia đình HS và cộng đồng.

Trước tình hình dịch cúm diễn ra phức tạp, ngành GD các địa phương ở ĐBSCL đang tích cực kết hợp cùng ngành y tế để phòng ngừa dịch cúm xảy ra trong trường học
Trước tình hình dịch cúm diễn ra phức tạp, ngành GD các địa phương ở ĐBSCL đang tích cực kết hợp cùng ngành y tế để phòng ngừa dịch cúm xảy ra trong trường học

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, tuy trường hợp trẻ tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1 chưa đến trường nhưng ngành GD chỉ đạo các trường tăng cường phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, làm sao cho HS biết tỉnh đang có dịch cúm xảy ra và trường hợp trẻ tử vong do nhiễm cúm vì tiếp xúc và ăn thịt gia cầm bệnh. Từ đó HS phải biết cách phòng ngừa và về nhà tuyên truyền cho gia đình. Ngoài ra tại các bếp ăn, căng tin tại trường học ngành GD cùng ngành y tế đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo an toàn vệ sinh. Đến thời điểm này các trường học ở Đồng Tháp chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm cúm A/H5N1. Nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện bệnh cúm cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất và thông báo ngành chức năng để có biện pháp tiêu độc, khử trùng để dịch bệnh không lây lan…

Huyện An Phú (An Giang) hiện có 4 trường THPT, 35 trường TH, 14 trường mẫu giáo, địa bàn rộng và có đến 7 xã nằm giáp biên giới với Campuchia. Do tình hình dịch bệnh cúm A/H5N1 đang diễn biến khá phức tạp ở Campuchia, trong đó có địa phương giáp biên giới Việt Nam, cho nên nguy cơ dịch cúm A/H5N1 xâm nhập là rất lớn nên công tác phòng chống dịch cúm trong mùa cao điểm được triển khai rốt ráo. Hiện tại ngành Y tế và ngành GD huyện đang kết hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch cúm. Ông Thái Kim Khải – Phó phòng GD&ĐT huyện An Phú cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi ghi nhận ở các trường học trên địa bàn huyện An Phú chưa có trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1, công tác phòng ngừa dịch bệnh được triển khai tốt. Trung tâm y tế dự phòng huyện kết hợp cùng phòng GD chỉ đạo các cơ sở GD đề phòng và chủ động phòng ngừa dịch cúm trong mùa cao điểm như hiện nay. Qua đó nhắc nhở, đôn đốc nhà trường và HS, phụ huynh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đảm bảo sức khỏe và đề phòng dịch cúm trong cộng đồng, dân cư… Đặc biệt các buổi họp, giao ban đầu tuần, sinh hoạt đầu tuần ngành Y tế cùng ngành GD kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở triển khai kế hoạch cũng như các biện pháp phòng ngừa cúm…”.

Ông Võ Văn Dũng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT An Giang cho biết, đến thời điểm này các trường học trong tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1. “Chúng tôi giao cho Phòng Công tác HS, SV kết hợp cùng ngành Y tế theo dõi sát sao và tổ chức phòng ngừa dịch bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi bệnh cúm cần báo cáo ngay ngành y tế để kịp thời xử lý. Do An Giang nằm giáp biên giới, đặc biệt thời điểm này ở Campuchia đang xảy ra dịch cúm nên công tác phòng ngừa dịch bệnh lây lan và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đang được triển khai quyết liệt…”, ông Dũng nói.

Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.