ĐBSCL: Biến "kho sách" thành thư viện đạt chuẩn

ĐBSCL: Biến "kho sách" thành thư viện đạt chuẩn

(GD&TĐ) - Có thể hình dung ở ĐBSCL, hầu như trường học nào cũng có thư viện, cũng có thủ thư… nhưng hoạt động phổ biến của thư viện vẫn là cho học sinh nghèo mượn sách giáo khoa. Bởi nhiều lý do, phòng ốc chật hẹp, sách cũ không được bổ sung, cán bộ thủ thư yếu nghiệp vụ nên tra thư mục khó… Vì thế, thư viện biến thành “kho sách”. Càng đi về vùng sâu, vùng khó thì dễ tìm ra những “kho sách” như vậy! Hiện tại, nhiều tỉnh đã có kế hoạch xây dựng thư viện chuẩn song song với việc xây dựng trường chuẩn. Điển hình là ở Đồng Tháp, thử tìm hiểu thực trạng cũng như những đột phá của ngành Giáo dục các tỉnh trong khu vực.

-> Để thư viện trường học đáp ứng nền giáo dục tiên tiến

Cần Thơ, thư viện đạt chuẩn nhiều… nhưng

Tại thành phố Cần Thơ, theo báo cáo Công ty cổ phần sách - thiết bị, toàn thành phố có 263 thư viện /265 trường học, đạt 99,2% trường có thư viện. Trong đó, có 224 thư viện đạt chuẩn. Còn hai trường tiểu học, THCS ở quận Cái Răng chưa có thư viện. Ông Tăng Phước Đảm – Phụ trách nghiệp vụ thư viện trường học – công ty thiết bị trường học Cần Thơ cho biết, vấn đề kinh phí cho thư viện rất quan trọng. Cụ thể năm 2012,  Cần Thơ đầu tư cho thư viện trường học là 7,5 tỷ đồng, năm 2013 là 8,5 tỷ (32.449 đồng/trường). Biên chế đội ngũ từ phòng đến trường đều đủ, mỗi trường đều có một cán bộ phụ trách thư viện. 

Ở Cần Thơ, trường đạt chuẩn quốc gia thì thư viện trường cũng đạt chuẩn theo quy định của Bộ, nhưng để thư viện hoạt động được “chuẩn” theo đúng nghĩa thì đó còn là vấn đề nan giải. Nhất là những huyện vùng sâu vùng xa như Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Nhiều trường, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi kinh phí không huy động được. Ông Đảm nói: “Ở thành phố thì đầu năm mình có vận động phụ huynh đóng góp, lập sổ vàng thì mỗi trường cũng được vài triệu cho công tác thư viện. Còn ở nông thôn, đời sống bà con còn khó khăn, nên việc huy động xã hội hóa rất khó”.

Ngoài ra, đội ngũ phụ trách thư viện thường xuyên thay đổi, không ổn định, gây khó khăn cho công tác quản lý. Phần lớn cán bộ thư viện chưa được đào tạo qua nghiệp vụ, dù mỗi năm thành phố có tổ chức lớp nghiệp vụ ngắn hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giữa các trường.

Theo lời thầy Cường, toàn huyện Phong Điền, chưa cán bộ thư viện nào được đào tạo chuyên môn, phần lớn từ giáo viên chuyển sang hay cán bộ văn phòng. Nhiều trường diện tích phòng nhỏ hẹp, giáo viên và học sinh phải dùng chung phòng đọc sách.

Cụ thể, Trường Tiểu học Tây Đô đã 3 lần thay đổi cán bộ thư viện, chưa cán bộ nào có chuyên môn bên thư viện. “Tôi là nhân viên lưu trữ của trường, vì giáo viên cũ về hưu nên tôi kiêm luôn công tác bên thư viện”, thầy Vũ bộc bạch. Việc đưa mô hình thư viện mới vào trường học như thư viện điện tử đã được triển khai từ nhiều năm trước song chưa hiệu quả. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong giờ ra chơi đã đến thư viện đọc sách
Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong giờ ra chơi đã đến thư viện đọc sách
 

An Giang kiểm tra kỹ mới công nhận thư viện đạt chuẩn    

Tỉnh An Giang có 589 trường phổ thông, trong đó số trường có thư viện (TV) là 581 trường, tất cả cán bộ TV trường học đều chuyên trách. Tính đến cuối năm học 2012 - 2013, số trường có TV đạt chuẩn là 122 trường, chiếm 20,71% (trong đó có 3 trường đạt chuẩn TV tiên tiến). Ngoài những cán bộ TV được đào tạo chuyên môn, tỉnh thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng qua các khóa tập huấn, kỳ nghỉ hè... Đến nay An Giang có 100% cán bộ TV được bồi dưỡng nghiệp vụ TV.  

Hiện nay, Sở GD&ĐT An Giang đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và hướng tới xây dựng TV trường học đạt chuẩn. Theo Sở GD&ĐT An Giang, quá trình kiểm tra công nhận trước đây được tổ chức thành 3 vòng: Nhà trường,  Phòng GD&ĐT, cuối cùng là Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra và công nhận đạt chuẩn.

Tuy nhiên thực hiện qui trình này phải tốn nhiều thời gian, công sức và nhân lực. “TV một trường khi công nhận đạt chuẩn phải qua 3 vòng kiểm tra, nếu làm vậy thì Sở GD&ĐT không làm kịp và không đủ lực để thực hiện vì địa bàn tỉnh rất rộng, số lượng trường rất nhiều.

Từ năm học 2012 - 2013, chúng tôi phân cấp lại cho Phòng kiểm tra TV trường học đạt chuẩn, Sở chỉ kiểm tra 30% trong số TV mà phòng đã kiểm tra và 30% này là xác suất ngẫu nhiên. Cách làm này đã tăng trách nhiệm của trường và Phòng GD&ĐT … ”, ông Lý Thanh Tú cho biết.

Hiện nay ngân sách cho GD dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đảm bảo nhu cầu phát triển, đặc biệt là đầu tư cho các TV vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Tỉnh An Giang còn 8 đơn vị trường học chưa có TV độc lập vì số TV này còn phải sinh hoạt ghép với phòng thiết bị, văn phòng hay phòng công tác đội. 

Hằng năm, Sở GD gửi các trường danh mục sách tham khảo dựa trên danh mục của NXB GD để các trường căn cứ vào đó tự mua sắm, trang bị nhưng do ngân sách trường không đều nhau nên có trường mua đủ và có trường chỉ chọn lựa những đầu sách thật cần thiết. Ngoài ra các TV trường học cũng gặp không ít khó khăn khi ngân sách nhà nước chỉ trang bị cho TV lần đầu, sau đó các trường phải tự xuất ngân sách để duy tu, bảo dưỡng…

Đồng Tháp, có kế hoạch riêng để xây dựng thư viện cho trường chuẩn 

Đây là con số “biết nói” về thực trạng thư viện trong trường học ở Đồng Tháp cuối năm 2011. Toàn tỉnh có 312 trường TH, 142 trường THCS, 42 trường THPT có thư viện hoặc tủ sách dùng chung. Trong đó cấp TH 124/312 trường có thư viện đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 39,74%; cấp THCS có 67/142 trường có thư viện đạt chuẩn, chiếm  tỉ lệ  47,18%; cấp THPT có 13/43 trường có thư viện đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 30,23%. Tổng hợp chung có 204/497 trường có thư viên đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 41,04%. Chưa kể 48 trường chưa có thư viện.

Trước thực trạng đó, ngành GD Đồng Tháp xây dựng kế hoạch số 21/KH-SGDDT, ngày 24/5/2012 đề ra một chiến lược dài hạn trong việc xây dựng thư viện chuẩn, giai đoạn 2012 - 2015. Theo kế hoạch này xây dựng các tiêu chí cho thư viện tương ứng với 3 danh hiệu: Thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến và thư viện xuất sắc. Mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh và giáo viên có đủ tài liệu giảng dạy và học tập.

Thời điểm này, Đồng Tháp có 238 thư viện đạt chuẩn và tiên tiến (chưa có xuất sắc) tăng 34 thư viện. Để góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, hè vừa qua, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tổ chức hội thi thủ thư giỏi. Có 45 thủ thư các trường trong tỉnh tham gia, trong đó có 21 thủ thư giỏi.

Nhóm phóng viên Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.