ĐBQH đề nghị cân nhắc việc tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập

GD&TĐ - Theo đại biểu, việc tăng mức xử phạt cần cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả, đối tượng vi phạm.

Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu.
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Về sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập tại dự Luật, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đồng tình với quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự.

Về quy định mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa 1 tỷ đồng với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm, bà Thái Thị An Chung cho rằng có nhiều điểm chưa phù hợp.

Theo đại biểu, mức phạt tiền tối đa mà dự thảo Luật đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức) tăng gấp 20 lần.

Trong khi đó, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ...

Hành vi này nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý hành chính. Mức phạt tiền hiện áp dụng tối đa là 30 triệu đồng theo Nghị định 41/2018.

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập kèm theo hồ sơ dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung cảm thấy băn khoăn.

Vì theo đại biểu, mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng dự kiến được áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên.

Cụ thể là hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên.

Trong khi đó, đối với hành vi giả mạo giấy tờ (giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự), Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng.

Nghị định 82/2020 quy định mức phạt tối đa 7 triệu đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá…

Dự thảo Luật đưa ra mức xử phạt rất nặng đối với nhiều vi phạm nhỏ.

Ví dụ, hành vi nộp trả lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định chỉ bị phạt cảnh cáo.

Song, nay dự thảo Luật đưa ra mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức.

Hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng quy định của Bộ Tài chính hiện nay là từ 5 - 10 triệu đồng, nay dự kiến tăng lên 20 - 40 triệu.

Thời gian qua, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của 1 số cơ quan, đơn vị. Trong đó, có tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực.

Đại biểu đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Qua đó, đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc tăng mức xử phạt cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác.

Nếu quy định như dự thảo Luật, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam - một ngành đang cần số nhân sự gấp 3 - 4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.