ĐBQH: Chương trình đào tạo nhân tài, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài không hiệu quả

GD&TĐ - Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) đặt câu hỏi: Có nhiều tỉnh, thành phố có chương trình đào tạo nhân tài, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng thử hỏi có bao % thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp cho tỉnh, thành phố đó? Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thất nghiệp, nhiều xe ôm grab là thạc sĩ.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận

Sáng nay (24.10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về trọng dụng người tài.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) viện dẫn, xưa kia cha ông ta gọi là hiền tài. Bác Hồ thời kỳ đầu gọi là hiền năng và nay gọi là người có tài năng. Bản chất là một, phương pháp chọn của Bác Hồ có 3 tiêu chí giản dị đó là:

Hỏi bạn học xem người đó có học giỏi không? Hỏi hàng xóm xung quanh xem người đó hiếu nghĩa cha mẹ, hiếu với anh em, sống tình nghĩa với hàng xóm không? Vấn đáp xem hiểu về chính sự, lòng dân ra sao, giao trọng trách có đảm nhận không?

“Nếu hoàn thành 3 tiêu chí ấy chính là hiền tài mà chúng ta đang cần” - ông Vấn nói.

Tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Có nhiều tỉnh trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc cho tỉnh mình.

Có nhiều tỉnh, thành phố có chương trình đào tạo nhân tài, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng thử hỏi có bao % thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp cho tỉnh, thành phố đó? Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thất nghiệp, nhiều xe ôm grab là thạc sĩ.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu tại phiên thảo luận
 Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Tuấn đặt câu hỏi: Những người đó được đào tạo tốt như như vậy có phải là nhân tài không? Theo đại biểu là không. Họ là người giỏi, có tài năng. Nhân tài muốn phát triển cần có môi trường tốt. Giống như hạt giống tốt gieo vào đất tốt thì cây mới đơm hoa kết trái, tạo vụ mùa bội thu.

“Hạt giống tốt, đất tốt nhưng tâm không tốt thì sao. Có những người giỏi, vào môi trường rất tốt nhưng họ không có đủ nhiệt huyết, không đưa ra cống hiến, đề tài tốt cho xã hội.

Thậm chí có người hội đủ 3 nhân tố: vừa giỏi, có môi trường, có nhiệt huyết nhưng cái tâm gốc họ chỉ phục vụ cho cá nhân, cho quyền lợi nhóm thì liệu họ có là người tài chúng ta công nhận không? Câu trả lời là không”- đại biểu Tuấn nêu vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ