ĐBQH chất vấn giải pháp ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá

GD&TĐ - Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM) đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, về giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá...

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM).
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Sáng 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho biết, hiện nay lãi suất của các nước lớn có xu hướng giảm. Đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỷ giá và giá cả của các mặt hàng nhập khẩu, có thể làm tăng giá thành.

Đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận nguồn tín dụng, mua nhà ở xã hội…

nguyen-thi-hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế biến động rất phức tạp. Hiện nay, Fed và một số Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đồng tiền như USD biến động rất mạnh và đang ở mức rất cao. Ngân hàng Nhà nước thấy đây là diễn biến tác động rất mạnh đến thị trường tiền tệ ngoại hối trong nước.

"Việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước là câu chuyện rất khó khăn vì sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực. Tuy nhiên, thị trường chúng ta vẫn còn là thị trường USD hoá, thì sẽ chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Thống đốc, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định cho VNĐ và điều hành tỷ giá vàng ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường với biên độ +-5%.

“Chúng tôi theo sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá không biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp, bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ chính sách”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu.

Ngân hàng Nhà nước cũng rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất quá thì tác động làm tăng tỷ giá, có thể gây ra câu chuyện "tạo tâm lý" của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không được ổn định.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi về giải pháp kiểm soát rủi ro ngắn hạn của bong bóng bất động sản, tài chính.

ty-gia2.jpg
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ nửa cuối năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thực hiện 2 chính sách: Chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm và chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt.

Là chính sách ngắn hạn nên Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành với liều lượng phù hợp. Mục tiêu theo luật định là Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát.

Do đó, trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ chủ quan với mục tiêu lạm phát.

“Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi. Khi lạm phát điều hành đảm bảo theo Quốc hội đề ra thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp cho hỗ trợ tăng kinh tế. Dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, 2025 phấn đấu 15%”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Trong trường hợp áp lực lạm phát hiện hữu, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phối hợp với các bộ ban ngành khác để điều hành phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chỉ có một lý do duy nhất khiến một người đàn ông chia tay: anh ta không còn yêu bạn nữa. (Ảnh: ITN).

Đàn ông nghĩ gì sau khi chia tay?

GD&TĐ - Việc chia tay của một người đàn ông chắc chắn không phải là ý định nhất thời mà là kết quả của kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của anh ta.