Dạy và học nơi đại công trường

Dạy và học nơi đại công trường

(GD&TĐ) - Cả một đại công trường thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đang hoàn thiện di chuyển lên cốt nước 195, để nhường lại cái thị xã bé nhỏ nhất trên dải chữ S cho dòng nước của thuỷ điện Sơn La. Cùng với gian nan vất vả của người dân thị xã, thầy trò ở nơi đây đã vượt lên bao gian khó, nhọc nhằn hoàn thành nhiệm vụ giáo dục.

Học sinh lớp 8 trường TH - THCS Sông Đà
Học sinh lớp 8 trường TH - THCS Sông Đà. ảnh gdtd.vn

Thầy trò nơi đại công trường

Chúng tôi đến trường TH – THCS Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Trường di chuyển lên khu đồi cao, cách trung tâm có 5km, con đường đất vừa ủi bụi mù mịt, ngổn ngang đá phải chật vật gần 1 tiếng mới đến được nơi. Trường Sông Đà, mượn đất dựng phòng học tạm nằm sát chân núi, ngoài hàng rào bao quanh trường, là cả công trường đang hối hả xây dựng một thị xã mới.

Cô Lưu Kim Khánh, Phó hiệu trưởng tâm sự với chúng tôi về những gian nan của thầy trò nhà trường khi di chuyển đến địa điểm mới, từ năm học 2009 - 2010: Cũng như người dân thị xã vùng cao nơi đây, 31 cán bộ giáo viên đang ngày đêm cố gắng, nỗ lực phấn đấu vươn lên thi đua dạy tốt học tốt. Hiện nay có 8 thầy cô phải mượn đất, dựng tạm lán xung quanh trường để ở, còn lại đi về thì đường đi vất vả lắm!

Lán ở của gia đình thầy Nguyễn Anh Châu
Lán ở của gia đình thầy Nguyễn Anh Châu. ảnh gdtd.vn

Trường có 11 lớp, 125 học sinh (Tiểu học 85, THCS 40), 58% học sinh là con em dân tộc thiểu số, có 13 em học sinh lớp 3 – 4 ở bản Huổi Min bố mẹ phải đưa bằng xuồng 4km xuống học, các thầy cô cùng phụ huynh đóng góp tiền, công dựng nhà ngay trong trường cho các em ở, cũng chung hoàn cảnh như các thầy cô, là học sinh bản vùng cao, dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) các em không được chế độ bán trú. Dù bao gian nan, bộn bề... Nhà trường luôn hoàn thành suất xắc nhiệm vụ, duy trì phổ cập THCS từ năm 2002, năm học nào chất lượng giáo dục, sĩ số, tốt nghiệp đều đạt 100%. Năm học 2009 – 2010 dù nhà trường phải di dời nhưng vẫn có 3 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh và 6 em học sinh giỏi cấp thị.

Nỗi lòng thầy cô

Chúng tôi xuống thăm nhà vợ chồng thầy Nguyễn Anh Châu, cô Nguyễn Thị Thuỳ Nhung đã xây dựng hạnh phúc 3 năm, ở trường cũ vợ chồng thầy cô thuê nhà, khi chuyển lên địa điểm mới không mượn được đất, điều kiện khó khăn, nhà trường kết hợp với Công đoàn, dựng tạm cho thầy cô cái lán, bán mái ngay sau trường học. Thầy Châu tâm sự với chúng tôi: Vợ chồng em chỉ có mong ước sau này khi thị xã xây dựng xong ổn định, xin được một miếng đất để mà: “An cư lạc nghiệp” vì ở đây có chủ trương các giáo viên có gia đình được cấp đất, vợ chồng thầy cô cũng làm đơn xin đã lâu mà chưa được.

Còn 7 thầy cô trong trường mượn được đất của dân, họ cũng đều có niềm mong mỏi như vợ chồng thầy Châu cô Nhung. Một niềm mong muốn chính đáng để dồn tâm huyết cống hiến cho giáo dục, còn không với đồng lương chỉ hơn 2 triệu lại phải đi thuê nhà thì đủ ăn cũng thật chật vật, như lời của cô Phó hiệu trưởng Khánh, nói với chúng tôi.

Con đường đến trường Sông Đà
Con đường đến trường Sông Đà. ảnh gdtd.vn

Khi chúng tôi ra sân bóng chuyền nơi thầy cô tập luyện để chuẩn bị cho ngày 20 – 11, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết: Nhà cô ở bên bản Xá cây cầu bắc qua bản mới bị ngập nước lên giờ đây đi dạy, cô phải đi đường vòng xa thêm 4km đường. Sáng nào, cô cũng dậy vào lúc 5h lục đục chuẩn bị cơm nước mang theo để ăn bữa trưa tại trường, dạy xong chiều về đến nhà 7 – 8 giờ tối, nhiều hôm tắc đường về được nhà thì 9 – 10 giờ, ăn qua loa bát cơm lại soạn, chấm bài, may là ở nhà có ông bà nội chăm sóc cháu giúp, chứ không thì chẳng biết xoay sở thế nào! Nhà cùng ở bản Xá có cô Đặng Tú Anh, Ngô Thị Hường các cô đang chuẩn bị về, cô Hường vừa nói, vừa đùa với tôi: Chúng em chuẩn bị vào chiến dịch đây chào nhà báo nhé! Hành trang bất kể nắng mưa của chúng em đều có “Vật bất li thân” là ủng, quần áo mưa, khẩu trang, mùa này sướng chán chỉ bụi thôi chứ mùa mưa thì, đã không ít lần trơn quá bọn em và xe máy lăn mấy vòng là chuyện thường.

Khi chia tay với chúng tôi cô Khánh không hề  phàn nàn một điều gì mà chỉ mong các em học sinh ở đây, còn rất nhiều em điều kiện hoàn cảnh khó khăn, ở bản xa về học cần được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ những em ở bán trú có điều kiện để học tốt hơn. 

Phạm Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ