Dạy trẻ tiết kiệm điện năng

GD&TĐ - “Tiết kiệm điện” cần phải là một trong những cụm từ phổ biến cần được dạy cho trẻ để con có ý thức ngay từ nhỏ.

Học sinh cần có ý thức trong việc tiết kiệm điện. Ảnh minh họa
Học sinh cần có ý thức trong việc tiết kiệm điện. Ảnh minh họa

Thật khó kể hết những bất tiện trong cuộc sống và sản xuất khi bị mất điện. Do vậy mà “tiết kiệm điện” cần phải là một trong những cụm từ phổ biến cần được dạy cho trẻ để con có ý thức ngay từ nhỏ.

Tăng cường tuyên truyền cho học sinh

Ngày nay, hầu hết mọi thiết bị, vật dụng trong gia đình đều cần điện để vận hành. Điện đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ý thức tiết kiệm điện cần được tuyên truyền rộng rãi, nhất là đối với trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước.

Nhiều trường học đã tuyên truyền tiết kiệm điện qua các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép các tiết học, giúp trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng về sử dụng điện trong trường học, gia đình.

Mục tiêu của những hoạt động này là truyền đạt thông điệp về tiết kiệm điện một cách hiệu quả, mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa đến bạn bè, gia đình và cộng đồng về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Tại các buổi tuyên truyền, các em được tìm hiểu kiến thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt, nhấn mạnh những hành động nhỏ mang lại lợi ích lớn trong sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, để các em học sinh tìm hiểu kỹ hơn về các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, nhiều trường học còn tổ chức trò chơi hỏi đáp về kiến thức sử dụng điện, phát tờ rơi tuyên truyền và giải thích cặn kẽ những vấn đề liên quan đến sử dụng điện tại trường và tại gia đình.

Theo cô Lê Thu Huyền (giáo viên Trường THCS Thăng Long, Hà Nội), có nhiều cha mẹ dạy con tiết kiệm điện ngay từ lứa tuổi mẫu giáo. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể hiểu và làm theo những hướng dẫn đơn giản. Việc giáo dục sớm sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm điện một cách tự nhiên và bền vững, từ đó tạo nên một thế hệ có ý thức về việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên, việc giáo dục tiết kiệm điện cho trẻ nhỏ cần được thực hiện một cách phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của trẻ. Nên sử dụng các phương pháp giáo dục trực quan, sinh động và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như thông qua các trò chơi, câu chuyện, hình ảnh minh họa...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm gương cho trẻ bằng cách ngắt các nguồn điện của các thiết bị ở trạng thái chờ, và nói cho bé biết mục đích hành động này là để không tiêu thụ điện thụ động.

Không mở cửa tủ lạnh quá lâu, nhắc bé không tạo thói quen mở cửa tủ lạnh đứng trước đó cho mát, hành động đó vừa nguy hiểm vừa gây lãng phí điện. Bé tự tay cầm remote tắt tivi khi rời đi hoặc ba mẹ chọn chế độ hẹn giờ tự động tivi tự tắt.

Không mở máy lạnh khi đang mở cửa và thiết lập nhiệt độ chỉ từ 27 độ C, bé con chưa biết sử dụng remote máy lạnh thì không bấm nghịch.

day-tre-tiet-kiem-dien-1-5430-5098.jpg
Ảnh minh họa.

Tiết kiệm điện năng trong trường học

Trường học là nơi sử dụng rất nhiều điện năng để phục vụ quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Điện năng không phải nguồn năng lượng vô tận do đó nhà trường phải có kế hoạch tiết kiệm điện trong trường học một cách thông minh, hiệu quả và tối đa nhất.

Cô Phạm Hồng Trang (Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai, Hà Nội) chia sẻ các biện pháp giúp cho nhà trường có thể tiết kiệm điện năng một cách tối đa, rất hiệu quả và dễ thực hiện:

Tận dụng ánh sáng tự nhiên: Nguồn ánh sáng tự nhiên rất tốt cho mắt của các em học sinh, trong khi buổi tối các em đã sinh hoạt ở nhà bằng ánh sáng nhân tạo thì buổi sáng cần tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên để giảm nguy cơ cận thị đối với mắt. Đồng thời, nguồn ánh sáng tự nhiên có khả năng soi sáng dễ nhìn hơn ánh sáng nhân tạo, nên cần phải tận dụng điều này để tiết kiệm điện năng trong nhà trường.

Các phòng học cần thiết kế nhiều cửa sổ bằng kính để ánh sáng tự nhiên có thể vào phòng một cách dễ dàng.

Thay thế các loại đèn bằng đèn năng lượng mặt trời: Đèn năng lượng mặt trời là loại đèn sử dụng 100% năng lượng ánh sáng mặt trời. Qua quá trình hấp thụ ánh sáng vào ban ngày, đèn năng lượng mặt trời chuyển hoá thành điện năng và chiếu sáng lúc cần thiết bằng bộ điều khiển thông minh. Về chi phí tiền điện, đèn năng lượng mặt trời không ảnh hưởng gì đến chi phí tiền điện của nhà trường.

Sử dụng điện năng tiết kiệm: Trong trường học, máy tính, máy trình chiếu là phương tiện giảng dạy không thể thiếu trong trường học. Sau mỗi buổi học, giáo viên và các em học sinh cũng cần chú ý rút nguồn điện của các loại thiết bị này để tiết kiệm điện và tránh nguy cơ cháy nổ.

Bên cạnh đó, hoạt động của điều hoà tiêu tốn rất nhiều điện năng, vì vậy cần có cách sử dụng hợp lý để hạn chế chi phí tiền điện. Nên bật điều hoà 25 độ C vào ban ngày, và 27 độ C đối với các lớp học buổi tối.

Thường xuyên định kỳ kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ các bộ phận của điều hoà giúp cho máy chạy mượt mà không tiêu tốn nhiều điện năng. Các lớp học nên cử ra một người phụ trách về việc bật tắt các thiết bị trước và sau mỗi buổi học hoặc khi có các tiết học ngoài trời. Đây là biện pháp dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao giúp giảm chi phí cho điện năng và chống nguy cơ cháy nổ.

Trách nhiệm của học sinh: Các em là một bộ phận không nhỏ sử dụng lượng điện năng trong nhà trường. Khi là người ra khỏi lớp cuối cùng, nên xem lại các thiết bị điện để ngắt nguồn điện khi không còn sử dụng. Đồng thời, mỗi học sinh cần tích cực tuyên truyền vận động người thân, gia đình, cộng đồng và xã hội nâng cao ý thức thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Ten Hag bị Man United sa thải sau chuỗi trận thất vọng.

Man United sa thải HLV Ten Hag

GD&TĐ - Sau 2 năm rưỡi dẫn dắt Man United với nhiều thăng trầm, HLV Erik ten Hag chính thức bị sa thải.