Các chuyên gia cho rằng, điều này là cần thiết, giúp các em hiểu biết tài chính để ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống.
Mỗi lứa tuổi một cách dạy
Theo TS Nguyễn Thu Hương - chuyên gia giáo dục, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo dục tài chính cho học sinh cần thiết, qua đó giúp các em hiểu được giá trị của đồng tiền và lao động. Chẳng hạn, với học sinh tiểu học, việc dạy cho các em thuần thục các phép tính cộng - trừ - nhân - chia là chuyện bình thường và đơn giản. Nhưng nếu các em được giao nhiệm vụ đi siêu thị và được phép chi tiêu trong một khoản tiền nhất định, lúc đó việc dạy học không chỉ dừng lại ở các phép tính cơ bản nêu trên, mà sẽ là câu chuyện giáo dục tài chính. Bởi trẻ đã biết ứng dụng bài học vào trong cuộc sống, có những hiểu biết ban đầu về giá trị hàng hóa, từ đó có ý thức tiết kiệm chi tiêu và biết trân quý giá trị của lao động.
TS Nguyễn Thu Hương cho rằng: Giáo dục tài chính cho học sinh ở mỗi cấp học sẽ khác nhau. Chẳng hạn, đối với học sinh tiểu học, nên tổ chức các em "nhập vai" vào việc mua sắm những mặt hàng đơn giản như đồ dùng học tập… để có thể nhận biết sự khác nhau về giá trị của đồng tiền và lý giải được tại sao cửa hàng này bán giá này, cửa hàng khác lại bán giá kia. Từ đó, các em sẽ rút ra kinh nghiệm cho mình về cách chi tiêu.
Lên THCS, cần giáo dục cho học sinh biết cách lập kế hoạch chi tiêu, kiếm tiền. Chẳng hạn, trong môn Công nghệ, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm đồ handmade để bán... Hoặc giả sử, lớp học tổ chức một buổi liên hoan, giao lưu với lớp khác, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh lập kế hoạch tài chính. Các em sẽ phải mua sắm quà tặng, đồ dùng trang trí và những vật phẩm khác. Trên cơ sở đó, các em phải xây dựng kế hoạch chi tiết để mua sắm vừa đủ, không lãng phí. Nếu kế hoạch hợp lý, giáo viên sẽ duyệt chi để thực hiện... Thông qua các hoạt động này, học sinh dần hiểu rằng, để kiếm được tiền đã khó, chi tiêu như thế nào cho hợp lý cũng khó không kém.
Ở cấp THPT, TS Nguyễn Thu Hương nhận định: Đây là giai đoạn học sinh có thể tham gia sâu hơn về hoạt động tài chính. Chẳng hạn: Tổ chức cho các em thăm quan, thực nghiệm tại ngân hàng, hoặc các quầy thu ngân của cửa hàng, siêu thị… Đây cũng là một trong những hình thức giáo dục trực quan về định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Biết tiêu tiền hợp lý
Là chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm Toán (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh việc cần thiết giáo dục tài chính ngay từ tiểu học để các em không những hiểu về giá trị của đồng tiền, mà còn biết trân trọng sức lao động của người khác.
TS Đinh Thế Hùng phân tích, đối với học sinh tiểu học, chẳng hạn lớp 1 chúng ta có thể giáo dục học sinh nhận diện về tiền và sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý. Từ lớp 2 trở đi, giáo dục các em cách quản lý và chi tiêu. Việc này có thể lồng ghép tích hợp vào một số môn học nhưng điển hình nhất là môn Toán và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
"Chẳng hạn với môn Toán, có thể đưa ra các bài toán dưới dạng như: Nếu có 20.000, em mua được bao nhiêu quyển vở, biết mỗi quyển vở có giá là 5.000" - TS Đinh Thế Hùng dẫn giải, đồng thời chia sẻ: Đến THCS, chúng ta cần giáo dục các em biết cách sử dụng đồng tiền vào mục đích hợp lý; đồng thời biết lập kế hoạch chi tiêu, thậm chí tham gia vào kiếm tiền ở một số công việc nhẹ, phù hợp với lứa tuổi.
"Tôi tán thành với cách làm của một số trường khi tổ chức hướng dẫn học sinh làm đồ handmade, thu gom giấy vụn để bán lấy tiền ủng cho học sinh nghèo vùng khó. Để làm được việc này, các em phải có kế hoạch và lao động thực sự mới có được sản phẩm, và cuối cùng có được tiền để ủng hộ các bạn nghèo. Đây là cách giáo dục tài chính hữu hiệu cho học sinh" - TS Đinh Thế Hùng nhấn mạnh.
Theo TS Đinh Thế Hùng, ở trường THPT, có thể giáo dục các em làm thế nào để kiếm được tiền bằng sức lao động chân chính của mình và kế hoạch sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý, liên quan đến yếu tố hướng nghiệp cho học sinh. Giáo dục tài chính cho học sinh không thể gói gọn trong một môn học mà cần được tích hợp, lồng ghép ở nhiều môn học khác nhau. Việc này sẽ góp phần tạo ra thế hệ học sinh hiểu về tài chính, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế cuộc sống để giúp ích cho bản thân, gia đình, lớn hơn là góp phần phát triển ổn định bền vững nền kinh tế - xã hội.