Dạy người sau… song sắt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở tuổi ngoài 50, ông Giàng A Thào không nghĩ rằng sẽ có ngày tự tay cầm bút viết chữ.

Đại úy Lò Minh Thắng và các phạm nhân tại lớp xóa mù chữ.
Đại úy Lò Minh Thắng và các phạm nhân tại lớp xóa mù chữ.

Ông càng không thể ngờ, những dòng thư đầu tiên gửi về cho gia đình lại được viết ở sau song sắt nhà giam…

Lá thư đầu tiên ở tuổi 50

Phạm nhân Giàng A Thào là học viên lớn tuổi nhất của lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Nà Tấu.

Phạm nhân Giàng A Thào là học viên lớn tuổi nhất của lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Nà Tấu.

Tôi không bao giờ nghĩ là sẽ có ngày tự mình có thể đọc được thư của gia đình. Các con tôi càng không thể ngờ người bố mù chữ của chúng đi tù rồi mà lại có thể viết thư. Giờ thì đều đặn mỗi năm tôi viết 2 - 3 lá về cho gia đình. Chỉ cần biết vợ con khỏe, sống tốt là hạnh phúc rồi. Ông GIÀNG A THÀO

“Gửi vợ và các con! Bố Thào đây. Bố vẫn khỏe, cải tạo tốt. Các chú công an rất quý! Cả nhà yên tâm. Bố sẽ cố gắng phấn đấu để sớm được về!”. Đó là dòng thư nguệch ngoạc đầu tiên mà phạm nhân Giàng A Thào viết về cho vợ con. Đấy là nỗ lực được ông chắt chiu sau hơn 2 tháng cần mẫn học chữ khi đã bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời.

Ông Thào là người Mông, lớn lên trong gia đình thuần nông ở thung lũng Phình Sáng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm nên ông chưa từng được đến trường. Năm 2014, ông bị bắt vì buôn bán ma túy và được chuyển về Trại giam Nà Tấu (Bộ Công an).

Ông Thào kể, gia đình mình 3 đời không biết chữ. Quanh năm, suốt tháng chỉ biết đến cây ngô, cây lúa. Bởi thế, đói nghèo cứ mãi đeo bám. 6 đứa con của ông lần lượt ra đời, khiến gánh nặng “miếng cơm, manh áo” ghì chặt đôi vai người làm cha.

“Mỗi lần thấy con khóc vì đói, tôi xót lắm. Đang lúc khó khăn thì có người rủ tôi buôn ma túy, bảo sẽ được nhiều tiền. Túng quá nên tôi làm liều, ngay lần đầu tiên thì bị công an bắt. Lúc nghe tòa tuyên án 16 năm tù giam, tôi mới bật khóc. Biết là buôn ma túy vi phạm pháp luật, nhưng tôi không ngờ tội nặng đến thế”, ông Thào nghẹn ngào nhớ lại biến cố đầu tiên của cuộc đời.

Ngày ông bị tuyên án, vợ con, người thân không ai có mặt. Ông hiểu, vì gia đình ở quá xa. Cũng bởi thế, nên suốt những năm đầu tiên ở tù, ông bặt thông tin với vợ con. Mỗi lần nhìn phạm nhân khác có người nhà đến thăm nom, ông Thào lại ngồi lặng một góc, nghẹn ngào…

Thế rồi, khi nhận được thông tin trại giam mở lớp xóa mù chữ ông lập tức đăng ký học. Đôi bàn tay chai sần già nửa đời chỉ biết cầm cuốc, cày nên những ngày đầu phải nắn nót viết từng chữ cái thật sự là điều khó khăn. Nhưng ông bảo: “Khó đến mấy cũng phải học cho bằng được. Vì ở tù, chỉ có viết thư mới liên lạc được với gia đình”.

Sau gần 5 năm xa cách, lá thư đầu tiên của phạm nhân già đã đến được tay vợ và các con. Ông bảo, ngày mình bị bắt, đứa con gái út mới hơn 1 tuổi. Rồi cũng chính đứa trẻ ấy đã biên lá thư hồi âm đầu tiên cho ông.

Cũng theo ông Thào chia sẻ, chính những dòng thư qua lại suốt gần 3 năm nay là động lực mạnh mẽ để ông thêm quyết tâm phấn đấu. Không chỉ chấp hành nghiêm túc các quy định trại giam, ông Thào tích cực, hăng hái tham gia lao động sản xuất cũng như các hoạt động Ban giám thị phát động, tổ chức. Những nỗ lực đó đều được ghi nhận xứng đáng khi ông liên tiếp được giảm án qua các kỳ xét duyệt.

Sau hơn nửa hành trình cải tạo (8 năm, P.V), vừa qua ông Thào lại phấn khởi cầm bút biên thư về cho gia đình. Trong thư ông khoe với vợ con thông tin vài tháng tới sẽ được mãn hạn tù, chính thức tự do.

Những dòng nước mắt hạnh phúc một lần nữa lại rơi khi ông nghĩ đến khoảnh khắc vợ con đọc được tin vui này. Ông bảo, đây sẽ là lá thư cuối cùng ông thực hiện tại nơi đặc biệt này!

Trao “cần câu cơm”

Lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân tại Trại giam Nà Tấu.

Lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân tại Trại giam Nà Tấu.

Biết chữ là niềm hạnh phúc lớn lao, song với phạm nhân Lường Văn Kiên, huyện Thuận Châu (Sơn La) thì điều ý nghĩa hơn nữa là giờ đây đã có nghề trong tay. Kiên tâm sự, do lớn lên trong gia đình nghèo khó, không được đi học nên anh sớm lập gia đình (khi chưa đầy 20 tuổi).

Được bố mẹ đôi bên cho đất, dựng nhà, song vì không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống khó khăn. Vợ anh ở nhà chăm con, làm nương quần quật cả năm cũng chỉ tạm đủ lương thực trong 9 - 10 tháng. Thời điểm giáp hạt lại “giật gấu, vá vai”, chạy vạy vay mượn.

Còn Kiên, là trụ cột trong gia đình, song tuổi trẻ mải chơi nên không có nghề nghiệp ổn định. Lúc nào hứng ai thuê gì anh làm đó, buồn chán lại ở nhà, rượu chè, tụ tập bạn bè.

Trong những cuộc vui đó, Kiên gặp bạn xấu lôi kéo vào con đường buôn bán ma túy, kiếm tiền bất chính. Quyết định sai lầm khiến anh phải trả giá với bản án 15 năm tù giam.

“Cho đến tận lúc phải ra tòa, chứng kiến vợ khóc ngất lên, ngất xuống tôi mới tỉnh ngộ ra. Thấy mình làm khổ vợ con nhiều quá. Vào trại với tôi có khi lại là may mắn. Tôi có cơ hội sửa mình, làm lại cuộc đời. Gần 5 năm ở tù, song đổi lại tôi đã biết chữ, biết nghề”, anh Kiên bộc bạch.

Trong những lớp nghề được mở, anh Kiên chọn hàn xì. Vừa phù hợp với sức khỏe, sở thích, song theo như anh phân tích thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng. “Nếu có vốn tôi sẽ mở cơ sở riêng, còn không thì đi làm thuê cũng đủ sống. Có kiến thức, nghề nghiệp, tôi cũng tự tin hơn với ngày trở về”, anh Kiên nói.

Khác với Kiên, phạm nhân Đỗ Văn Hậu (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có kiến thức và nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin, hiểu biết pháp luật. Anh Hậu có vợ và 2 con.

Trước khi vào trại, anh làm lái xe thuê cho doanh nghiệp, với mức lương bình quân 8 - 12 triệu đồng. Song vì ham mê cờ bạc nên gia đình tan vỡ, bản thân cũng rơi vào vòng lao lý.

Những ngày đầu vào trại, anh Hậu chán nản và thường xuyên tỏ ra bất mãn. Nhiều lần giám thị phải gặp riêng để tìm hiểu, khuyên bảo. Anh kể, khi nghe cán bộ nhắc đến trách nhiệm của người làm bố với những đứa con, anh đã rất hối hận. Nhờ đó, có thêm động lực cải tạo, học nghề và quyết tâm rèn giũa lại bản thân.

“Vào trại rồi tôi mới thấy quý cuộc sống tự do bên ngoài. Có gia đình, công việc mà không biết giữ. Cán bộ trại đã giúp tôi sáng ra nhiều thứ, ổn định tâm lý hơn. Giờ tôi yên tâm học nghề hàn xì để sau này ra trại có thêm cơ hội việc làm, bù đắp lại cho con”, anh Hậu tâm sự.

Tiếp sức hoàn lương

Phạm nhân nắn nót những nét chữ đầu tiên.

Phạm nhân nắn nót những nét chữ đầu tiên.

Đóng chân trên địa bàn tỉnh biên giới, miền núi Điện Biên, Trại giam Nà Tấu đang quản lý hơn 1.800 phạm nhân. Trong đó, gần 86% phạm nhân người dân tộc thiểu số, trên 28% không biết hoặc tái mù chữ.

Theo Đại tá Vũ Thế Chuyển, Giám thị Trại giam thì đây chính là khó khăn, rào cản lớn đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên, Trại giam Nà Tấu đã tổ chức trên 100 lớp tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 3.000 lượt phạm nhân. Thống kê tỷ lệ tái phạm quay trở lại trại là 1,4%.

“Phạm nhân vào đây thì có rất nhiều nguyên do. Người vì nhận thức pháp luật kém, có người do hám lợi, cũng có trường hợp nóng giận tức thời dẫn đến phạm tội.

Song rất nhiều trong số họ không được đi học, không có nghề nghiệp ổn định… Vì thế, ngoài công tác giáo dục, cải tạo lại nhân phẩm, thì họ cần phải có nền tảng là kiến thức, nghề nghiệp để tự tin tái hòa nhập, làm lại cuộc đời”, Đại tá Chuyển chia sẻ.

Đó chính là lý do, những năm qua Trại giam Nà Tấu đẩy mạnh hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo của địa phương để mở lớp học chữ, học nghề. Đại tá Chuyển cho hay: Các khóa đào tạo đều được xây dựng trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân. Do vậy, phạm nhân đều rất hăng hái, tích cực tham gia.

Nhiều năm nay, Đại úy Lò Minh Thắng được giao trực tiếp đứng lớp xóa mù trong trại. Anh tâm sự, do nhận thức phạm nhân không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Không ít phạm nhân thậm chí chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Vì thế, không chỉ đầu tư về thời gian, mỗi tiết học, bài giảng Đại úy Thắng đều dành nhiều tâm tuyết. Dựa trên cơ sở phân loại đối tượng học viên để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp.

“Việc rèn chữ là vất vả nhất. Nhưng tôi cứ kiên trì cùng với học viên thì sau một thời gian họ cũng làm được. Mỗi lần họ vui mừng khoe rằng đã tự viết được tên mình, hay gửi thư về cho gia đình… tôi cũng thấy hạnh phúc lây. Có nhiều phạm nhân sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng còn viết thư cảm ơn cán bộ và đơn vị”, Đại úy Thắng cho biết.

Để tạo thêm động lực phấn đấu, trại thường xuyên phát động, tổ chức các phong trào thi đua: “Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”; phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”.

Thông qua những bài viết hay, cảm động về sự ăn năn, hối lỗi để giáo dục và khơi dậy tinh thần hướng thiện trong mỗi phạm nhân. Đặc biệt, cũng theo lãnh đạo trại giam, một trong những điểm mới của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân được đánh giá cao trong những năm gần đây là Hội nghị gia đình phạm nhân.

Tại đây, thân nhân sẽ được nắm bắt các chế độ, chính sách của Nhà nước về ăn, ở, sinh hoạt, lao động, chăm sóc y tế… trong quá trình cải tạo. Nhất là kết quả, tình hình chấp hành án của từng phạm nhân.

“Nhờ có hội nghị này mà tôi hiểu người nhà mình trong trại cũng được quan tâm, chăm sóc đầy đủ như bên ngoài. Vừa mang giá trị nhân văn, song đây còn là cơ hội để chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người thân.

Từ đó gắn kết, phối hợp nhịp nhàng hơn với giám thị để động viên, cảm hóa người thân cải tạo tốt hơn. Vững tin để phấn đấu, chờ ngày hoàn lương”, chị Nguyễn Thị Ánh (huyện Điện Biên) - người nhà phạm nhân bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ