Dạy ngoại ngữ bằng dự án tích hợp giáo dục kĩ năng sống: Hiệu quả bất ngờ

GD&TĐ - Để mang đến cho học sinh những tiết học thú vị, bổ ích, hiệu quả, cô Vương Thị Thu Trâm, giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình (Tiền Giang) đã có nhiều đổi mới trong dạy học.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Vĩnh Bình
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Vĩnh Bình

Thông qua các tiết học dự án trong giảng dạy môn Tiếng Anh, cô đã mang lại cho học sinh sự hào hứng, sáng tạo, hình thành kĩ năng mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho học trò.

Lồng ghép GD kỹ năng sống trong giờ Tiếng Anh

Sinh năm 1980 trong gia đình có truyền thống nghề giáo nên ngay từ nhỏ, mơ ước làm cô giáo để đem đến tri thức cho các em nhỏ đã thôi thúc trong cô gái trẻ Thu Trâm. Tốt nghiệp THPT, Vương Thị Thu Trâm thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Năm 2002, tốt nghiệp ĐHSP cô về dạy học tại Trường THPT Vĩnh Bình (Tiền Giang). Nơi đây đã nuôi dưỡng và chắp cánh tình yêu nghề giáo. Tích cực đổi mới phương pháp, không ngừng sáng tạo trong mỗi giờ giảng, cô đã tự mày mò, sáng tạo, xây dựng những bài giảng tiếng Anh tích hợp giáo dục kỹ năng sống, vừa là để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cũng là cách để trò luyện các kỹ năng tiếng Anh.

Cô Trâm chia sẻ: Trong những năm gần đây, việc thay đổi phương pháp giảng dạy mới đã từng bước áp dụng ở các trường THPT nhằm phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động tham gia vào quá trình học tập của học sinh dưới sự tổ chức hỗ trợ của giáo viên. Khi đề cập đến giáo dục ngày nay, điều đầu tiên được nói tới là sự phàn nàn về việc quá tải trong học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, những mối quan tâm của trẻ không chỉ dừng lại ở việc học trong nhà trường. Chúng ta thường thấy rằng, giới trẻ hiện nay không biết cách ứng xử, sống ích kỷ... Môn Giáo dục công dân được dạy hàng tuần nhưng không gây được ảnh hưởng tích cực như mong muốn đến quá trình phát triển nhân cách học sinh. Việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Làm thế nào để giúp các em biết cách ứng phó trước tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ, làm thế nào để thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh? Đó không chỉ là mong muốn của những người làm công tác giáo dục mà còn là nhu cầu của các em.

Đứng trước thực trạng đó, cô luôn băn khoăn và trăn trở là làm sao tạo được một tiết dạy đạt hiệu quả cao, thu hút được học sinh vào môn học để nâng dần chất lượng, và giúp học sinh hoàn thiện kiến thức của mình cũng như giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng sống của mình. Trong năm học 2017 - 2018, cô đã thực hiện đề tài “Nâng cao kỹ năng sống cho học sinh thông qua phương pháp dạy học dự án môn Tiếng Anh”. Đề tài của cô mang lại kết quả tốt, tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, là bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu Đề án ngoại ngữ của nhà trường.

Hiệu quả từ 4 bước dạy học phương pháp dự án

Cô giáo Vương Thị Thu Trâm
Cô giáo Vương Thị Thu Trâm 

Trong phương pháp dạy học dự án, cô Trâm chia quy trình dạy học dự án gồm bốn bước:

Bước 1: Lập dự án, đây là bước chuẩn bị của giáo viên và học sinh (chủ yếu là của giáo viên) trước khi học sinh bắt tay vào thực hiện dự án. Bước này có vai trò lớn trong việc quyết định đến sự thành công của toàn bộ dự án.

Bước 2: Tìm thông tin và xử lí thông tin dựa trên kế hoạch đã vạch ra, mỗi nhóm triển khai dự án. Một trong những công việc quan trọng là tìm thông tin, mỗi nhóm cần xác định ai tìm thông tin gì? Ở đâu? Như thế nào? Xử lí thông tin là công việc hết sức quan trọng, mỗi nhóm cần phải chọn ra được những thông tin có giá trị nhất và sắp xếp những thông tin theo trật tự thích hợp nhất, vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm trong mỗi giai đoạn triển khai dự án. Sau đó nhóm tổng hợp kết quả nghiên cứu, tìm hiểu của các thành viên để viết báo cáo.

Bước 3: Các nhóm trình bày sản phẩm trước lớp. Hết thời hạn thực hiện dự án, giáo viên tổ chức một buổi để các nhóm học sinh trình bày sản phẩm về dự án của mình. Các nhóm cử đại diện trình bày kết quả thực hiện dự án của nhóm mình. Các nhóm khác theo dõi, thảo luận, trao đổi, nhận xét, đóng góp ý kiến về kết quả làm việc của nhóm bạn đồng thời đưa ra đánh giá (bằng điểm số) theo các tiêu chí đã nêu trong các phiếu đánh giá (mà giáo viên thiết kế).

Bước 4: Giáo viên kết hợp mọi quá trình đánh giá: Tự đánh giá của nhóm thực hiện, đánh giá của nhóm bạn, đánh giá của giáo viên (đánh giá định kì và đánh giá sản phẩm cuối cùng) để đưa ra kết luận về kết quả thực hiện dự án của các nhóm học sinh, của từng học sinh. Lúc này giáo viên cần đưa ra những nhận xét: Nhận xét về tinh thần, thái độ làm việc của các nhóm, các cá nhân trong quá trình thực hiện dự án. Nhận xét về chất lượng sản phẩm thực hiện dự án của các nhóm. Công bố điểm số của từng nhóm; thưởng điểm cho những cá nhân xuất sắc, có đóng góp lớn cho thành công của nhóm mình. Lựa chọn ra sản phẩm của nhóm xuất sắc để lưu lại trong thư viện của trường để tham khảo và trình bày trước toàn thể học sinh trong trường.

Cô Trâm cho biết: “Thông qua các hoạt động trong dự án, học sinh chẳng những trang bị khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin, tư liệu, mà còn biết vận dụng kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em cập nhật nhanh chóng kiến thức mới, hình thành kĩ năng mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong việc thông tin – đó cũng là điểm mấu chốt cần thiết đối với thực tiễn dạy học hiện nay”.

Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh

Chia sẻ về môn Tiếng Anh giảng dạy trong nhà trường hiện nay, cô Trâm cho biết: Môn Tiếng Anh ở trường phổ thông có nhiệm vụ hình thành và phát triển ở học sinh bốn kĩ năng cơ bản (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua hoạt động dạy và học môn Tiếng Anh góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, mở rộng hiểu biết về một số phong tục, tập quán của nền văn hóa xã hội và con người nước Anh.

Do vậy, chương trình và nội dung dạy học môn Tiếng Anh ở phổ thông chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến kĩ năng sống và có khả năng tích hợp giáo dục kĩ năng sống cao. Kĩ năng sống đặc thù, thể hiện ưu thế của môn Tiếng Anh là giao tiếp, tiếp sau là kĩ năng nhận thức, bao gồm kĩ năng nhận thức thế giới xung quanh, tự nhận thức, ra quyết định… Khả năng giáo dục kĩ năng sống của môn Tiếng Anh không chỉ thể hiện trong nội dung môn học, mà còn được thể hiện qua phương pháp dạy học của giáo viên.

Để hình thành các kiến thức và rèn luyện kĩ năng mà chương trình đặt ra với học sinh phổ thông, người giáo viên phải vận dụng nhiều phương pháp dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Thông qua các hoạt động học tập, được phát huy trải nghiệm, rèn kĩ năng hợp tác, bày tỏ ý kiến cá nhân, đóng vai… học sinh có cơ hội rèn luyện, thực hành nhiều kĩ năng sống cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ