Dạy nghề trong làng nghề: Học để phát triển làng nghề

Dạy nghề trong làng nghề: Học để phát triển làng nghề

(GD&TĐ) - Ngày 20/9 vừa qua, Trường Trung cấp Nghề Kinh tế kỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành tổ chức lễ bế giảng lớp dạy nghề điêu khắc gỗ. Được biết đây là khóa dạy nghề do nhà trường phối hợp với UBND xã Hoài Thượng (Thuận Thành, Bắc Ninh) tổ chức, học chính nghề đã làm không phải mới mẻ nhưng vẫn thu hút đông đảo học viên tham gia vì người dân đã nhận thức được học nghề để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, nâng cao kỹ năng,  kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào thực hành sản xuất...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Nghề điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu có cách đây khoảng 200 năm, xuất phát từ HTX Sơn mài Bình Cầu. Cụ Đỗ Quang Bích, 94 tuổi, tham gia làm nghề từ khi còn rất trẻ kể lại: Thời xa xưa chủ yếu là làm dựng nhà thờ, làm đình chùa, tượng phật, đồ thờ tự, hoành phi câu đối...

Đến những năm 1980, kinh tế khó khăn bà con bỏ nghề, chỉ còn 3 – 5 hộ theo nghề. Năm 2000, làng nghề được khôi phục lại cho tới ngày nay”. Thôn Bình Cầu hiện có 140 hộ dân thì đã có 28 hộ tham gia sản xuất đồ gỗ chiếm 20%, 36 hộ đã từng làm nghề chiếm 25,7%, thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng. Với nhu cầu sử dụng những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ngày càng lớn và mong muốn khôi phục làng nghề truyền thống của ND Bình Cầu.

UBND xã đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Kinh tế kỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành mở lớp dạy nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ cho bà con. Lớp học có 30 học viên, học đều đặn trong 4 tháng. Kết thúc khóa học, đã có 5 học viên mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất mới. Anh Đỗ Quang Tĩnh, lớp trưởng lớp điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu chia sẻ: “Là người đã tham gia sản xuất cả chục năm nay nhưng tôi làm theo kiểu tay quen, học từ đời các cụ để lại.

Điểm khác biệt của khóa học tại thôn là tôi được tiếp cận với máy móc công nghệ hiện đại, áp dụng những kỹ thuật tinh xảo, nghệ nhân trực tiếp đứng lớp, giao lưu với thợ giỏi ở các vùng lân cận... Tôi sẽ áp dụng ngay vào thực tế của gia đình”.

Thầy Nguyễn Văn Chế - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kinh tế kỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành cho biết: dạy nghề xong rồi người dân có làm nghề và sống với nghề không đấy là điều không phải đơn vị nào cũng làm được nhất là trong điều kiện kinh tế ngày một khó khăn, nghề mộc lại có nguồn nguyên liệu đắt đỏ.

Do vậy, khi khảo sát chúng tôi cũng nhận định dạy nghề để người dân làm đúng với nghề đã học. Thầy Chế cũng tỏ rõ sự tin tưởng vào cách thức tổ chức dạy nghề cho nông dân theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ: “Thuận Thành là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi xã đều có một làng nghề truyền thống nhưng lại không phát triển được nghề.

Việc đưa dạy nghề vào làng nghề sẽ giúp người dân phát triển chính nghề đã làm. Như vậy, làng nghề mới mang tính bền vững đồng thời tạo cơ sở cho việc giảm tỷ lệ hộ nghèo...”. Để tạo điều kiện và đảm bảo tính bền vững cho học viên sau học nghề Trường Trung cấp Nghề Kinh tế kỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành phối hợp với Ngân hàng NNPTNN huyện Thuận Thành hỗ trợ cho bà con vay vốn với chính sách ưu đãi; liên kết với các cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tham gia bao tiêu sản phẩm. 

Ông Đỗ Quang Hà, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thôn Bình Cầu cho hay: Mặc dù là chủ sản xuất, kinh nghiệm nghề có nhưng tôi vẫn háo hức tham gia lớp học nghề tổ chức ngay chính cơ sở của gia đình. Lớp học kết thúc, tôi đề xuất với chính quyền để nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con khi làm nghề.

Ngô Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ