(GD&TĐ) - Trong tháng 9 và những tháng còn lại của năm 2010, ngành Công thương cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn, tiếp tục kiểm soát nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá trong nước đã sản xuất được để hạn chế nhập siêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo trong buổi giao ban trực tuyến công tác tháng 8/2010 tổ chức sáng 6/9 tại hai đầu cầu Hà Nội- TP. Hồ Chí Minh.
Xuất khẩu tăng nhưng còn khó khăn
|
Xuất khẩu nông sản tăng về giá. Ảnh,internet |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2010 và 8 tháng đầu năm, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dù còn gặp nhiều khó khăn, song đều đạt kết quả khá, nhiều lĩnh vực đã vượt mục tiêu đề ra, trong đó, đáng chú ý là xuất nhập khẩu.
Cụ thể, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 6,0 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 7, nhưng nếu tính chung cho 8 tháng đầu năm thì kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ với con số ước khoảng 44,5 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ước đạt 20,57 tỷ USD, tăng 12,6%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 20,65 tỷ USD, tăng 39,9%. Nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng thì kim ngạch xuất khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tăng 5,89 tỷ USD so với cùng kỳ chiếm phần lớn trong số tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 7,34 tỷ USD).
Nếu xét theo nhóm hàng xuất khẩu thì so với cùng kỳ, nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,4 tỷ USD, tăng 14,7%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 5,19 tỷ USD, giảm 8,5% (do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh 20,5%); nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 23,99 tỷ USD, tăng 23,3%.
Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm nay, một nhân tố thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu là giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng, điển hình như: giá hạt điều tăng 18,9%, hạt tiêu tăng 39,9%, gạo tăng 2,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 71,7%, dầu thô tăng 42,2%... đã tác động lớn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Vì vậy, so với cùng kỳ, dù lượng xuất khẩu giảm (chỉ có lượng xuất khẩu của quặng và khoáng sản tăng 24,5%, sắt thép tăng gấp 3 lần, còn lại hầu hết các mặt hàng đều tăng ít hoặc giảm nhẹ, thậm chí, một số mặt hàng giảm mạnh, như: sắn và sản phẩm từ sắn giảm 53,5%, than đá giảm 16,3%, dầu thô giảm 44,6%...) nhưng về giá trị, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng (trừ cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn, dầu thô). Điển hình như kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng 11,8%; gạo tăng 11,4%; nhân điều tăng 25,2%; hay cao su tăng tới 89,4%.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáng nay, mặc dù chỉ ra những con số suy giảm nhẹ về thị trường xuất khẩu trong tháng 8/2010 (trừ thị trường châu Âu tăng 7,3%, còn lại thị trường châu Á giảm 3,4%; EU giảm 1,8%; Hoa Kỳ giảm 0,3%; Trung Quốc: giảm 2,4%) nhưng nếu tính chung trong cả 8 tháng, xuất khẩu vào hầu hết các thị trường chính so với cùng kỳ năm 2009 vẫn tăng đáng kể. Trong đó, thị trường châu Á tăng 30,8%; châu Âu tăng 2,7%; Hoa Kỳ tăng 25,5%; Trung Quốc tăng 43,4%...
Tuy nhiên, khi nhận định về tình hình xuất khẩu trong tháng 9 và những tháng còn lại, dù đánh giá cao khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra cho xuất khẩu năm 2010, song nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại.
Nguyên nhận chính được chỉ ra là, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đến ngưỡng sản lượng (khó có thể tăng). Trong khi đó, các mặt hàng công nghiệp, công nghệ, dù có thể tăng về lượng nhưng giá trị gia tăng hiện rất thấp và khó có thể nâng cao giá trị này trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã ít nhiều ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp hoạt động ngoại thương (cả xuất và nhập khẩu) trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn khan hiếm.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm chính là khả năng tiếp cận các nguồn vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm nay.
Mối lo nhập siêu
Việc tăng trưởng khả quan của xuất khẩu và nhập khẩu giảm là nhân tố tích cực hạn chế nhập siêu của nước ta trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm nay. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 7. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 7,1%.
Phân tích theo nhóm hàng thì nhóm cần thiết nhập khẩu ước đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,8%; nhóm hàng cần phải kiểm soát ước đạt 0,37 tỷ USD, tăng 6,7%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 0,43 tỷ USD, giảm 9,5% và nhóm hàng khác ước đạt 0,58 tỷ USD, tăng 54,3%.
Kết quả hoạt động nhập khẩu trong tháng 8/2010, mặc dù có giảm so với tháng 7, song nếu lũy kế trong 8 tháng đầu năm thì kim ngạch nhập khẩu của nước ta vẫn tăng 24,4% so với cùng kỳ với con số ước đạt 52,68 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu của việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, theo Bộ Công Thương, chủ yếu do giá cả của hầu hết các mặt hàng từ đầu năm đến nay đều tăng, cụ thể: giá xăng dầu tăng 35,3%; khí đốt hoá lỏng tăng 38,6%; chất dẻo nguyên liệu tăng 32,4%; cao su tăng 57,6%; giấy các loại tăng 27,1%; bông các loại tăng 40,1%; sợi các loại tăng 27,7%; sắt thép các loại tăng 31,6%; kim loại thường tăng 32,4%...
Ngoài ra, do một số mặt hàng nhập khẩu liên tục tăng cả về giá trị và lượng nhập khẩu. Như lúa mỳ tăng lần lượt là 52,7% về giá trị và 56,8% về lượng; chất dẻo nguyên liệu tăng 38,1% và 4,3%; cao su tăng 64,7% và 4,6%... cũng được xem là nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm tăng.
Với diễn biến cán cân thương mại như trên, nên dù trong tháng 8, ước nhập siêu cả nước chỉ khoảng 0,9 tỷ USD, bằng 15,0% kim ngạch xuất khẩu nhưng nếu tính chung cho cả 8 tháng đầu năm thì nhập siêu ước khoảng 8,15 tỷ USD, bằng 18,32% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 20% cho năm nay) song với những diễn biến theo quy luật hàng năm (nhập khẩu những tháng cuối năm thường tăng) thì mối lo về nhập siêu vượt con số 20% là hiện hữu nếu không có ngay những biện pháp đồng bộ và hiệu quả.
Giải pháp lớn cho 4 tháng còn lại
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc hộp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ rõ, mặc dù đây là tháng thứ 4 liên tiếp chúng ta có kim ngạch nhập siêu dưới 20% song một mặt do xuất khẩu tháng 8 giảm nhẹ so với tháng 7, mặt khác, hiện nay nguồn cung hàng hóa thuộc nhóm nông lâm thủy sản đã cân đối vừa đủ cho các hợp đồng lớn nên để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu trong tháng 9 và những tháng còn lại của năm 2010, toàn ngành cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá trong nước đã sản xuất được để hạn chế nhập siêu.
Đi vào các giải pháp cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ và cộng đồng doanh nghiệp nói chung cần tập trung khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc bộ là chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn Nhà nước cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư nhằm hạn chế nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện; khắc phục nhanh sự cố các nhà máy nhiệt điện để sớm huy động nguồn trở lại.
Các cơ quan thuộc bộ và doanh nghiệp nói chung phải phối hợp hiệu quả hơn nữa nhằm tăng cường các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới; cân đối nhu cầu nhập khẩu của đơn vị, cần đến đâu nhập đến đó để cùng với cả nước kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Cuối cùng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm... kịp thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Giang Đông/CT