Việc tuân thủ phòng vệ thương mại của nước ngoài là yếu tố quan trọng để thích ứng với “luật chơi” toàn cầu.
Cập nhật sớm vụ việc phòng vệ thương mại
Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định thương mại các nước trên thế giới.
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, tính đến tháng 4/2025, Ấn Độ đã khởi xướng tổng cộng 39 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam; trong đó, có 27 vụ chống bán phá giá, 6 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra gồm: Thép, ống đồng, sợi nhựa, kính năng lượng mặt trời đến gỗ MDF... Cơ quan điều tra Ấn Độ có xu hướng áp đặt, lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có những kết luận chưa thuyết phục/không phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, việc khai thác lợi thế phụ thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp.
Lợi thế từ hội nhập, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) là công cụ hữu hiệu, thường xuyên để bảo vệ doanh nghiệp.
Ngoài những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… một số nước bắt đầu quan tâm và sử dụng thường xuyên biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước.
Bà Nguyễn Anh Thơ - Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến tháng 4/2025, Việt Nam đã ghi nhận với tổng cộng 284 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu; trong đó, chống bán phá giá chiếm 54,6% và tự vệ chiếm 20,8%.
Trước đó, năm 2024, Việt Nam gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc bị điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài (27 vụ). Đặc biệt, riêng Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc bị điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều quốc gia như như: Ấn Độ, Canada, Indonesia... đang tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra có kim ngạch lớn như: Pin năng lượng mặt trời, tôm, thép đến các sản phẩm nhỏ hơn như đĩa giấy, khay đúc từ sợi giấy...
“Xu hướng điều tra sắp tới cũng được dự báo sẽ ngày càng khắt khe, thủ tục chặt chẽ hơn, thời hạn trả lời ngắn và yêu cầu bổ sung thông tin liên tục. Ngoài ra, một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên thường sử dụng giá của nước thứ ba để tính chi phí sản xuất. Điều này dẫn tới mức thuế áp dụng cao hơn thực tế khiến hàng hóa Việt sẽ có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh”, bà Nguyễn Anh Thơ nhận định.
Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo, hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh sang thị trường như Mexico, ASEAN… sẽ gia tăng việc điều tra để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Trước xu hướng điều tra phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã phát triển hệ thống cảnh báo sớm nhằm thu thập và phân tích dữ liệu xác định mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên cập nhật kịp thời danh sách cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, tăng cường nâng cao năng lực phòng vệ thương mại ở các ngành hàng.

Thích ứng với “luật chơi” quốc tế
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo làn sóng bảo hộ, điều tra phòng vệ thương mại gia tăng buộc doanh nghiệp phải thích ứng nhanh để tuân thủ “luật chơi” quốc tế.
Bộ Công Thương đưa ra hệ thống cảnh báo sớm, xác định một số nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cao gồm: Thép carbon chống ăn mòn (CORE), ống thép hộp và ống thép tròn, cáp thép dự ứng lực, thép cán nóng, pin năng lượng mặt trời, lốp xe tải và xe khách; gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng,…
“Doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, nắm vững quy định phòng vệ thương mại tại thị trường mà xuất khẩu, hướng đến. Việc này không chỉ giúp ứng phó kịp thời khi bị điều tra, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế”, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch về chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào một vài quốc gia, tránh rủi ro khi có sự thay đổi về chính sách. Đầu tư khoa học công nghệ, tiêu chuẩn sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khả năng bị cáo buộc bán phá giá hay trợ cấp gián tiếp.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch hóa tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa, áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ tự chủ sản xuất nguyên liệu. Những yếu tố này không chỉ giúp chứng minh minh bạch với cơ quan điều tra mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Doanh nghiệp cần tận dụng tốt lợi thế từ FTA để gia tăng xuất khẩu và xây dựng năng lực phòng vệ thương mại như một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Trang bị kỹ năng nhận biết nguy cơ gian lận của hàng nhập khẩu để có biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh”, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh thêm.
Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp cần tích cực tham dự các hội thảo, khóa học do Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc hiệp hội ngành hàng tổ chức để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng ưu đãi.
Tuân thủ cam kết phi thương mại như đáp ứng các yêu cầu về lao động, môi trường và phát triển bền vững để tránh rủi ro pháp lý hoặc bị kiện thương mại. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để được hỗ trợ thông tin về FTA và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi các FTA.
Việc đẩy mạnh cảnh báo sớm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2025 (từ ngày 16/4 đến ngày 30/4) đạt 38,74 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 4/2025 (từ ngày 1/4 đến ngày 15). Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 16,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.