Nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh từ phổ thông đến đại học |
(GD&TĐ) - Sự nghiệp GD&ĐT nước ta đang bước vào giai đoạn hết sức quan trọng, mang tính quyết định: Giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 29 – NQ/TW). Định hướng được đưa ra là: Đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD – ĐT; phấn đấu đến năm 2030 nền GD Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực…
Tạo sự chuyển biến mới trong GD đại học
Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đối với GD mầm non, GD phổ thông, GD nghề nghiệp, GD đại học, GD thường xuyên, đối với việc dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài. Quan điểm chỉ đạo của Đảng một lần nữa đã được khẳng định ở đây: GD - ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết cũng đã nêu hiệu quả GD - ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là GD đại học, GD nghề nghiệp… Để đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, GD đại học phải có sự chuyển biến căn bản, toàn diện.
Đối với GD đại học cần có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng. Trường đại học phải đảm bảo các yếu tố cơ bản: Giảng dạy đạt chất lượng cao, nghiên cứu khoa học (NCKH) đạt trình độ tiên tiến. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đi sâu vào hoạt động NCKH trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI.
Nghiên cứu các giống sản phẩm mới trong nông nghiệp tại Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) |
Nghiên cứu phải ngang bằng giảng dạy
Bên cạnh nhiệm vụ chính là công tác đào tạo, NCKH được coi là hoạt động cơ bản trong trường đại học. Một trường đại học muốn sánh ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và quốc tế thì công tác NCKH phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng song song với nhiệm vụ giảng dạy.
Các trường đại học trên thế giới và trong khu vực luôn luôn tạo dựng môi trường NCKH, phát huy tài năng, chế độ ưu đãi với các giảng viên để họ đầu tư cho NCKH.
Theo GS Lee Sing Kong, Giám đốc Học viện Giáo dục Singapore, nghiên cứu phải ngang bằng giảng dạy. Ở Trường Đại học NIE, Singapore có 3 cột để đánh giá giảng viên: Nghiên cứu - Giảng dạy - Hoạt động khác.
Trường NIE tập trung vấn đề đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin, thư viện, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và NCKH. Họ chia đội ngũ giảng dạy thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: Nghiên cứu 6 – Giảng dạy 4 (Dịch vụ 2)
- Nhóm 2: Nghiên cứu 3 – Giảng dạy 7 (Dịch vụ 2)
Vì quan tâm đến chất lượng giảng dạy và NCKH nên chương trình đại học và sau đại học của họ được quốc tế đánh giá cao.
Trường Đại học California (Hoa Kỳ) đánh giá giảng viên theo 2 tiêu chí: Giảng dạy và NCKH. Nhiều phát minh khoa học của trường có giá trị kinh tế cao. Những kết quả nghiên cứu của họ có tiếng vang trên toàn liên bang và quốc tế.
Trường Đại học Melbourne (Australia) có nhiều đề tài NCKH, dự án giáo dục mang tính quốc tế, hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Hàng năm, trong sổ “Danh dự” của trường có danh sách các giảng viên đạt thành tích trong giảng dạy và NCKH. Trong số đó có cả các giáo viên trẻ chứ không chỉ các giáo sư danh tiếng.
Ở Nhật Bản có chính sách khuyến khích hợp tác NCKH giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, tốc độ chuyển giao từ trường đại học đến các doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tổng số phát minh, sáng chế của các trường đại học quốc lập năm 2007 là 8.000 phát minh. Doanh thu bán sáng chế của các trường đại học là rất lớn.
NCKH được coi là hoạt động cơ bản tại các trường đại học |
Sáu trọng tâm để nâng cao hiệu quả NCKH:
Học hỏi kinh nghiệm thế giới, chúng tôi mạnh dạn nêu sáu trọng tâm cần thiết để đẩy mạnh công tác và hiệu quả NCKH trong các trường đại học ở Việt Nam như sau:
1. Nên có cách nhìn đúng đắn trong việc xác định vị trí trọng tâm của NCKH trong trường đại học. Cần có sự chỉ đạo sát sao từ Trường, Viện, Khoa trong việc hoạch định chiến lược NCKH phục vụ giảng dạy và nhu cầu xã hội .
2. NCKH không chỉ bó hẹp trong một trường mà cần có những đề tài “liên khoa” ,“liên trường”, “liên quốc gia”. Như vậy sẽ tập hợp được lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu có năng lực tham gia những công trình khoa học lớn.
3. Bên cạnh đó, cần thay đổi tiêu chí đánh giá giảng viên. Nên lấy hai tiêu chí cơ bản: Giảng dạy và NCKH để đánh giá hàng năm.
4. Nội dung của hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cần được mở rộng ở nhiều lĩnh vực:
- Nghiên cứu cơ bản: Phục vụ cho công tác dạy học ở trường và góp phần xây dựng chủ chương chính sách của Nhà nước.
- Nghiên cứu khoa học giáo dục: Đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy ở các ngành của nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục đại học.
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học: Góp phần giải quyết các nhu cầu cấp thiết phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
- Gắn kết các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng các đề tài NCKH phục vụ sản xuất, dịch vụ…
5. Để đáp ứng các nội dung của hoạt động NCKH nêu trên, kinh phí NCKH cần có nhiều nguồn:
- Nguồn kinh phí từ các trường đại học
- Nguồn kinh phí của Bộ, của Nhà nước, của các Sở KHCN
- Nguồn kinh phí do các tổ chức, các quỹ khác hỗ trợ
- Nguồn kinh phí của các doanh nghiệp ký kết với các trường đại học
6. Kết quả NCKH của các đề tài đạt chất lượng cao cần được triển khai vào thực tiễn.
NCKH ở các trường đại học có tầm quan trọng đặc biệt. Nó không những là nhiệm vụ của giảng viên, là một trong hai hoạt động cơ bản của trường đại học, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn giúp giảng viên, sinh viên thu nhận được những thông tin khoa học, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Vì vậy, công tác NCKH cần được đẩy mạnh hơn nữa để thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững của các trường đại học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam.
Các trường đại học nước ngoài NCKH được họ hết sức chú trọng. Ở nước ta, đa số các trường đại học chưa thực sự quan tâm, đặt NCKH vào vị trí trọng tâm trong hoạt động của nhà trường. Đặc biệt là áp lực từ công tác giảng dạy và công tác khác, các chế độ, quy định trong NCKH chưa động viên giảng viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu... |
TS Nguyễn Thị Quy