Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

GD&TĐ - Những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp được Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai thực hiện có hiệu quả.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Mở rộng liên kết với các doanh nghiệp

Những năm qua, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tại tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, tạo điều kiện, xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên; Phân hiệu đã chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng việc liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện nay, phân hiệu đã và đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược với rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn đa lĩnh vực, uy tín, danh tiếng trong nước và thế giới thuộc các lĩnh vực Nông Lâm - nghiệp, Du lịch, Văn hóa.

Cụ thể, phân hiệu có mối quan hệ hợp tác với các đơn vị như: Viện di truyền Nông nghiệp, Viện chăn nuôi, Tập đoàn SunGroup vùng Tây Bắc, Quỹ Khuyến học Vinacam – Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam; Khách sạn Sapa Jade Hills, Tổ chức sáng kiến Nâng cao năng lực cộng đồng khu vực Đông nam Á (SEARICE) và Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng và Phát triển nông thôn (ICERD), Công ty Văn hóa Phúc Lai Đức, Bắc Kinh, Trung Quốc; trường Đại học Udon Thani Rajabhat, Thái Lan...

Trong năm học 2023-2024, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Kim Thành Lào Cai, Công ty Đo đạc và Bản đồ Nhật Minh, Công ty Kỹ thuật Tài Nguyên Môi trường Hà Nội tại Lào Cai đã trao tặng nhiều học bổng có giá trị.

Sự hợp tác của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục và hướng nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Các doanh nghiệp đã chung sức với nhà trường để tặng học bổng, giúp sinh viên giảm áp lực tài chính, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Từ các mối liên kết chặt chẽ này, Phân hiệu đã triển khai công tác đào tạo theo phương châm “đào tạo phải gắn liền với thực tiễn”. Chương trình đào tạo được tổ chức khoa học, phân chia hợp lý các học phần, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Sinh viên được trải nghiệm, học hỏi từ các chuyên gia, tham gia tham quan, thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, sinh viên được tiếp cận, cọ xát với môi trường thực tế, góp phần rút ngắn khoảng cách từ nhà trường đến doanh nghiệp. Đồng thời, giúp sinh viên nâng cao khả năng sáng tạo, có tư duy độc lập.

Tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm: Sinh viên theo học tại Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai thông qua các chương trình hội thảo, ngày hội việc làm, sinh viên được trải nghiệm thực tế, cùng các doanh nghiệp chia sẻ môi trường làm việc, cơ hội thách thức đối với sinh viên trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi khắt khe.

Hằng năm, phân hiệu tổ chức cho sinh viên tham gia Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp - Giới thiệu việc làm do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức; đồng thời các khoa đều tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên theo các chuyên ngành đào tạo, thu hút rất nhiều doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động tham gia, và số sinh viên ứng tuyển lên đến 200 sinh viên mỗi năm; đồng thời có rất nhiều sinh viên được tuyển dụng ngay tại ngày hội.

image8.png
Các em sinh viên Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai tham gia ngày hội Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

Em Ngô Thị Hồng Phượng - lớp Đại học K8 Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chia sẻ: Chương trình Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp do nhà trường tổ chức giúp chúng em có cơ hội được giao lưu, phỏng vấn, ứng tuyển trực tiếp tại các gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động.

Từ đó, chúng em hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, nhu cầu lao động cũng như các yêu cầu về kỹ năng, nghiệp vụ mà nhà tuyển dụng hướng tới, nắm bắt có lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp cho bản thân ngay sau khi ra trường, em dự định sẽ đi du học tại CHLB Đức và trở về góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương đất nước…

Từ những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã học được, sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được nhiều doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn gợi ý tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Những năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên Phân hiệu tìm được việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt mức trên 96% mỗi năm.

Nhiều sinh viên được đánh giá cao về chuyên môn, được các doanh nghiệp uy tín tin tưởng giữ lại làm việc sau thời gian thực tập. Không chỉ được học tập, làm việc trong môi trường thực tập hiện đại, chuyên nghiệp, các doanh nghiệp còn sẵn sàng trả lương cho những đóng góp xứng đáng của sinh viên thực tập.

Với sự linh hoạt trong chiến lược phát triển, sự uy tín với xã hội và các doanh nghiệp, thời gian tới Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục triển khai đánh giá ngoài các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế AUN-QA, tăng cường mở rộng hoạt động hợp tác, ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn nhằm cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, đồng thời thường xuyên cập nhật các thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng để cung cấp đến sinh viên một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, giúp sinh viên giải quyết được những băn khoăn về việc làm sau khi ra trường - Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...