“Chủ trương chung là vẫn như mọi năm, như vậy sẽ giúp HS ổn định về mặt tâm lý” – ông Hiếu nhận định.
An toàn đến điểm thi
- Xin ông cho biết, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã có những bước chuẩn bị gì để Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đạt kết quả tốt?
- Ngay sau Hội nghị toàn quốc tại TP HCM, cuối tháng 3/2019, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị trong toàn ngành, kết hợp với phòng PA 03 của Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố để tổ chức truyền đạt, triển khai và phổ biến đến tất cả các đơn vị trực thuộc và những thành phần liên quan về Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Sở GD&ĐT Tuyên Quang đang tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch tổ chức kỳ thi trên địa bàn, trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các sở/ngành/địa phương liên quan. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan của địa phương về những điều mới, điều chỉnh của kỳ thi năm nay.
- Tuyên Quang địa hình khó khăn, có những cụm thi xa trung tâm, xin hỏi việc vận chuyển đề thi, bảo đảm an toàn cho thí sinh khi đến dự thi, bảo quản bài làm của thí sinh, cắt cử cán bộ giáo viên… đã được lên kế hoạch như thế nào, thưa ông?
- Tỉnh Tuyên Quang hàng năm đều có tính toán kỹ lưỡng trong kế hoạch chung cho Kỳ thi THPT quốc gia. Như việc vận chuyển đề thi từ nơi sao in đến các điểm thi và ngược lại, chuyển các bài thi từ các điểm thi về Hội đồng chấm thi đều có sự phối hợp và chỉ đạo của BCĐ, đó là sử dụng xe chuyên dụng của Bưu điện tỉnh, đảm bảo an toàn, có cán bộ an ninh, lực lượng bảo vệ trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra tại các điểm thi đều bố trí lực lượng vòng trong, vòng ngoài.
Chúng tôi phối hợp với gia đình HS và địa phương đã tính toán phương án kỹ lưỡng với các trường hợp, về cơ bản HS sẽ không có sự bất ngờ hay bị ảnh hưởng bởi việc nhà xa, gần hay bão lũ, cháy nổ. Đối với các huyện có địa bàn khó, ngành GD đã tham mưu và địa phương vào cuộc rất sát sao, cụ thể. Như phương án để các thí sinh đến điểm thi đã được rà soát đến từng em một. Lập danh sách những trường hợp thí sinh nào qua sông, suối, đèo cao được bố trí ăn ngủ tập trung tại điểm thi, tránh rủi ro bất thường, thiệt thòi cho các em, ảnh hưởng tới kỳ thi của địa phương nói riêng, kỳ thi của toàn quốc nói chung.
Lập tổ chuyên môn cốt cán của Sở GD&ĐT
- Xin ông cho biết việc triển khai ôn tập cho HS lớp 12 tại tỉnh Tuyên Quang có gì khác so với mọi năm?
- Ngay từ đầu năm học, chúng tôi quán triệt các nhà trường kiểm tra, đôn đốc tổ chức dạy học đúng theo kế hoạch, không cắt xén, dồn ghép chương trình. Địa bàn ở đây rất rộng, dân số ít, HS không nhiều nên ở từng nhà trường lại có phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp. Ngay từ tháng 10/2018, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã tổ chức các tổ chuyên môn cốt cán để xuống giúp trường vừa giám sát, vừa theo dõi sát sao việc tổ chức ôn tập cho HS.
Đặc biệt, năm nay có thay đổi tỷ lệ xét tốt nghiệp với 70% điểm thi - 30% học bạ. Trước đây, GV, HS ở các tỉnh miền núi thường có tư tưởng “có điểm học bạ cũng đỡ đi”! Nhưng năm nay ngay từ khi dự thảo được đưa lên, ngành GD Tuyên Quang đã chủ trương phân tích dữ liệu năm 2018 để thấy với tổng số HS như năm ngoái, nếu theo phương án xét tốt nghiệp của năm nay thì khả năng tỷ lệ trượt như thế nào ở cả tỉnh và ở từng trường. Với phân tích số liệu này, ngay từ 10/2018, chúng tôi đã yêu cầu các trường có phương án hỗ trợ, ôn tập, kiểm tra thử, sát hạch cho HS. Chúng tôi tin rằng với sự vào cuộc tích cực ngay từ đầu năm học, Kỳ thi THPT quốc gia 2109 sẽ có kết quả khả quan.
- Cùng với Kỳ thi THPT quốc gia thì thành quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp cũng thể hiện rõ qua việc lựa chọn ngành nghề của HS. Ông có thể cho biết việc hướng nghiệp cho HS lớp 12 ở Tuyên Quang hiện nay được thực hiện như thế nào?
- Công tác hướng nghiệp ở Tuyên Quang trong những năm gần đây đã có những thay đổi, điều chỉnh khá tích cực. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ngay từ 2015 ban hành kế hoạch và tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp ngay từ bậc THCS đến THPT. Trên địa bàn Tuyên Quang đã tổ chức vừa học GDTX, vừa học trung cấp nghề. Bên cạnh đó, HS đã có nhận thức tùy vào năng lực, nhu cầu thực tế của thị trường lao động để đi học CĐ, học nghề, xuất khẩu lao động, tham gia ngay vào thị trường lao động, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc học ĐH, thậm chí học cao học ra nhưng không xin được việc. Các nhà trường cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị để tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS theo cụm xã, cụm huyện và làm khá tốt.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!