Đẩy mạnh công tác tham mưu, xây dựng chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương

GD&TĐ - Trong năm học 2016 – 2017 vừa qua, toàn Ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai 5 giải pháp cơ bản và hoàn thành tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của ngành để có bước phát triển một các toàn diện và bền vững.

Đẩy mạnh công tác tham mưu, xây dựng chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương
Trong năm học 2016 - 2017, Ngành GD tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục đạt hiệu quả cao
 Trong năm học 2016 - 2017, Ngành GD tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục đạt hiệu quả cao

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo ông Phạm Việt Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, một trong 9 nhiệm vụ được ngành nỗ lực chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện là ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục đạt hiệu quả cao.

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản triển khai, thực hiện kế hoạch.

Kết thúc năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã cơ bản đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho hoạt động GD&ĐT. 100% các cơ sở giáo dục đã có đủ số máy tính, máy in phục vụ cho hoạt động quản lý điều hành tại các đơn vị, số phòng máy thực hành, phòng đa phương tiện… đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học tại các nhà trường.

Đến nay, Sở GD&ĐT hoàn thành giai đoạn 1 việc phát triển Cổng thông tin ngành giáo dục theo hướng dẫn tại Thông tư 53 của Bộ GD&ĐT. Khai thác có hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý như phần mềm phục vụ thi THPT quốc gia năm 2017; phần mềm PC-XMC; Hệ thống thống kê số liệu toàn ngành Giáo dục Đào tạo (EMIS) được triển khai trực tuyến đến các đơn vị trong toàn ngành; Các phần mềm về quản lý kế toán MISA, quản lý tài sản...

Tăng cường hợp tác quốc tế

Công tác hội nhập quốc tế trong GD&ĐT của tỉnh năm vừa qua cũng đã có nhiều khởi sắc. Mặc dù công tác này còn khó khăn trong quá trình triển khai ở các trường mầm non và phổ thông, nhưng trong năm học 2016-2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Phạm Việt Đức cho biết: Đến nay, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã có quan hệ hợp tác quốc tế với một số tổ chức cá nhân nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, như: hợp tác với Đại học The West of England (Vương Quốc Anh), hợp tác với ngành giáo dục của Thành phố Linkoping (Thụy Điển), triển khai kế hoạch hợp tác GD&ĐT với Đại học Fengchia (Đài Loan)... Trong năm đã cử nhiều đoàn ra nước ngoài tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm với gần 100 lượt cán bộ giáo viên của tỉnh tới các nước như Mỹ, Hàn quốc, Nhật bản, Singapore, Thái Lan,...

Mặc dù là tỉnh trung du miền núi nhưng Thái Nguyên có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao: gần 80%
 Mặc dù là tỉnh trung du miền núi nhưng Thái Nguyên có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao: gần 80%

Các trường trong địa bàn tỉnh tích cực mời giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh, tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh các cấp để nâng cao 2 kỹ năng Nghe - Nói với giáo viên nước ngoài; một số trường THPT trọng điểm có các chương trình dạy Tiếng Anh, dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; chương trình đưa học sinh sang học ở các trường đại học của Nga thông qua tổ chức văn hóa Nga tại Việt Nam...

Những đề án quan trọng tạo tiền đề cho GD&ĐT phát triển

Cũng theo ông Phạm Việt Đức, để hoàn thành triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học, ngành đã quyết liệt triển khai 5 giải pháp cơ bản của ngành. Vì đây là năm học đầu tiên của giai đoạn 2016 - 2020 nên ngành đã đặc biệt tập trung vào công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp để ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án tạo tiền đề quan trọng cho định hướng phát triển GD&ĐT của tỉnh trong cả giai đoạn và định hướng tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, một trong 8 chương trình lớn của tỉnh đã được ngành tham mưu và được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thông qua đó là Chương trình phát triển GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỉ đưa vào kế hoạch trung hạn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, ngành đã tham mưu cho HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp của tỉnh, ngành đã tham mưu cho tỉnh triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020.

Để đảm bảo có đủ đội ngũ giáo viên cấp tiểu học và mầm non, ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết hợp đồng 3.036 giáo viên năm 2017 với tổng mức kinh phí dự kiến hơn 73 tỷ đồng/năm sử dụng nguồn ngân sách tỉnh.

Đối với các nhiệm vụ Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học và ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch về dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2021 và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT ngành đã quyết liệt tham mưu và được thông qua nhiều đề án, dự án như: Đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% số trường đạt chuẩn quốc gia;

Đề án nâng cấp, mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu có trên 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú; Dự án đầu tư xây dựng công trình trường Trung học phổ thông Chuyên với tổng mức đầu tư là 241,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác hiện đang khẩn trương xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng;

Đặc biệt đầu năm 2017 Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Dự án cấp bách xóa phòng học tạm trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thành việc xây dựng mới 33 phòng học với tổng kinh phí 20,5 tỷ đồng, đảm bảo về cơ sở vật chất cho học sinh vùng khó.

Hiện nay số phòng học trong toàn tỉnh đã đảm bảo cơ bản đủ 1 phòng học/lớp (Tiểu học 100%, Trung học 95%), đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi trên ngày; 70% các phòng học đã được kiên cố hóa, còn lại là phòng học cấp 4, không còn phòng học tạm. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đạt mức độ cao với 533/677 trường, đạt tỷ lệ 78,72%. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học với mức độ cao nhất và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Sau một năm học triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của ngành, GD&ĐT Thái Nguyên đã có một số kết quả nổi bật mang tính toàn diện hơn: Tiếp tục được công nhận kết quả phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học mức độ cao nhất; nề nếp kỷ cương trong ngành có nhiều chuyển biến rõ nét tạo được niềm tin trong xã hội; chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng gần 5% so với năm học trước, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa lớp 12 tiếp tục được khẳng định với 49 giải, trong đó có 11 giải nhì; Đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi toàn quốc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ