Với sự vào cuộc tích cực của ban ngành chức năng, đặc biệt là nhà trường, thầy cô giáo… hủ tục này đang được đẩy lùi.
Những tín hiệu vui
Huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có 6 dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, dân tộc Mông chiếm 40%, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn.
Thầy Hoàng Sỹ Xuân, nhận công tác tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cách đây 25 năm, hiện thầy làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý. Gắn bó với huyện biên giới xa xôi, thầy Xuân chứng kiến biết bao trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng để cưới vợ, lấy chồng. Đặc biệt, nhiều hủ tục của đồng bào Mông còn tồn tại (dựng vợ, gả chồng sớm; bắt vợ…) khiến hôn nhân cận huyết thống “đeo đẳng” và gây nhiều hệ lụy.
“Năm ngoái, 1 nữ sinh lớp 9 xin phép nghỉ học. Thầy cô gặng hỏi, được biết em nghỉ để lấy chồng. Nhà trường lập tức báo cáo chính quyền xã để kết hợp với thầy cô đến gia đình tuyên truyền, phân tích thuyết phục. Cuối cùng, cha mẹ, dòng họ cũng đồng ý để em tiếp tục đi học…”, thầy Xuân cho hay.
“Nhiều năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên phải lặn lội vào bản đưa học trò trở lại học tập. Nếu để học sinh (đặc biệt học sinh nữ) không quay lại học tập chắc chắn các em sẽ lấy vợ, chồng sớm. Đón học sinh trở lại trường, thầy cô lại lo từng bữa ăn, giấc ngủ như chính con mình để phụ huynh yên tâm, trẻ thêm yêu trường lớp. Việc ngăn chặn nạn tảo hôn cũng được trường tích cực vận động, tuyên truyền cả học sinh và phụ huynh.…”, thầy Xuân tâm sự.
Những năm gần đây, cuộc sống người dân huyện Mường Lát đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, Nhà nước có chế độ hỗ trợ gạo, tiền ăn bán trú, chi phí học tập... thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng giảm đáng kể. Trường PTDTBT - THCS Mường Lý gần như không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đi lấy chồng, lấy vợ nữa.
Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Trung Lý chia sẻ: Trường có hơn 500 học sinh và đa số là con em người Mông. Năm 2020 trở về trước, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng để kết hôn sớm diễn ra phức tạp. Hơn 3 năm nay, vấn nạn tảo hôn được đẩy lùi. “Năm học này, chỉ có 1 học sinh lớp 9 ở bản Pa Búa (xã Trung Lý) xin nghỉ học để kết hôn. Dù nhà trường thuyết phục, chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý… nhưng gia đình chấp nhận nộp phạt hành chính, quyết tâm tổ chức cho con lấy chồng…”, thầy Thủy thông tin.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho Trường PTDTBT - THCS Trung Lý (Mường Lát). |
Trường học cùng vào cuộc
Bà Trương Thị Huyên - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn, nhưng gốc rễ vấn đề bởi đời sống đồng bào khó khăn, giao thông chia cắt, ít được tiếp cận thông tin bên ngoài… Những hạn chế này dẫn tới tư tưởng, suy nghĩ của bà con bó hẹp. Cùng đó, nhiều phong tục lạc hậu vẫn tồn tại, “ăn sâu bám rễ” trong tiềm thức người dân. Đẩy lùi tảo hôn vẫn là “cuộc chiến” dài lâu.
“Điều quan trọng nhất làm sao thay đổi được tư duy, nhận thức của bà con, giúp họ có góc nhìn đúng đắn về hôn nhân gia đình. Đây sẽ là giải pháp căn cơ thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào…”, bà Huyên bộc bạch và cho biết thêm, năm 2022, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Theo đó, Phòng Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nói chuyện ngoại khóa về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các Trường PTDTBT - THCS Trung Lý, Trường PTDTBT - THCS Mường Lý, Trường THCS Quang Chiểu với hàng nghìn học sinh và phụ huynh tham gia.
Phòng đồng thời chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị cấp huyện tham mưu triển khai tổ chức nhiều hội nghị phòng ngừa hủ tục tảo hôn tại 8 xã, thị trấn với thành phần tham gia gồm Bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố, người có uy tín, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, ban công tác mặt trận và đoàn thể cấp xã, thị trấn....
“Thành công bước đầu trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục, đó là nhận thức của phần lớn người dân đã nâng lên. Nhiều học sinh nữ và các chị em ý thức được mặt trái của hủ tục. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống cơ bản được loại bỏ, song nạn tảo hôn vẫn tồn tại…”, bà Huyên cho biết.
Theo số liệu từ Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, giai đoạn 2011 - 2016, địa phương có 14 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Giai đoạn 2016 - 2022, có 153 trường hợp tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống. Năm 2022, có 78/670 cặp kết hôn là tảo hôn, không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này cao hơn bởi các cặp vợ chồng tảo hôn không báo cáo chính quyền. Nhiều trường hợp vi phạm, bị xử phạt hành chính nhưng chưa đủ tính răn đe.
Bà Huyên khẳng định, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt đội ngũ những người làm giáo dục để xóa bỏ hủ tục. Nhà trường, thầy cô tuyên truyền, giải thích cho học sinh về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết rất hiệu quả bởi họ có hiểu biết, gần gũi học sinh, hơn thế các em thường nghe lời và làm theo những điều thầy cô dạy bảo.
“Ngoài giải pháp đang thực hiện, Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tiến hành một số biện pháp có tính răn đe như xử phạt hành chính. Thậm chí, cần truy tố hình sự, nếu có yếu tố vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nhằm từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hoàn toàn nạn tảo hôn ở Mường Lát...”, bà Huyên thông tin.
Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”. Đây được xem như quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng dân số; cấp thiết yêu cầu các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số.