Dạy khởi nghiệp trong nhà trường: Cần mô hình thực hành khởi nghiệp

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều trường đại học đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy, kể cả những trường không chuyên đào tạo về kinh tế, kinh doanh.

Các SV đạt giải trong cuộc thi Khởi nghiệp Startup Runway 2018 do Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng phối hợp với Học viện Cork (Ai – len) tổ chức
Các SV đạt giải trong cuộc thi Khởi nghiệp Startup Runway 2018 do Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng phối hợp với Học viện Cork (Ai – len) tổ chức

Tuy nhiên, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia thì môn học này hiện vẫn được giảng dạy rất khác nhau cả ở nội dung và phương pháp. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục khi dạy về khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và bỏ qua giai đoạn tăng trưởng.

Thiếu tài nguyên giảng dạy

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) nêu quan điểm: “Để triển khai giảng dạy các môn học liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công ở bậc Đại học và Cao học đòi hỏi người giảng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn trong khởi nghiệp sáng tạo, có sự cọ xát thường xuyên với các dự án đổi mới sáng tạo cũng như cập nhật thường xuyên những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái địa phương cũng như trên phạm vi toàn cầu”.

TS Võ Duy Khương - Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng nhận xét: “Có một thực tế đáng buồn hiện nay là hầu hết các dự án khởi nghiệp sau giai đoạn hình thành ý tưởng với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết – thường là SV đang học tập hoặc đã ra trường – nhưng do các em chưa có một kiến thức cơ bản về mô hình và hoạt động của một doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, nên khi gặp những rắc rối ban đầu là đã vỡ trận”.

Hai năm qua, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã ươm tạo khoảng 40 dự án khởi nghiệp được lựa chọn từ hàng trăm dự án đăng ký. Hầu hết các dự án khi được chọn có ý tưởng rất hấp dẫn như làm kính cho người mù, đặc sản ẩm thực Việt, thực phẩm từ dế… nhưng chỉ qua thời gian ươm tạo là các dự án này dừng hoạt động, hoặc tạo lập được doanh nghiệp và có sản phẩm ra thị trường nhưng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.  
TS Võ Duy Khương

Theo như đánh giá của ông Võ Duy Khương thì đa phần các nhân sự của các dự án không chịu học hỏi để tìm phương án mở rộng thị trường, nâng cao tính vượt trội của sản phẩm để cạnh tranh bền vững.

Thực tế này, có thể bắt nguồn từ thực trạng “các chương trình giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện vẫn đang chủ yếu tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và bỏ qua giai đoạn tăng trưởng” như TS Nguyễn Thị Mỹ Hương đánh giá. Ngoài ra, theo TS Mỹ Hương thì “hai vấn đề nổi bật nhất trong đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là thiếu trầm trọng tài nguyên giảng dạy và chưa áp dụng tích cực phương pháp giảng dạy đổi mới”.

Lý do một phần có lẽ bởi “môn học này đòi hỏi sự đầu tư khá nhiều của giảng viên về mặt chuyên môn do tính cập nhật liên tục và yêu cầu kiến thức thực tế, đầu tư về mặt tài chính để thực hiện mời chuyên gia, tổ chức cho SV đi tham quan thực tế” – TS Mỹ Hương cho biết.

SV cần được trang bị kỹ năng thực hành khởi nghiệp

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương cho rằng, để việc giảng dạy môn học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả và thành công trong các trường ĐH, cần có tư duy đổi mới, sự đầu tư của Ban Giám hiệu nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên trong việc xây dựng đề cương chi tiết, bài giảng, tham gia các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức, mở rộng mạng lưới với cộng đồng khởi nghiệp địa phương cũng như trong cả nước.

Sở dĩ như vậy là vì “dù phương pháp giảng dạy khởi nghiệp tinh gọn đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong đào tạo khởi nghiệp trên thế giới, việc triển khai giảng dạy môn học như thế nào cho hiệu quả vẫn còn chưa được bàn sâu và hướng dẫn cụ thể trong khuôn khổ thời gian ngắn của các chương trình đào tạo giáo viên” - TS Mỹ Hương phân tích.

Ở khía cạnh khác, TS Võ Duy Khương cho rằng, ở trường ĐH và tổ chức Đoàn thanh niên có thể phát động phong trào khởi nghiệp trong thanh niên sinh viên – học sinh để chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo cho giới trẻ là chính. “Nhưng nếu không có các bước tiếp theo thì mọi việc cũng chỉ dừng lại ở đó mà hoạt động khởi nghiệp cũng không phát triển được” – ông Khương cho hay. Ngoài các nhóm chuyên đề như xây dựng tinh thần khởi nghiệp, thiết kế tư duy sáng tạo còn cần thêm một số chuyên đề như kỹ năng quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường; các quy trình xây dựng một công ty khởi nghiệp.

Theo như gợi ý của ông Võ Duy Khương thì cần thiết phải có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ngoài xã hội tổ chức các chương trình huấn luyện đào tạo khởi nghiệp cho cả SV và người đã đi làm về kỹ năng thực hành khởi nghiệp. “Như vậy sẽ hài hòa cả về dạy và học lý thuyết khởi nghiệp trong trường đại học và huấn luyện kỹ năng thực hành sát với thực tiễn xã hội”. Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình thực hành khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.