Dạy học theo định hướng STEM: Linh hoạt để hiệu quả

GD&TĐ - Quá trình thí điểm STEM tại Hải Phòng đã đem lại hiệu ứng tích cực khi phần lớn ý kiến cho rằng, dạy học theo định hướng STEM sẽ nâng cao tính chủ động, sáng tạo của HS trong học tập. Song, còn rất nhiều băn khoăn về việc đào tạo giáo viên, cách thức tổ chức lớp học, cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức, chất lượng giáo dục qua các kỳ thi...

Chủ đề “Tạo dáng cây cảnh đơn giản trong gia đình” do cô giáo Bùi Thị Nga, GV Trường THPT An Dương hướng dẫn HS khối 11
Chủ đề “Tạo dáng cây cảnh đơn giản trong gia đình” do cô giáo Bùi Thị Nga, GV Trường THPT An Dương hướng dẫn HS khối 11

“Cái khó bó cái khôn”

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thăng Long bày tỏ: Việc tổ chức GD theo định hướng STEM nếu được áp dụng đại trà khi mà thời gian để tổ chức các hoạt động quá 1 tiết học, liệu có lấn sang các tiết học khác? Liệu quá chú trọng dạy STEM có ảnh hướng tới chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia?

Cũng theo bà Mai, chương trình GD STEM được thí điểm tại Trường THPT An Dương là một trường học có nhiều điều kiện thuận lợi cả về chất lượng đầu vào của HS, đến cơ sở vật chất, sự ủng hộ của phụ huynh HS. Nhưng đối với Trường THPT Dân lập Thăng Long thì các tiêu chí trên đều thấp hơn, đó là khó khăn thực tế của nhà trường. Như vậy, để đổi mới được phương pháp dạy học theo định hướng STEM là cả một vấn đề lớn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Là, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo: Triển khai GD theo định hướng STEM mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên để triển khai được một chủ đề dạy học tích hợp liên môn này đòi hỏi một khoản kinh phí đầu tư khá lớn. Vậy các trường ngoại thành khó khăn về kinh phí, thì huy động nguồn từ đâu để tổ chức?

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ quản lý của các trường THPT tại Hải Phòng cùng chung quan điểm : Dạy STEM đòi hỏi thời gian hoạt động của cả cô và trò rất lớn, tốn nhiều công sức, đồng thời việc liên hệ tới các nhà máy, xí nghiệp cho HS đi thực tế cũng là vấn đề khó khăn...

Nhiều ý kiến băn khoăn tại Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng GD STEM trong trường THPT năm học 2018 - 2019” do Trường THPT An Dương tổ chức ngày 16/11 vừa qua.
  • Nhiều ý kiến băn khoăn tại Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng GD STEM trong trường THPT năm học 2018 - 2019” do Trường THPT An Dương tổ chức ngày 16/11 vừa qua.

Cần áp dụng linh hoạt

Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là ngôi trường giàu thành tích trong quá trình dạy và học. Hàng năm, ngoài việc khẳng định thương hiệu của nhà trường qua cuộc thi HS giỏi các cấp, chất lượng thi vào THPT thì nhà trường rất chú trọng tới việc GD HS theo chuyên đề.

Nhà trường luôn động viên, khích lệ sự sáng tạo của HS qua các ý tưởng, đồng thời hướng dẫn và dám sát các em thực hiện những đề tài đó. Trong suốt nhiều năm học qua, có rất nhiều sáng kiến được phát hiện, cô trò nhà trường cùng nhau hướng dẫn xây dựng đề tài. Bà Lê Thúy Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết: Việc tích hợp các môn học để thực hiện các đề tài được nhà trường vận dụng và hướng dẫn HS từ nhiều năm học trước. Tuy nhiên, lúc đó định nghĩa về STEM không rõ nét như bây giờ.

Cũng theo bà Hạnh, tuy việc dạy học có yếu tố STEM đã được nhà trường áp dụng nhiều năm nay nhưng khi bắt tay chính thức vào thực hiện thí điểm một chủ đề dạy học theo định hướng STEM thì nhà trường cũng không khỏi bỡ ngỡ.

Được biết, tháng 12/2017, Trường THCS Trần Phú đã tổ chức một chuyên đề dạy học theo định hướng STEM đối với môn Sinh học do cô giáo Nguyễn Thị Hoàn hướng dẫn HS khối 6 chuyên đề “Rau mầm”. Chuyên đề được cô trò chuẩn bị rất công phu, tâm huyết tạo được hứng thú cho HS. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Lê Thúy Hạnh thì bà chưa thực sự ưng ý với chuyên đề đó, bởi cảm nhận về STEM chưa được thực hiện đúng nghĩa khi giáo viên vẫn có thiên hướng sa vào lối giảng dạy truyền thống.

Sang kỳ 2 năm học này, Trường THCS Trần Phú có dự định sẽ tiếp tục xây dựng một chuyên đề dạy học theo định hướng STEM.

Giải quyết những băn khoăn của giáo viện và cán bộ quản lý về việc dạy học theo định hướng STEM, ông Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng nêu quan điểm: GD theo định hướng STEM là cách GD tốt để phát huy được năng lực của HS, nó là sự kết hợp của 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.

Việc giảng dạy STEM cần gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp HS trải nghiệm và tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng dạy học theo định hướng STEM trong các cơ sở GD không nên tuyệt đối hóa mà các trường phải áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của trường mình, không nên thái quá mà phải bám vào vấn đề cơ bản là tăng cường hoạt động cho HS, đảm bảo kết quả GD tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ