Các địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giáo viên, học sinh để bảo đảm công tác dạy, học online phát huy hiệu quả.
Đầu tư hạ tầng, thiết bị
Những ngày cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, việc dạy, học online của thầy, trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) vẫn diễn ra sôi nổi. Bởi công tác chuẩn bị được nhà trường làm từ rất sớm với hệ thống hạ tầng mạng, máy móc, thiết bị và sự chủ động vào cuộc của giáo viên.
15 ngày giãn cách xã hội, trên cơ sở dữ liệu có sẵn, thầy trò nhà trường có thể trao đổi online về bài vở. Các clip giảng bài được nhà trường xây dựng công phu, đăng tải lên mạng xã hội, gửi cho các nhóm, lớp để học sinh tiếp cận một cách thuận lợi nhất.
Chia sẻ về việc dạy học online, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, trước hết trường tổ chức tập huấn cho giáo viên về công nghệ thông tin, phần mềm và bố trí 12 máy tính với tai nghe tại trường. Bên cạnh đó, trường hỗ trợ xử lý sự cố công nghệ, hỗ trợ sử dụng phần mềm. Sau đó tổ chức quay phim tiết dạy tại trường, giáo viên chỉ lo việc dạy, còn lại trường sẽ xử lý. Đội ngũ công nghệ thông tin của trường cũng thường xuyên giới thiệu các trang, phần mềm hỗ trợ giáo viên để việc dạy online hiệu quả nhất… Được nhà trường tạo điều kiện, thầy trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa rất thuận lợi trong dạy, học trực tuyến. Để bảo đảm việc dạy học được thuận lợi, giáo viên còn tổ chức động viên, thăm hỏi học sinh trong thời gian nghỉ học.
Tại Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), nhiều thầy cô chọn ứng dụng phần mềm trực tuyến, mạng xã hội để giảng dạy trong thời gian nghỉ học. Trường đã mở được hơn 460 lớp học ảo trên Google Classroom một cách hiệu quả. Tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), trong thời gian nghỉ phòng dịch, có hơn 95% giáo viên, học sinh tham gia học trực tuyến. Các trường tổ chức ghi hình tiết dạy của giáo viên, lưu trữ trên dữ liệu của trường để học sinh xem lại; Tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên về phương pháp sử dụng các phần mềm để dạy học và quản lý học sinh qua mạng. Tổ Tin học thiết kế đường link để ban lãnh đạo nhà trường quản lý việc giảng dạy, ôn tập của giáo viên và học sinh... Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), phương pháp tổ chức dạy và học trực tuyến, ghi hình tiết học của giáo viên khá mới, khó tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu đối với các trường. Tuy nhiên, muốn tốt cho học trò, giáo viên cố gắng thực hiện, ngành hỗ trợ chuyên môn cho các thầy cô…
Thầy, trò vùng khó được hỗ trợ
Nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL đã thực hiện các giải pháp tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong tình hình cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Việc hỗ trợ giáo viên được ngành Giáo dục quan tâm thông qua đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng mạng… Với các giải pháp trên đã góp phần quan trọng vào việc duy trì nề nếp học tập và giúp học sinh ôn tập, bổ sung kiến thức cũng như bảo đảm chương trình học tập trong thời gian nghỉ học phòng dịch.
Do đặc thù vùng sông nước, nhiều học sinh ở vùng nông thôn, một số nơi đặc biệt khó khăn ở ĐBSCL chưa có Internet và nhiều gia đình học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có các thiết bị kết nối như máy tính, điện thoại thông minh. Vì vậy, việc học qua Internet gặp khó khăn nhưng học qua truyền hình được triển khai khá hiệu quả. Vì nơi nào có điện là phần lớn các hộ gia đình đều có tivi nên việc học qua truyền hình sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai việc dạy học qua Internet, trên truyền hình. Thông báo lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh. Nhà trường đã hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ).
Nhiều địa phương có chính sách miễn phí dịch vụ Internet cho học sinh, giáo viên sử dụng các hệ thống dạy học trực tuyến. Đài truyền hình tham gia phát sóng dạy học, tăng thời lượng phát sóng, tiếp sóng các bài giảng qua các kênh truyền hình. Nhà mạng miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường học, cho vùng khó khăn… Tại tỉnh Cà Mau, Viettel Cà Mau kết hợp với Sở GD&ĐT cung cấp miễn phí hệ thống học tập trực tuyến ViettelStudy với kho kiến thức có đầy đủ các môn học từ cấp mầm non đến THPT…
Tuy nhiên, việc dạy, học trực tuyến ở vùng sông nước cũng gặp những khó khăn. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo, khó khăn phổ biến nhất là học sinh vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa còn thiếu các phương tiện thiết bị, đường truyền Internet. Theo thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), do điều kiện và hoàn cảnh riêng, học sinh thiếu thiết bị học tập, không có mạng Internet nên số lượng tham gia học trực tuyến khoảng 70%. Ngoài khó khăn trên thì một số trường hợp ý thức tự học của các em học sinh chưa cao nên ít nhiều gặp khó khăn… Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, để bảo đảm hệ thống kiến thức cho học sinh, sở đã ban hành văn bản hướng dẫn học sinh ôn tập trực tuyến. Để dạy học trực tuyến đạt kết quả, cần có 3 yếu tố: Giải pháp công nghệ hợp lý, tổ chức quản lý của nhà trường, sự sẵn sàng của giáo viên và học sinh… Khó khăn lớn nhất là, số học sinh không theo học đầy đủ và kinh phí chi trả việc dạy học trực tuyến cho giáo viên.