Dạy học online ở TP Hạ Long (Quảng Ninh): Thay đổi tích cực từ thí điểm đến đại trà

Dạy học online ở TP Hạ Long (Quảng Ninh): Thay đổi tích cực từ thí điểm đến đại trà

Từ thí điểm lựa chọn mỗi cấp học 1 trường để triển khai, TP Hạ Long đã quyết định dạy đại trà ở tất cả các trường ở cấp tiểu học và THCS. Tinh thần trách nhiệm của thầy cô, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh đã mang đến hiệu quả bất ngờ.

Quyết tâm của cả hệ thống

Theo kết quả khảo sát của TP Hạ Long tại các nhà trường, địa phương về cơ sở vật chất trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, 75% gia đình có thiết bị công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn); 70% gia đình có mạng Internet, 87% gia đình HS có tivi.

Trên cơ sở kết quả khảo sát trên, TP Hạ Long đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT lên kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học theo 3 phương án: Dạy học trực tuyến có sự tương tác giữa GV và HS qua Internet; Học qua tivi, qua video bài giảng của các thầy cô giáo; Học thông qua phiếu hướng dẫn tự học với nội dung thống nhất chung.

Để triển khai, Phòng GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho GV, cán bộ quản lý và học sinh về dạy học qua Internet. Trung tâm truyền thông của thành phố phối hợp với Phòng GD&ĐT ghi hình các bài giảng, chuyển lên website của Phòng GD&ĐT làm kho học liệu chung.

Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long cho biết: Để thực hiện việc triển khai đại trà ở các nhà trường, chúng tôi cũng cho khảo sát thiết bị CNTT của các gia đình. Lập kế hoạch giáo dục, phương án dạy học theo 2 đối tượng: HS có thể học tập qua các ứng dụng của CNTT; HS không có điều kiện để học tập qua các ứng dụng của CNTT. Thông báo đến cha mẹ HS về các hình thức dạy học của trường, nêu rõ các yêu cầu cần có để HS có thể học tập theo mỗi hình thức.

Dạy học online ở TP Hạ Long (Quảng Ninh): Thay đổi tích cực từ thí điểm đến đại trà ảnh 1
Học sinh bậc THCS tại TP Hạ Long tự giác học tập tại nhà. Ảnh: TG

Cha mẹ HS căn cứ điều kiện của gia đình, đăng ký cho con học tập. Trên cơ sở đăng ký của cha mẹ HS, nhà trường sắp xếp, biên chế lại lớp học, giao danh sách cho GV phụ trách. Bố trí thời khóa biểu giảng dạy hàng ngày, phân công GV có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ vào dạy học trực tuyến thành thạo, đảm nhiệm việc dạy học trực tuyến.

Ngày 30/3, TP Hạ Long cho triển khai đại trà với tất cả các cấp học. HS học tập được qua các ứng dụng của CNTT có sự tương tác giữa GV và HS. Nguồn học liệu bài giảng được GV tự tạo hoặc khai thác ở nhiều website uy tín. Với một số ít HS không đủ điều kiện học trực tuyến nhưng có thiết bị CNTT, được GV hướng dẫn để tự học theo chương trình trên tivi, học qua Internet, trên các website: Kho học liệu trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 12 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; các kênh truyền hình công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo thời khóa biểu tuần của trường, hướng dẫn của GV và sự giám sát của cha mẹ HS.

Cộng đồng trách nhiệm

Bà Vi Bích Hạnh cho biết: Qua triển khai dạy học thực tế cho thấy, dù khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực của GV và đồng hành của cha mẹ HS đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực. Các nhà trường đều thiết kế nội dung bài học theo chủ đề kiến thức, phiếu học tập chuyển đến HS qua ứng dụng CNTT hoặc cha mẹ HS đến trường nhận và chuyển cho con; phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội chuyển bài đến HS (đối với các xã vùng cao) để HS nghiên cứu bài và nhà trường giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Các GV nhận bài làm của HS, đánh giá mức độ nhận thức ở mỗi đơn vị kiến thức. Từ đó có kế hoạch bổ trợ phù hợp, bảo đảm HS nắm được kiến thức theo chuẩn cần đạt ở mỗi môn. Việc dạy học được kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập lấy điểm kiểm tra thường xuyên và học tiếp chương trình theo tiến độ nếu đạt chuẩn yêu cầu. Khi HS đi học trở lại: Nhà trường ôn tập, hệ thống kiến thức để bảo đảm các em tiếp tục học chương trình mới đạt hiệu quả và lấy điểm kiểm tra định kỳ.

Trường THCS Trần Quốc Toản được chọn là thí điểm đầu tiên cấp học. Cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai kế hoạch đến từng GV, có giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Cụ thể là phân công nhiệm vụ, chỉ đạo GV thực hiện tối ưu chế độ làm việc. Sử dụng tối đa các thiết bị CNTT và trang thiết bị phòng học thông minh để thực hiện công tác giảng dạy.

Thống kê, theo dõi tiến độ chương trình và kết quả các khối lớp ở mỗi giai đoạn. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sắp xếp, phân loại HS để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Thông báo đến cha mẹ HS kế hoạch giáo dục của trường, đề nghị cha mẹ HS phối hợp thực hiện, tạo điều kiện về phương tiện để HS học tập. Đặc biệt là việc phối hợp với nhà trường quản lý con trong thời gian nghỉ học chống dịch Covid-19 tại nhà. 

Kết quả dạy học trực tuyến đại trà tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP Hạ Long đã cho thấy kết quả khả quan. Có được điều này là nhờ ở quyết tâm chính trị của cả hệ thống, sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm của các nhà trường mà trong đó vai trò của các thầy cô giáo là vô cùng quan trọng. Thành công này cũng ghi nhận đóng góp không nhỏ của các bậc phụ huynh. Chính họ là người trực tiếp đồng hành học tập cùng con em từ việc hướng dẫn, đôn đốc con thực hiện thời gian biểu học tập hàng ngày. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ