Dạy học ở vùng cao

GD&TĐ - Từ những câu chuyện được các cán bộ Phòng GD&ĐT huyện kể về thầy cô giáo trường vùng cao huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tự tay đi chợ, nấu cơm từng ngày cho học sinh, đã thôi thúc chúng tôi đến với Trường Tiểu học và THCS Phước Thành. 

Dạy học ở vùng cao

Ngôi trường nằm lọt thỏm giữa đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ, là mái nhà chung của các HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số Bhnong (nhóm Giẻ Triêng, Môn - Khmer).

Chưa đi, đất đã hóa tâm hồn…

Từ tinh mơ, chúng tôi tháp tùng trên chuyến xe cùng các thầy cô Phòng GD&ĐT huyện lên điểm trường Tiểu học và THCS xã Phước Thành. Thỉnh thoảng, mọi người phải dừng lại trên dọc hành trình, vì có đoạn phải đẩy xe bộ tới hơn hai giờ đồng hồ. Vậy mà các thầy cô giáo trong đoàn vẫn cười tươi: “Đây là điểm trường xa nhất, những năm trước đây chưa mở đường toàn hành trình đi bộ phải mất cả hai ngày trời”. Quá buổi, chúng tôi mới đến được trường. Đón chúng tôi trong căn nhà công vụ đơn sơ, thầy Nguyễn Văn Mẫn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành kể rất nhiều chuyện về hành trình đem con chữ đến vùng cao này như một “đặc sản” vốn có của người giáo viên vùng cao.

Hành trình của họ là hành trình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để trao gửi niềm tin, sự yêu thương cho con em đồng bào dân tộc Bhnong vùng đất nghèo khó này. Thầy Mẫn tâm sự: “Nhiều thầy cô giáo đến với Phước Sơn ban đầu chỉ vì công việc mưu sinh, lúc đó, họ chưa phải vì tình yêu nghề thực sự. Mặc dù còn gặp không ít những cô giáo trẻ sau khi ra trường tìm về những vùng sâu, vùng xa để dạy học cho những học sinh vùng cao, tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có thể đứng vững được trên bục giảng ở những nơi thâm sơn cùng cốc ấy những thầy cô giáo đã phải trải qua chuỗi ngày “đáng nhớ” khi lần đầu hòa mình vào hoàn cảnh khắc nghiệt của miền sơn cước.

Đó là câu chuyện về hành trình gieo chữ của đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Phước Thành – một trong những xã vùng cao nghèo nhất của không chỉ riêng huyện Phước Sơn mà có lẽ là cả của tỉnh Quảng Nam. Phần lớn các thầy cô là người dưới xuôi lên cắm bản, dạy chữ họ gắn bó với nhau hàng chục năm trời với bản làng, với các em học sinh dân tộc của trường học thân yêu trên bản làng vùng cao heo hút này. Những tháng ngày sinh hoạt và công tác nơi vùng sâu đặc biệt khó khăn rồi các thầy cô giáo cũng quen dần với biết bao nỗi nhọc nhằn thiếu thốn. Cũng tại nơi ấy, họ cất đi những nỗi niềm riêng của bản thân mình để gieo được cái chữ đến với học trò vùng cao.

Sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, đối mặt với biết bao gian khó, hiểm nguy, trực tiếp giảng dạy các em học sinh dân tộc thân yêu, thấu hiểu tất cả những nỗi vất vả, thiệt thòi của con em, đồng bào dân tộc nơi đây..., từ đó, các thầy cô đã nảy nở tình yêu thương thật sự. Vùng đất xa lạ bỗng hóa thành quê hương tự lúc nào mà họ không hề hay biết!”.

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Trường Tiểu học và THCS Phước Thành hiện có 3 điểm trường. Các phòng lớp học tạm bợ ngày trước đã được thay bằng phòng, lớp bán kiên cố. Điều kiện học hành của con em địa phương hôm nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng gần như chấm dứt. Nhưng có lẽ, vui mừng hơn cả là học sinh được ăn ở bán trú ngay tại trường, chấm dứt cảnh học sinh phải “dựng lều, học chữ” như nhiều năm học trước đây. Năm học 2016 - 2017, toàn trường có 430 học sinh, trong đó có 240 học sinh bậc tiểu học, 190 học sinh THCS. Đến nay, với sự nỗ lực của nhà trường đã có hơn 140 học sinh được tổ chức ăn ở bán trú.

Thầy Mẫn phấn khởi cho biết: Việc tổ chức bán trú cho học sinh xuất phát từ yêu cầu thực tế nơi đây vì điều kiện đi lại học tập cách trở của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời thể hiện tình cảm chia sẻ khó khăn, sự đồng cảm của đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với học sinh... Chính vì vậy, mọi công tác chăm sóc, đi chợ, nấu cơm phục vụ cho các em học sinh ở bán trú đều do đội ngũ giáo viên nhà trường đảm nhiệm. Khó khăn, vất vả nhất là khi họ phải vừa lo công tác dạy học, vừa tổ chức ăn ở cho học sinh bán trú nhưng giáo viên nào họ cũng thấy rất vui vẻ, phấn khởi tham gia. Bởi ai cũng nghĩ rằng, việc gì tốt, có lợi cho học sinh thì bản thân họ cần phải ra sức chung tay, gắng sức để làm!

Vừa kết thúc giờ dạy trên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Vạn Hạnh (giáo viên Âm nhạc) không kịp nghỉ ngơi, liền xắn tay ngay vào cùng các giáo viên khác chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh. Chúng tôi chứng kiến, người thì nhặt rau, người làm cá, người thổi lửa... hầu như mỗi người mỗi việc như đã phân công từ trước. Thấy thầy cô giáo bận rộn tất bật lo chuẩn bị bữa cơm cho mình, các em học sinh cũng tự giác góp tay sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị bát đũa... Bởi vậy, chỉ hơn 1,5 giờ đồng hồ, mâm cơm tối được dọn ra đủ các món cơm, canh, cá, thịt. Bữa cơm chung thầy trò nơi xã vùng cao, vùng xa thật đầm ấm.

Huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam mùa này mưa tầm tã tối ngày. Những thầy cô giáo ở đây bao năm qua cũng phải làm quen và chống chọi với sự khắc nghiệt này. Mỗi người mỗi quê, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh nhưng họ có một điểm chung là quyết đến với miền núi cao, nguyện gắn bó cuộc đời mình với con em đồng bào dân tộc nghèo khó. Bởi thế, tình cảm giữa họ thật đằm thắm và chân thành. Dẫu cuộc sống của những người giáo viên miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhưng ngày ngày họ vẫn thầm lặng hy sinh niềm hạnh phúc riêng để “bám rừng, bám núi” gieo được từng con chữ cho các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ