Dạy học - nghề yêu thương và sáng tạo

GD&TĐ - Từ ngàn đời nay, người thầy luôn được tôn trọng; dù những biến động của xã hội đôi lúc làm cho người thầy tâm tư nhưng không vì thế họ chùn bước, nản lòng. Vì học trò, thầy cô luôn tiến về phía trước.

Cô và trò Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội. Ảnh Thế Đại
Cô và trò Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội. Ảnh Thế Đại

Kiến thức, kỹ năng, tình yêu thương trò được trang bị trên ghế nhà trường tiếp tục lan tỏa đến thế hệ mai sau, để nghề dạy học cứ nối dài theo năm tháng.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Luôn giữ tâm sáng,chí bền và hành động chân chính

GS Nguyên Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: NVCC.
GS Nguyên Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Đất nước nào đầu tư đúng mức cho giáo dục, người thầy được tôn trọng thì không chỉ tiến bộ trong hiện tại mà đó là nền tảng cho phát triển của tương lai. Nơi nào người thầy được tôn trọng, ở đó xã hội văn minh. Sự bền vững muôn đời của một đất nước là từ giáo dục và cách giáo dục.

Giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông cần có một quan niệm đúng đắn. Giáo dục để tạo ra một con người toàn diện và có khả năng phát triển thiên hướng bản thân, chứ không phải tạo ra con người phiến diện. Đại học phải tạo ra một những con người có đầu óc khai phóng, khả năng làm việc chuyên nghiệp. Đây là một sự cấp tiến chứ không phải là hoài cổ.

Chúng ta chọn nghề dạy học là đã chọn yêu thương và tiến bộ. Chỉ khi đủ để yêu thương con người mới biết tha thứ; chỉ khi có được cảm thông, con người mới có khả năng cảm hóa. Làm cho người khác tốt, tiến bộ hơn để xã hội văn minh hơn, chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về nghề nghiệp của mình.

Giáo dục đang đổi mới với nhiều đòi hỏi đặt ra trọng trách lớn lao đặt ra với cả thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội. Muốn vượt qua, ngoài nỗ lực tự thân, nhà trường phải thay đổi; tạo bước chuyển căn bản trong nhận thức về người thầy. Không thể áp những qui chuẩn hành chính thông thường với thầy cô, phải coi đây là lao động đặc biệt. Trong nhà trường cần tập trung 2 nhân tố quan trọng nhất, là thầy cô và sinh viên. Mọi quyết sách, qui định, quyền lợi, tôn vinh trước hết dành cho 2 nhân tố này. Phải chuyển căn bản sang quản trị thay vì quản lý hành chính thông thường. Không chăm lo cho nhân lực là thiếu sót trầm trọng.

Dù đối diện với thách thức, khó khăn, nhưng với ý chí, quyết tâm và đưa ra được giải pháp, chúng ta sẽ vượt qua. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cùng nhắc nhau rằng, trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ tâm sáng, chí bền và hành động chân chính. Vì rằng, ai sẽ là người làm thay đổi nền giáo dục, nếu không phải bắt đầu từ chúng ta.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT  Bùi Văn Ga: Cám ơn người truyền cảm hứng

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: NVCC.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: NVCC.

Bốn mươi lăm năm trước chúng tôi là lứa sinh viên đầu tiên bước chân vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đó là những năm tháng đầy gian khó khi thầy và trò vừa giảng dạy, học tập, vừa lao động để tạo dựng nền tảng ban đầu của một trường đại học sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Các thầy cô giáo ngày ấy đã truyền cho tôi cảm hứng về tính thích nghi với môi trường công tác, sự dũng cảm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu thốn thiết bị, các thầy, cô giáo đi thu gom, nhặt nhạnh từng linh kiện chi tiết máy phế liệu chiến tranh để lắp những bàn thí nghiệm thực hành. Nhờ đó, chúng tôi có được những buổi học thực hành thú vị về cơ, điện, nhiệt, hóa… Không thật chính xác như thiết bị thí nghiệm chuyên nghiệp nhưng những thiết bị mà các thầy cô tự chế đã giúp cho chúng tôi hiểu được các qui luật khoa học cơ bản. Phương pháp dạy học đó đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: Hãy dạy cho sinh viên những qui luật cơ bản để các em có thể vận dụng, thích nghi với môi trường công việc.

Trong những năm đầu của thập niên 1980 chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận thông tin khoa học bên ngoài nên người làm nghiên cứu rất lúng túng trong xác định hướng đi. Tôi may mắn được Nhà nước cho sang Pháp làm nghiên cứu sinh.  Thầy giáo dạy: Nghiên cứu khoa học ngày nay hơn nhau ở sức tưởng tượng, hãy nghĩ ra những gì có thể tưởng tượng được để nâng cao chất lượng cuộc sống. Công nghệ sẽ biến những tưởng tượng khoa học đó thành sản phẩm thực tế.

Hai người thầy trong hai bối cảnh và điều kiện khác nhau đã truyền cảm hứng cho tôi trong suốt cuộc đời, nghề nghiệp của mình. Hãy cố gắng tưởng tượng, phát triển những ý tưởng mới, có thể đó là ý tưởng chưa hiện thực trong hiện tại nhưng sẽ có ứng dụng trong tương lai.

Gần trọn cuộc đời gắn bó với giáo dục đại học tôi nhận ra rằng giảng dạy  không phải là nghề dễ làm. Áp lực lớn từ nhiều phía, vừa giảng dạy tốt, vừa phải làm nghiên cứu khoa học để đáp ứng đòi hỏi của xã hội ngày càng cao. Tôi thật sự cảm kích đội ngũ giáo viên trẻ  ngày nay đã vượt xa thế hệ cha anh về trình độ, kỹ năng, tiếp cận nhanh chóng tiến bộ trong lĩnh vực chuyên môn để áp dụng trong giảng dạy, nghiên cứu. Tôi cũng cảm nhận được nỗ lực cũng những thầy giáo lớn tuổi trong nỗ lực học tập nghiên cứu để không bị bỏ lại phía sau. Những nỗ lực đó đã giúp cho giáo dục đại học của chúng ta nhanh chóng tiếp cận với thế giới.

GS Võ Tòng Xuân: Nhớ mãi hình ảnh thầy cô

GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: NVCC.
GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: NVCC.

Làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng cái duyên với giáo dục luôn gắn bó với ông. Giờ đây vừa đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, ông còn dành thời gian, tâm huyết cho Trường Mầm non ở TP Long Xuyên (An Giang).

Nói về thầy cô giáo, trong mắt Giáo sư Võ Tòng Xuân ánh lên niềm tự hào, lòng kính trọng. Ông kể: Do gia đình hoàn cảnh khó khăn, cả nhà rời Ba Chúc (An Giang) lên Sài Gòn mưu sinh. Dù gia đình khó khăn nhưng ông được cha, mẹ cho đi học đàng hoàng. Ngày đầu tiên vào lớp 1, năm 1946 ở Trường Tiểu học Cầu Kho (nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM), tôi khóc như mưa. “Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo ân cần đón  vào lớp, vỗ về cho tôi nín, cô nói “trò thấy các bạn ngồi học nghiêm túc chưa, mau nín để cùng học với các bạn”. Thấy vậy tôi nín khóc, mở ra trang sách đầu tiên của đời học sinh với bao khó khăn, vất vả”, Giáo sư Võ Tòng Xuân kể.

Trong ký ức của Giáo sư Võ Tòng Xuân, những năm cuối thập niên 1940, dù khó khăn, thiếu thốn, cái ăn đã khó nói chi đến quần áo mới, tập, sách, thầy cô luôn đồng cảm, yêu thương học trò nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Lớp học chỉ có một giáo viên dạy từ đầu cho đến cuối năm nên trò nào tính tình ra sao, hoàn cảnh thế nào, thầy cô biết rõ... Bài học là những lời dạy bảo của thầy cô về đạo đức, về lối sống và lòng yêu người. Quyển “Giáo khoa thư” đã trở thành người bạn quen thuộc của tất cả thế hệ học trò thời đó. Sách chỉ ngắn ngọn mấy dòng thơ, đồng dao, văn xuôi nhưng chứa đựng trong đó bao ý nghĩa về cuộc sống, giá trị đạo đức, kỹ năng sống… Thầy cô giáo cũng không bị bó buộc bởi sách giáo khoa mà từ quyển Giáo khoa thư có thể mở rộng giảng dạy nhiều vấn đề thiết thực ngoài đời.

Nhà thơ Hồ Thi Ca: Thầy Đạm của tôi…

Nhà thơ Hồ Thi Ca. Ảnh: NVCC.
Nhà thơ Hồ Thi Ca. Ảnh: NVCC.

PGS. NGND Trần Thanh Đạm (1932 – 2/11/2015) còn là “nhà lý luận phê bình văn học”, “nhà sư phạm”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhà nghiên cứu văn học”, “dịch giả”…

Với tôi luôn gọi ông là thầy,  “Thầy Đạm của tôi”! Vì với tôi, và có lẽ với tất cả học trò cũ, thầy luôn gần gũi như một người anh, thân mật nhưng nghiêm khắc như một người cha! 4 năm  đại học (1976 -1980) được học với Thầy Đạm khoảng thời gian không thể nào quên. Đó là khóa học nằm gọn trong thời kỳ bao cấp nhọc nhằn; bị tác động bởi những sự kiện xã hội lớn như lệnh cấm vận của Mỹ; 2 đợt đổi tiền, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc… Tất cả những đợt “sóng thần” đó đánh ầm ập vào ngôi  trường ĐH Sư phạm TPHCM của thầy trò chúng tôi.

Làm Hiệu trưởng một ngôi trường ĐH đào tạo ra “cỗ máy cái cho ngành giáo dục” trong bối cảnh phức tạp như vậy, thầy Đạm vẫn giữ phong thái ung dung. Thầy vẫn sắp xếp công việc lãnh đạo để lên lớp giảng dạy chúng tôi những tiết giảng văn Việt Nam thật uyên bác, sinh động, vui tươi.

Ngày ấy, SV chúng tôi cũng được phát nhu yếu phẩm  (đường, sữa hộp, bột ngọt, nước mắm…) và có cả vài bao thuốc lá! Được xếp vào “nhu yếu phẩm” nghĩa là thuốc lá “cần thiết” và “phổ cập” lắm, vậy mà ngay giữa giờ giảng thầy Đạm mỉa mai: “Tôi thấy sinh viên các anh ngậm điếu thuốc lá giống như con cóc ngậm giun!”, nói xong thầy cười sang sảng, cả lớp cười theo. Thầy đưa vào bài giảng một lời răn dạy về sức khỏe hết sức nhẹ nhàng nhưng thấm thía, khiến đối tượng được dạy bảo chỉ biết nhe răng cười tiếp thu mà thôi!

Tôi phải học nhiều nơi do chuyển trường theo gia đình nhưng ký ức về thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp. Dù trưởng thành, đi học, làm việc ở nước ngoài nhưng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì những ký ức đẹp thời học sinh không thể nào quên. - Giáo sư Võ Tòng Xuân          

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ