Dạy học cả ngày và bài học thành công

GD&TĐ - Kon Tum là một trong 36 tỉnh của cả nước thụ hưởng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP). Sự hỗ trợ hiệu quả của chương trình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của  40 trường tiểu học có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của tỉnh.

 Dạy học cả ngày và bài học thành công

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại về lộ trình 4 năm tham gia SEQAP, ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết: Năm 2010, 11 trường đầu tiên của Kon Tum tham gia SEQAP; năm 2011 thêm 10 trường; năm 2012 thêm 11 trường và năm 2013 tiếp tục thêm 8 trường.

Tất cả các trường tiểu học tham gia Chương trình SEQAP đã triển khai dạy học cả ngày cho tất cả các khối lớp tại 40 điểm trường chính và 195 điểm trường lẻ, trong đó có 14 trường đã nỗ lực huy động từ các nguồn lực, tổ chức dạy học 9 - 10 buổi/tuần ở điểm trường chính.

Những chuyển biến về chất lượng

- Ông đánh giá thế nào về tác động mô hình dạy học cả ngày của SEQAP đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các trường tham gia chương trình?

Từ năm 2010 đến nay, tất cả các trường tham gia Chương trình SEQAP của Kon Tum đều thực hiện theo mô hình T30, T33, T35.

Với các nguồn kinh phí từ Chương trình SEQAP, toàn tỉnh đã xây dựng bổ sung được 49 phòng học, 28 nhà vệ sinh, 6 nhà đa năng.

Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) đều được tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao năng lực về quản lý và dạy học.

Việc tổ chức cho HS học cả ngày góp phần rất lớn trong việc huy động tối đa HS trong độ tuổi tiểu học ra lớp, giảm tối đa HS bỏ học giữa chừng, duy trì tốt sĩ số, đặc biệt chất lượng giáo dục toàn diện của HS dân tộc thiểu số được nâng cao và chuyển biến rất rõ nét.

Chương trình đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục tại 40 trường tiểu học có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của tỉnh thông qua các hoạt động hỗ trợ toàn diện.

Cụ thể: Nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học, hỗ trợ các trường học về xây dựng cơ bản, các quỹ giáo dục...) để chuyển đổi từ mô hình dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

- Thực tế là, trước khi tham gia SEQAP, rất nhiều GV thậm chí không biết đến khái niệm dạy học cả ngày. Công tác bồi dưỡng, tập huấn GV do đó là vô cùng quan trọng để có thể bắt tay triển khai chương trình. Nội dung này đã được Kon Tum triển khai như thế nào?

Công tác bồi dưỡng CBQL, GV là một nội dung quan trọng để triển khai SEQAP. Tại Kon Tum, trong năm 2012, có 935 lượt GV, 91 lượt CBQL qua các lớp tập huấn; năm 2014, có 972 lượt GV và 73 lượt CBQL qua các lớp tập huấn. 

Từ cấp tỉnh đến cấp trường, công tác tổ chức tập huấn đều được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, đảm bảo về cơ sở vật chất, tài chính, địa điểm và các điều kiện phục vụ cho tập huấn.

Hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng hiệu quả, trên tinh thần hợp tác, lấy người học làm trung tâm.

Ban tổ chức đã quan tâm và chú ý đến thu thập những thông tin cần thiết, đề xuất, kiến nghị những vấn đề mới nảy sinh, cần được giải đáp từ phía học viên; điều chỉnh, lựa chọn hình thức tập huấn phù hợp với tình hình và điều kiện hiện có.

Các đợt tập huấn đã đạt được mục tiêu cơ bản là bồi dưỡng cho CBQL, GV thông tin cần thiết, bổ ích; kiến thức, kỹ năng, năng lực và phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai công tác dạy học cả ngày đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Qua tập huấn, CBQL, GV đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức đã học vào thực tế của nhà trường, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực một cách phù hợp vào thực tiễn dạy học tại các nhà trường.

Bài học thành công

- Là địa bàn khó khăn, nhưng sau 4 năm tham gia SEQAP, những biến đổi về chất lượng tại các trường được dạy học cả ngày của Kon Tum là thấy rõ. Từ thực tiễn triển khai, ông có thể chia sẻ bài học thành công khi tham gia chương trình này?

Để làm tốt việc dạy học cả ngày, theo tôi, việc đầu tiên là làm tốt công tác truyền thông; sau đó, đẩy mạnh công tác vận động HS ra lớp và duy trì sĩ số.

Hầu hết học sinh các trường tham gia SEQAP là dân tộc thiểu số, các em hay nghỉ học mùa lễ hội hoặc để phụ giúp gia đình…

Để khắc phục tình trạng này, các trường tiểu học cần chỉ đạo GV vận động phụ huynh cho con em ra lớp bằng nhiều hình thức, như: Phân công GV trực tiếp tới nhà (nhất là phát huy vai trò của GV tại chỗ là người dân tộc thiểu số và nhân viên trợ giảng) thường xuyên tới nhà tuyên truyền, vận động HS ra lớp; thông qua thôn trưởng, già làng, qua các cuộc họp thôn để tuyên truyền vận động…

Công tác quản lý hiệu quả hoạt động dạy học cả ngày cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục trước hết là ở đội ngũ GV.

Vì vậy, các trường cần quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng các mô đun hướng dẫn tổ chức dạy học cả ngày; phát huy năng lực, sở trường của từng GV, lựa chọn những GV có kiến thức, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để làm nòng cốt cho các tổ chuyên môn.

Các trường chủ động tổ chức tốt hội thảo, chuyên đề tăng cường năng lực về dạy học cả ngày cho CB, GV. Việc tổ chức từng chuyên đề được nhà trường lên kế hoạch và chọn người báo cáo thể nghiệm cụ thể. Sau mỗi chuyên đề, chỉ đạo các tổ khối rút kinh nghiệm.

Tùy theo kiến thức, năng lực, phẩm chất HS, trường giao quyền chủ động cho GV để phân bổ số tiết tăng thêm cho từng môn học (chẳng hạn đối với lớp có nhiều HS yếu các kỹ năng về Tiếng Việt, sẽ ưu tiên số tiết tăng cường cho môn Tiếng Việt nhiều hơn).

Đồng thời yêu cầu GV sử dụng  quỹ thời gian tăng thêm  để trao đổi, học hỏi về đổi mới PPDH; đa dạng các hình thức tổ chức dạy học; giãn nội dung với các bài học khó và  củng cố  kiến thức, kĩ năng môn học. 

Một nội dung quan trong khác là tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo (hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp). Theo từng tháng, từng chủ điểm của năm học, các trường học cần lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và nhu cầu, sở thích của HS.

Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục môi trường, giáo dục kĩ năng sống trong các môn học… nhà trường dành 1 tiết/tuần/lớp trong quỹ thời gian tăng thêm cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cho phép GV tổ chức linh hoạt với nội dung phong phú, đa dạng.

Bài học cuối cùng là tổ chức hiệu quả công tác bán trú. Cùng với hỗ trợ của SEQAP, các trường huy động thêm từ nguồn chế độ chính sách của Nhà nước; sự đóng góp của cha mẹ HS, ngày công lao động của cộng đồng (lấy củi, chở nước, cung cấp thêm rau, củ, quả...) để tổ chức ăn trưa cho HS trong các ngày học cả ngày.

Với HS không được hưởng chế độ này, các trường vận động HS mang theo cặp lồng cơm để cùng sinh hoạt bán trú tại trường.

Các trường thành lập Ban quản lý bán trú, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. GV chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm tổ chức ăn, ngủ cho HS sau giờ học. Giáo viên chuyên biệt chịu trách nhiệm lên kế hoạch và tổ chức các câu lạc bộ (CLB) theo nhu cầu, sở thích của HS.

Ngoài hoạt động của các CLB, sau giờ nghỉ trưa, Ban quản lý bán trú, GV chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục nhẹ nhàng cho HS trước khi vào các tiết dạy buổi  chiều. Mỗi hoạt động được giao cụ thể đan xen trong tuần.

Việc xây dựng nội quy, quy chế bếp ăn cũng đặc biệt quan trọng và được nhà trường quan tâm. Nhà trường cũng cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn của HS.

- Xin cảm ơn ông! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ