Mỹ yêu cầu học sinh chủ động tìm hiểu bài học trong khi Hàn Quốc chia trường học theo cấp độ dịch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Đầu năm 2020, Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản thúc đẩy triển khai dự án Chương trình Trường học GIGA. Đây là chương trình cung cấp máy tính cho học sinh phổ thông (one computer per student) và hoàn tất vào tháng 3/2021.
Học sinh được trang bị máy tính nhằm đáp ứng 2 mục tiêu: Một lớp có thể chia thành hai nhóm học trực tiếp tại trường và học từ xa giúp hạn chế lây nhiễm. Ngoài ra, học sinh nghỉ học vì liên quan đến Covid-19 có thể theo dõi bài học và tương tác với bạn bè trên lớp.
Song song với dự án GIGA, Nhật Bản xây dựng trang web Thông tin công nghệ truyền thông (ICT), hệ thống giáo dục trực tuyến cho học sinh toàn quốc. Bộ Giáo dục tải lên ICT video, giáo án điện tử, sách giáo khoa điện tử cho các cấp phổ thông… Học sinh nghỉ học có thể theo dõi bài giảng, làm bài tập và nộp bài tập thông qua nền tảng này. Sau đó, giáo viên sẽ chấm điểm trên ICT.
Khi dạy học kết hợp, giáo viên đưa bài giảng, đã được tải lên ICT, lên máy chiếu. Học sinh học từ xa có thể theo dõi bài giảng qua ICT. Hoặc lớp học trang bị máy quay, máy chiếu, giáo viên có máy tính xách tay để phát trực tiếp nội dung bài học.
Trong 2 năm triển khai, trường học Nhật Bản đã vấp phải một số khó khăn như đường truyền kém, học sinh không thể nghe, nhìn màn chiếu. Đáp lại, năm 2021, Bộ Giáo dục chi 8,4 tỷ yên để trang bị máy tính, máy chiếu, micro, màn chiếu, bộ phát wifi và các thiết bị công nghệ khác cho trường học.
Nhờ đó, giáo viên có thể phát trực tiếp bài giảng cho học sinh học từ xa, sử dụng thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi nét mặt, cảm xúc của trẻ. Công nghệ này giúp chia nhỏ lớp học, cung cấp bài giảng trực tuyến lẫn trực tiếp, đồng thời, giáo viên có thể kiểm soát được mức độ tập trung của học sinh.
Bộ Giáo dục thành lập trung tâm hỗ trợ tại văn phòng giáo dục các địa phương giúp xử lý vấn đề về máy tính, thiết bị công nghệ cho trường học. Để giảm gánh nặng cho giáo viên, Bộ cũng yêu cầu các trường thuê thêm nhân viên hỗ trợ phòng, chống Covid-19.
Tương tự Nhật Bản, đầu năm 2020, Singapore triển khai các chương trình hỗ trợ học trực tuyến, làm tiền đề xây dựng mô hình học kết hợp. Khởi động từ tháng 3/2020, Chính phủ Singapore thành lập Chương trình Quốc gia về xoá mù kỹ thuật số (NDLP) nhằm trang bị cho học sinh phổ thông kiến thức công nghệ.
Theo dự án, mỗi học sinh sẽ được trao một thiết bị học tập cá nhân (PLD) sử dụng song song với nền tảng học trực tuyến Không gian học tập dành cho học sinh Singapore (SLS). SLS gần giống như ICT của Nhật Bản. Mỗi thiết bị công nghệ đều được cài đặt SLS và phần mềm quản lý để người giám hộ kiểm soát việc sử dụng thiết bị của học sinh.
Tại Singapore, học sinh nghỉ học vì Covid-19 thường tự học trên SLS. Giáo viên soạn bài giảng phù hợp, giao bài tập cho những em này. Khi học sinh trở lại trường, giáo viên trang bị lại kiến thức cho các em. Việc dạy học cho học sinh nghỉ học vì Covid-19 không nhằm mục tiêu theo kịp bạn bè trên lớp mà để các em không bị gián đoạn học tập.
Từ năm 2021, Singapore triển khai học tập hoàn toàn tại nhà (HBL), mô hình học trực tuyến kết hợp trực tiếp tại nước này. Theo đó, mỗi tháng, học sinh phổ thông sẽ có 2-5 ngày học từ xa cố định, không vì lý do nào. Trong ngày HBL, giáo viên yêu cầu học sinh tự học bằng cách xem video bài giảng trên SLS. Khi trở lại trường, các em thảo luận về nội dung trên để trao đổi sâu hơn với thầy cô, bè bạn.
Singapore dự kiến đưa HBL trở thành một phần của chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Quá trình này được thúc đẩy từ kinh nghiệm dạy học trực tuyến trong thời gian dịch và nhu cầu trao quyền tự học cho cá nhân.
Chia trường học theo cấp độ dịch
Tại Mỹ, giáo viên ghi âm bài giảng hoặc quay video bài học mới. Sau đó, gửi cho tất cả học sinh và yêu cầu các em tự học, ghi chú những kiến thức chưa nắm rõ.
Trên lớp, khi dạy học kết hợp, giáo viên không dạy lại kiến thức đã gửi tài liệu. Thay vào đó, học sinh đặt câu hỏi nếu chưa nắm rõ, giáo viên giải đáp và giao bài tập. Phương pháp này yêu cầu học sinh, dù nghỉ học hay đến trường, đều phải chủ động tìm hiểu bài học từ trước.
Dù số ca nhiễm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hàn Quốc đã khai giảng năm học mới từ tháng 3/2022 theo trạng thái “bình thường mới”. Nước này phân mức độ dịch trong trường học theo 4 cấp độ.
Ở cấp độ 1, trường tổ chức học trực tiếp và các hoạt động ngoại khóa. Ở cấp độ 2, các lớp học diễn ra bình thường nhưng hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ, lớp học ngoài giờ bị hạn chế. Với cấp độ 3, trường học chuyển sang học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để giới hạn số học sinh trong lớp học. Khi chuyển sang cấp độ 4, các trường học dạy trực tuyến 100%.
Nếu số ca nhiễm theo ngày trong trường vượt quá 3% tổng số học sinh hoặc số học sinh không thể đến trường vượt quá 15%, các trường chuyển sang cấp độ 2. Khi đồng thời vượt qua 2 tiêu chí trên, các trường chuyển sang cấp độ 3. Nếu số học sinh nhiễm Covid-19 tỷ lệ thuận với số ca trong cộng đồng, trường chuyển sang dạy trực tuyến 100%.
Nếu dạy kết hợp, các trường phải đảm bảo trang bị đủ thiết bị như máy tính, màn chiếu… cho lớp học. Nếu không, giáo viên giao bài tập, gửi giáo án cho học sinh nghỉ học. Khi các em trở lại trường, giáo viên có thể củng cố kiến thức sau giờ học. Phụ huynh được đề nghị hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý học trực tuyến của con cái.