Khi trẻ được học cách sử dụng tiền và được hướng dẫn cách biến tiền bạc thành những việc làm có ích, chúng sẽ thấy rõ ý nghĩa và biết cách trân trọng giá trị tiền bạc hơn.
Cho con cơ hội trải nghiệm
Chị Thu Hằng là một người chuyên làm mỹ phẩm handmade và bán hàng online. Cô con gái 15 tuổi của chị được mẹ giao cho nhiệm vụ đi giao hàng cho những đơn hàng gần nhà, cùng trong khu chung cư hoặc trên cùng tuyến đường đi học của con. Chị trả công cho con theo từng đơn hàng bằng với phí của các đơn vị giao hàng.
Chị cho biết: “Cho con giao hàng để con hiểu kiếm được đồng tiền phải vất vả như thế nào và biết quý trọng từng đồng kiếm được. Bạn ấy cũng nhiều lần phải đi lúc trời nắng chang chang hay về gặp phải mưa rào, rồi có khi đến mà không gặp khách, không gọi điện được cho khách. Đó là những bài học thực tế còn giá trị hơn bao lời dạy dỗ”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ, chị dạy con nhận biết về tiền từ khi còn học mẫu giáo. Ban đầu chỉ là những tờ tiền photo để bé chơi đồ hàng, dần dần bé biết phân biệt mệnh giá từng đồng tiền.
Sau đó, chị dạy con mua những thứ nhỏ từ cửa hàng tạp hóa gần nhà như mua bịch đường, túi giấy vệ sinh… đến mua hàng trong siêu thị.
Khi con lên lớp 6, bé bắt đầu được mẹ xin cho việc làm thêm là đi phát tờ rơi. Kể từ đó, dịp nghỉ hè nào bé cũng đi làm, khi thì phụ giảng cho các lớp hè, lúc làm gia sư.
Các công việc đầu tiên của con đều do bố mẹ xin giúp nhưng về sau, khi con làm gia sư tốt, có uy tín, nhiều phụ huynh giới thiệu cho nhau. Cùng với đó, chị dạy con cách lập bảng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm sao cho hiệu quả với khoản tiền kiếm được.
Chị Thu Hương chia sẻ, nhờ học cách tự lập và biết những vất vả khi kiếm tiền, 15 tuổi con gái chị đã có thể tự kiếm sống, tự chi tiêu hợp lý, tự lo cho mình 100% dù ở đâu và biết chăm sóc, lo lắng cho mẹ và những người xung quanh...
Theo chị, để con đi làm thêm, tự kiếm tiền khi còn ngồi trên ghế nhà trường là tạo cho con cơ hội trải nghiệm để học cách tự chịu trách nhiệm, biết cách xử lý các khó khăn trong đời thực và trưởng thành hơn.
Chị cho biết, không ít lần con bị phụ huynh học sinh mình dạy kèm mắng vì trẻ chậm tiến bộ hay con có việc đột xuất xin nghỉ dạy: “Đó là cơ hội để con biết nhận được đồng tiền không dễ dàng và phải làm gì, phải cố gắng thế nào mới thành công”.
Tiền không có lỗi
Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, lại dạy con làm quen với tiền và tiết kiệm tiền bằng cách chia sẻ với con về những chi tiêu của gia đình. Mỗi lần đóng tiền rác, tiền điện, tiền nước, chị đều nói cho con nghe về các khoản phí hằng tháng.
Ban đầu, các con chỉ thấy đó là những con số, nhưng dần dà các con hiểu nếu sử dụng điện nước tiết kiệm, con số sẽ giảm xuống. Các con nhìn vào tiền cha mẹ đóng hàng tháng để điều chỉnh. Ví dụ, chỉ mở vòi nước nóng khi cần, cả nhà cùng ý thức trong việc tắt đèn, tắt nước, vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.
Mỗi khi mua sắm đồ mới, vợ chồng chị cũng không quên nói với các con về cách chi tiêu sao cho tiết kiệm và hợp lý. Đồ dùng học tập mua đầu năm học, quần áo cũng mua đầu năm học hay dịp Tết, đồ chơi chỉ mua vào những dịp nhất định chứ không phải cứ thích là mua...
Hai con chị được mẹ cho kiếm tiền bằng cách phân loại rác để bán phế liệu. Khi mẹ nhận việc thủ công về làm như gấp thiệp, dãn nhãn sách... các con cũng tham gia và được trả công.
Tiền các con kiếm được một phần để theo mẹ làm từ thiện giúp đỡ các bạn khó khăn, một phần để các con tiêu vặt. Cả hai đều có ý thức không xin mẹ tiền tiêu.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, tiền không có lỗi, lỗi là ở người sử dụng và tìm kiếm nó. Nếu như con kiếm tiền nhưng vẫn đảm bảo không trái lương tâm và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập thì quá tốt và cha mẹ nên khuyến khích.
Theo thạc sĩ Trần Văn Tính, giảng viên tâm lý Đại học Quốc gia Hà Nội, nên cho trẻ biết về đồng tiền và sử dụng nó càng sớm càng tốt, ngay khi nhận thấy trẻ có thể hiểu được. Nếu hoàn toàn không biết gì về tiền bạc, trẻ lớn lên sẽ không biết tính toán và trở nên ngô nghê, bị động.
Ông kể về một trường hợp thực tế: Một nam sinh viên 19 tuổi đã gọi điện cầu cứu ông vì không biết phải mua đồ ăn gì, ở đâu khi mẹ đi vắng. Hóa ra từ bé đến lớn, ngoài việc đóng tiền học và sắm sách vở, cậu chưa phải tự mua bất cứ cái gì cho sinh hoạt cá nhân nên hoàn toàn lúng túng khi mẹ không có nhà.
Tuy nhiên, con cái sẽ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu bố mẹ cứ cho ngay mỗi khi được yêu cầu. Khi trẻ xin tiền, nên yêu cầu trẻ nói rõ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết như thế nào, nếu chính đáng mới đồng ý, nếu không thì phải giải thích cho con hiểu.
Sau khi cho, cha mẹ cần giám sát để biết trẻ có dùng tiền đúng mục đích nó nói hay không, vì không ít trẻ nêu lý do rất chính đáng nhưng thực tế ngược lại.
Ông nêu trường hợp một cậu bé 15 tuổi xin bố 300.000 đồng để mua quà tặng gia sư nhân ngày 20/11, sau đó một thời gian gia đình phát hiện cũng vào dịp đó, cũng với lý do đó, cậu bé còn xin tiền của mẹ, ông nội, bà nội… và dùng số tiền đó để cùng bạn thử mùi karaoke “tươi mát”.